Thuê đất gần một thập kỷ chỉ xây được... khung nhà bảo vệ
(Dân trí) - Trong quá trình được giao đất để thực hiện dự án, một công ty đã để xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm đất. Đặc biệt doanh nghiệp trên bờ vực phá sản khiến địa phương loay hoay xử lý trách nhiệm.
Ngày 4/8, UBND huyện Tuy Đức (Đắk Nông) tổ chức họp báo, cung cấp thông tin về việc xử lý các trường hợp lấn, chiếm đất trái pháp luật tại Cụm Công nghiệp- Tiểu thủ công nghiệp Quảng Tâm, huyện Tuy Đức.
Cụ thể, từ 1/2/2012- 7/11/2019, tỉnh Đắk Nông đã giao đất cho Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Đại Gia Thuận (trụ sở tại TPHCM) thuê 34,94 ha thuộc Cụm Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Quảng Tâm, đồng thời cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản trên đất.
Tuy nhiên, do năng lực quản lý yếu kém, chủ đầu tư đã để xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm, sang nhượng trái phép, gây mất an ninh trật tự và khiếu kiện kéo dài.
"Thời điểm thu hồi năm 2019, có 26 căn nhà xây dựng trái phép nhưng đến hiện tại đã có 53 trường hợp lấn chiếm hơn 32ha, tạo lập tài sản trái pháp luật. Qua thanh tra, trong suốt thời gian cho thuê đất, chủ đầu tư dự án đầu tư rất ít. Đến thời điểm thu hồi, Công ty Đại Gia Thuận chỉ xây dựng được một nhà bảo vệ và hàng rào nhưng vẫn chưa hoàn thành", lãnh đạo UBND huyện Tuy Đức thông tin thêm.
Cũng theo lãnh đạo UBND huyện Tuy Đức, từ thời điểm được giao đất đến thời điểm thu hồi dự án, Công ty Đạo Gia Thuận còn nợ 1,7 tỷ đồng tiền thuê đất. Theo quy định sẽ xử phạt nhưng chi nhánh tại Đắk Nông và công ty chính tại TPHCM không còn hoạt động (gần như đã phá sản) nên cơ quan chức năng sẽ phải tìm cách xử lý, truy thu thuế.
Liên quan đến vấn đề an sinh xã hội, UBND huyện Tuy Đức cho biết có 23 hộ dân chưa xác định được chủ sở hữu nên địa phương sẽ cưỡng chế những trường hợp này trước. Đối với những hộ dân còn lại, nếu hộ dân nào có hoàn cảnh khó khăn thì sẽ hỗ trợ phòng trọ, nhà trọ và gạo muối trong vòng 3 tháng.
Tại buổi họp báo, lãnh đạo UBND huyện Tuy Đức cung cấp thông tin, địa phương sẽ thực hiện việc xem xét, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm lãnh đạo các cấp, các thời kỳ liên quan đến tình trạng người dân lấn chiếm đất.
Trước đó, huyện Đắk Glong đã thực hiện cưỡng chế, giải tỏa hàng trăm trường hợp lấn chiếm đất rừng tại dự án trước đây được UBND tỉnh Đắk Nông giao cho gia đình nguyên Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông. Huyện Tuy Đức là địa phương thứ 2 thực hiện công tác cưỡng chế với quy mô lớn nhằm lập lại trật tự quản lý đất đai (đặc biệt là đất rừng) và trật tự xây dựng.