Thực hiện nghị quyết phục hồi kinh tế: "Vừa làm vừa sợ sai"

Hoài Thu

(Dân trí) - Vướng mắc về thể chế, theo đại biểu Quốc hội, là khó khăn khiến việc thực hiện Nghị quyết 43 chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Thời điểm đó, các cơ quan "vừa làm vừa lo sợ".

Thực tế này được các đại biểu Quốc hội chỉ ra khi phát biểu trên nghị trường ngày 25/5 về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề "việc thực hiện Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội".

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai ghi nhận những kết quả đáng trân trọng trong thực hiện Nghị quyết 43 về phục hồi kinh tế - xã hội, song theo bà, việc rút ra bài học kinh nghiệm cho chặng đường tiếp theo là hết sức cần thiết.

Thực hiện nghị quyết phục hồi kinh tế: Vừa làm vừa sợ sai - 1

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai (Ảnh: Hồng Phong).

Về tính kịp thời trong tổ chức thực hiện, bà Mai nêu thực tế đến nay một số nhiệm vụ chưa kịp hoàn thành, làm ảnh hưởng tới tính ứng phó kịp thời của một số chính sách.

Nữ đại biểu dẫn chứng gói giải ngân vốn kết cấu hạ tầng đến nay mới giải ngân được 61%; Gói hỗ trợ lãi suất 2% thông qua ngân hàng thương mại chỉ đạt 3,05%; Gói đào tạo, dạy nghề đạt 37% và hỗ trợ tiền thuê nhà đạt 55,7%.

Bài học thứ hai, theo bà Mai, là cách lựa chọn chính sách và tính khả thi của một số chính sách. "Như chính sách hỗ trợ thông qua ngân hàng thương mại, chính sách hỗ trợ vốn phát triển du lịch hay việc sử dụng quỹ viễn thông công ích, nếu có thể làm lại, tôi cho rằng rất cần có trọng tâm, trọng điểm. Chúng ta không cần nhiều chính sách, nhưng cần nâng cao tính khả thi, hiểu được người dân, doanh nghiệp thực sự cần gì", bà Mai nói.

Nữ đại biểu cũng nhắc đến đề xuất của Chính phủ về việc cho phép kéo dài thời gian giải ngân các dự án thuộc chương trình phục hồi kinh tế đến hết 2025.

"Trong số 272 dự án thuộc chương trình, có đến 107 dự án tỷ lệ giải ngân dưới 50%. Nếu không cho phép kéo dài sẽ dẫn đến dở dang, lãng phí", theo bà Mai, đây cũng là bài toán cần xem xét thận trọng.

Dù vậy, bà Mai góp ý với một số dự án có hiệu quả giải ngân thấp và chưa thực hiện nghiêm các quy định liên quan, có thể hủy dự toán và làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan.

Thực hiện nghị quyết phục hồi kinh tế: Vừa làm vừa sợ sai - 2

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận ngày 25/5 (Ảnh: Hồng Phong).

"Đến nay, Nghị quyết 43 đã đi đến chặng đường cuối cùng. Chúng ta trân trọng kết quả đạt được, nhưng cũng có những điều nuối tiếc cho những điểm chưa trọn vẹn. Tuy nhiên với tất cả những trải nghiệm, bài học đúc rút, chúng ta có quyền tin rằng sẽ làm tốt hơn ở chặng đường tiếp theo", bà Mai chia sẻ.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) chia sẻ thời điểm 2022, TPHCM là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch nên rất mong muốn có một gói hỗ trợ chính sách để phục hồi kinh tế.

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 43, các mục tiêu kiểm soát đại dịch, phục hồi tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội cơ bản đã đạt được. Tuy vậy, còn đó một số tồn tại cần nhận diện nguyên nhân để có giải pháp khắc phục.

3 nguyên nhân được vị đại biểu chỉ ra, mà trước hết, theo ông, đây là việc chưa có tiền lệ, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, chúng ta rất lúng túng, vừa kiểm soát dịch bệnh lại vừa phải phục hồi kinh tế.

Thứ hai là thể chế. "Thời điểm đó, các cơ quan vừa làm vừa lo sợ, vừa cấp bách cứu dân nhưng cũng vừa phải hỗ trợ doanh nghiệp, phải làm mọi thứ hết, nhưng lại sợ hậu kiểm liệu có sai không", ông Ngân cho rằng đây chính là một khó khăn.

Đại biểu TPHCM dẫn chứng gói hỗ trợ vay vốn lãi suất 2%, doanh nghiệp rất muốn nhưng cũng sợ hậu kiểm, không biết có an toàn không? Chưa kể, dấu hiệu phục hồi chưa rõ nét, cơ hội đầu tư chưa sáng nên doanh nghiệp cũng chưa dám vay vốn.

Thực hiện nghị quyết phục hồi kinh tế: Vừa làm vừa sợ sai - 3

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Ảnh: Hồng Phong).

Cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến việc triển khai Nghị quyết số 43 chưa như kỳ vọng, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đề cập đến tình trạng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn nghị quyết hầu hết là chậm.

Bà Nga dẫn chứng, trong 21 văn bản được thống kê chỉ có một văn bản được ban hành đúng thời hạn, 20 văn bản còn lại chậm và muộn. Trong 20 văn bản đó, 4 văn bản tuy không có thời hạn cụ thể nhưng cũng ban hành rất muộn.

"Nghị quyết 43 có thời hạn thực hiện trong 2 năm thì mất đúng một năm cho công tác ban hành văn bản. Trong những văn bản ban hành muộn, chỉ có 2 văn bản thời gian chậm tính bằng ngày, còn lại chậm từ 2-7 tháng", nữ đại biểu dẫn chứng.

Theo bà, tình trạng chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được đề cập nhiều lần, nhưng đến nay chưa thấy thực sự có chuyển biến rõ rệt. Nghị quyết 43 ra đời trong tình thế cấp bách để giải quyết những vấn đề cấp bách, nhưng vẫn chậm như thời gian trước.