1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thừa Thiên Huế sẽ nới lỏng thêm dịch vụ ăn uống, du lịch sau 22/4

(Dân trí) - Ngày 20/4, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo nới lỏng vòng trong một số dịch vụ sau 22/4 nếu tình hình dịch bệnh ổn định.

Sẽ nới lỏng dịch vụ ăn uống, du lịch

Theo đó, Thừa Thiên Huế sẽ nới lỏng vòng trong một số dịch vụ theo hướng có kiểm soát chặt, duy trì thắt chặt vòng ngoài. Trong thời gian này, các sở, ban, ngành, địa phương nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mức độ sẵn sàng các lĩnh vực có thể nới lỏng như: cơ sở lưu trú, các điểm du lịch, dịch vụ ăn uống...

Thừa Thiên Huế sẽ nới lỏng thêm dịch vụ ăn uống, du lịch sau 22/4 - 1

Các dịch vụ ăn uống sẽ được nới lỏng sau 22/4 tại Huế

Riêng lĩnh vực giáo dục thì phải chuẩn bị kỹ điều kiện và phương án cho học sinh trở lại trường học một cách an toàn.

“Mặc dù 45 ngày qua trên địa bàn Thừa Thiên Huế chưa phát hiện bệnh nhân dương tính với Covid-19, tuy nhiên tình hình ở cấp độ quốc gia - Việt Nam vẫn là nước có dịch. Thừa Thiên Huế nằm trong nhóm 2- nhóm nguy cơ; cạnh địa phương là Đà Nẵng được xếp nhóm nguy cơ cao; 2 ngày nữa chúng ta mới hoàn thành cách ly hết số người ở Lào về... nên không thể chủ quan mà phải chủ động hơn nữa trong công tác phòng chống dịch”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh. 

Ông Thọ giao các sở ban ngành nghiên cứu các quyết sách với quan điểm “phòng chống dịch nhưng phải đảm bảo phát triển kinh tế xã hội; vừa chống dịch hiệu quả, vừa phải an lòng dân”. Do vậy các quyết sách đưa ra nới lỏng các ngành nghề kinh doanh phải dựa trên tính thực tiễn, khoa học, pháp lý, đảm bảo sự đồng thuận cao của xã hội, có lợi cho người dân; và phải tính toán kỹ để không xảy ra nhiều hậu quả khôn lường.

Nhiều người vẫn đến quán cafe, tụ tập ở công viên không khẩu trang

Vào ngày 17/4, sau khi được xếp vào nhóm 2 – nhóm nguy cơ, Thừa Thiên Huế đã nới lỏng một số ngành nghề kinh doanh như: cửa hàng tạp hóa, kinh doanh hoa, quả, trái cây; cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm, thuốc chữa bệnh; cửa hàng kinh doanh xăng, dầu, gas, khí đốt; các lĩnh vực buôn bán nhỏ lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy, điện, nước, cơ khí được phép mở cửa hoạt động nhưng không được tập trung quá 10 người; chủ cơ sở phải có cam kết bằng văn bản việc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Thừa Thiên Huế sẽ nới lỏng thêm dịch vụ ăn uống, du lịch sau 22/4 - 2

1 quán cafe trên đường Mai Thúc Loan, TP Huế vẫn có tình trạng tụ tập vào uống cafe dù không được phép sau ngày 17/4

Riêng các nhà hàng, quán ăn, quán cafe, nước giải khát chỉ được phép hoạt động bán hàng online, đặt hàng qua mạng, điện thoại và giao hàng tận nhà. Các chủ cơ sở chịu trách nhiệm quản lý các người giao hàng tận nhà (shipper) về tình trạng dịch tễ và vệ sinh y tế.

Cơ sở y tế, khám chữa bệnh (kể cả bệnh viện, phòng khám tư nhân), các cơ sở kinh doanh thuốc y tế phải có phương án cụ thể giám sát chặt chẽ bệnh nhân, người chăm sóc; kịp thời phát hiện và nắm thông tin những người có dấu hiệu ho, sốt, khó thở để thông báo ngay cho các đội phản ứng nhanh.

Thừa Thiên Huế sẽ nới lỏng thêm dịch vụ ăn uống, du lịch sau 22/4 - 3

Nhiều người dân tụ tập không đeo khẩu trang ở công viên Bia Quốc Học chiều 19/4

Ở các điểm công cộng, hoạt động tập trung đông người, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng, phải đeo khẩu trang...

Tuy nhiên theo ghi nhận của PV từ ngày 17/4 đến nay, vẫn còn một số quán cafe vẫn chưa chấp hành khi có người vào uống tại quán, nhiều đám đông tụ tập ở công viên, không đeo khẩu trang phòng vệ chứng tỏ ý thức của người dân vẫn chưa thực sự cao...

Thừa Thiên Huế sẽ nới lỏng thêm dịch vụ ăn uống, du lịch sau 22/4 - 4

Nhóm bạn trẻ không đeo khẩu trang đá cầu ở công viên

Đại Dương