1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thừa Thiên Huế có thể trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào 2025

Vi Thảo

(Dân trí) - Theo yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thừa Thiên Huế cần tập trung phối hợp với bộ, ngành hoàn thành thủ tục về Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội.

Sáng 6/4, Thủ tướng  Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và xúc tiến đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá tóm tắt Quy hoạch Thừa Thiên Huế trong 13 chữ: Bản sắc, thông minh, thích ứng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, bền vững.

Thừa Thiên Huế có thể trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào 2025 - 1

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Vi Thảo)

Theo Thủ tướng, Quy hoạch có vai trò rất quan trọng, tạo ra những cơ hội lớn, tác động lâu dài, là động lực quan trọng trong phát triển đất nước nói chung và của từng địa phương nói riêng.  

Thủ tướng nhấn mạnh tỉnh Thừa Thiên Huế có vị trí chiến lược quan trọng, là cầu nối từ Bắc vào Nam. Do đó, việc phát triển địa phương toàn diện là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu.

Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế - xã hội, như có biển và hệ đầm phá lớn nhất Đông Nam Á, là vùng đất địa linh, nhân kiệt, văn hiến, cố đô lịch sử, thành phố di sản của thế giới, với 5 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận; có hệ thống giáo dục, y tế phát triển.

Thừa Thiên Huế có thể trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào 2025 - 2

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Ảnh: Ngọc Hiếu)

Những năm qua, Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào kết quả chung của cả nước.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2023 của tỉnh đạt 7,03%, xếp thứ 28/63 trong cả nước. Tỉnh có nhiều tiến bộ trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhiều chỉ số xếp ở vị trí hàng đầu cả nước.  

Tuy nhiên, tỉnh cũng đối diện với nhiều khó khăn, hạn chế, thách thức, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt.

Thời gian tới, Thủ tướng lưu ý Thừa Thiên Huế chú trọng, tập trung thực hiện "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh" khi triển khai các quy hoạch.

Theo đó, địa phương cần huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống, tạo đột phá trong những động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ...

Thừa Thiên Huế cần tập trung phối hợp với bộ, ngành hoàn thành thủ tục về Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội, theo yêu cầu của Thủ tướng.

Mục tiêu được người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh là năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương nếu đủ điều kiện.

Thừa Thiên Huế có thể trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào 2025 - 3

Theo quy hoạch, đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (Ảnh: Vi Thảo)

Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, cùng toàn thể các bộ, ngành và lãnh đạo các cấp của tỉnh Thừa Thiên Huế: Đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã thực hiện thì phải có kết quả thực chất, cân - đong - đo - đếm và lượng hóa được; tạo khí thế, động lực mới cho phát triển.

Theo quy hoạch, đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2030 là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu.

Tầm nhìn đến năm 2050, Thừa Thiên Huế là thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, xanh, bản sắc Huế, thông minh, hướng biển, thích ứng và bền vững.

Về các định hướng, ưu tiên phát triển, quy hoạch xác định 3 trung tâm đô thị, 3 hành lang kinh tế, 3 động lực tăng trưởng, 5 khâu đột phá phát triển.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã trao giấy chứng nhận đầu tư mới cho 13 dự án với tổng vốn đăng ký trên 3,5 nghìn tỷ đồng.