8 từ cần thiết cho quy hoạch tỉnh Quảng Nam
(Dân trí) - Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngày 16/3, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức công bố đồ án quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và khai mạc năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia 2024.
Phát biểu tại lễ công bố, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, so với nhiều địa phương khác trong khu vực, Quảng Nam có nhiều lợi thế, có biển, có sông, có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, kết nối vùng thông suốt, vị trí địa chính trị quan trọng... Trong tương lai, Quảng Nam được dự đoán sẽ là địa phương trọng tâm kết nối vùng.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, Quảng Nam nằm trong nhóm các địa phương có nhiều liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang và nhiều gia đình chính sách…
"Quảng Nam cũng có sức mạnh to lớn về văn hóa, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, mạnh về văn hóa, có nhiều di sản được công nhận. Đặc biệt là tính cách quyết liệt, sự cần kiệm, chịu thương, chịu khó. Đây là nguồn lực quan trọng để Quảng Nam có sự bứt phát thời gian tới", Phó Thủ tướng phát biểu.
Theo Phó Thủ tướng, không phải vô cớ mà Bộ Tài nguyên Môi trường chọn Quảng Nam là địa phương đăng cai tổ chức Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia bởi đây là tỉnh có điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng.
Thiên nhiên cũng ban tặng cho Quảng Nam sự đa dạng sinh học, là tiềm năng để phát triển du lịch.
"Địa phương cũng đã chắt chiu thu hút, kêu gọi đầu tư, cố gắng tạo điều kiện và đồng hành cùng nhà đầu tư. Để bây giờ có được những doanh nghiệp hàng đầu của đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển công nghiệp", Phó Thủ tướng khẳng định và tin tưởng sự bứt phá của Quảng Nam trong thời gian tới.
Đối với những địa phương phát triển nhanh, mạnh, có sự bứt phá, hệ lụy có thể có những sai sót, khuyết điểm, thậm chí mất mát, hy sinh. Ông Trần Lưu Quang mong lãnh đạo tỉnh Quảng Nam khắc phục thiếu sót, đồng thời có thể giữ được tư duy mạnh mẽ trong quy hoạch.
Ông lưu ý Quảng Nam thực hiện 8 từ "Tuân thủ, Linh hoạt, Đồng bộ và Thấu hiểu" trong quy hoạch và thực hiện quy hoạch.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được xây dựng trên cơ sở kế thừa, phát triển. Đồng thời cập nhật, bổ sung các quan điểm, định hướng phát triển mới, phù hợp với thực tiễn, xu thế của thời đại.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, quy hoạch thể hiện ý chí, khát vọng vươn lên của tỉnh với mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; có mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại.
Ngoài ra, phát triển cảng hàng không, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch, công nghiệp ô tô, công nghiệp cơ khí, điện khí mang tầm khu vực; hình thành trung tâm công nghiệp phụ trợ, chế biến sâu sản phẩm nông lâm nghiệp, dược liệu, silica mang tầm quốc gia; có cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao…
Ông Lê Trí Thanh khẳng định: "Đến năm 2050, Quảng Nam phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ số phát triển con người và thu nhập của người dân ở mức cao; đóng góp lớn cho ngân sách Trung ương".
Nội dung chính quy hoạch tỉnh Quảng Nam:
Phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của tỉnh với tư duy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực phát triển nhanh và bền vững. Kết hợp nội lực với ngoại lực, phấn đấu một số ngành, lĩnh vực thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.
Đến năm 2030, Quảng Nam phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên; có mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại.
Phát triển hàng không, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch, công nghiệp cơ khí ô tô, cơ khí chế tạo, điện khí mang tầm khu vực; hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu, chế biến sâu sản phẩm nông lâm nghiệp, silica mang tầm quốc gia.
Có cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao; có nền văn hóa giàu bản sắc; đa số các cơ sở y tế, giáo dục đạt chuẩn quốc gia; có hệ thống đô thị đồng bộ, gắn kết với nông thôn.
Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt trên 8%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt trên 7.500 USD. Đến năm 2050, tỉnh Quảng Nam phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững; phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông chiến lược.
Xây dựng Quảng Nam trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển của quốc gia, động lực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Tây Nguyên.
Phát huy hiệu quả vai trò động lực, lợi thế cạnh tranh của Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang; mở rộng và hình thành thêm các khu công nghiệp tại các vị trí thuận lợi.
Phát triển các loại hình dịch vụ du lịch mới như du lịch sự kiện, hội nghị, thể thao, du lịch nông thôn, miền núi; phát triển mạnh các khu du lịch ven biển, ven sông với đa dạng các loại hình vui chơi, giải trí, điều trị, chăm sóc sức khỏe. Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp gắn với tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp.