Thủ tướng: Phải xong sân bay Cà Mau trước 30/4/2025
(Dân trí) - "Chúng ta không thể để chậm chỉ vì lý do thủ tục, trong khi nhân dân ngày đêm mong chờ, yêu cầu phát triển phải có sân bay", Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu hoàn thành dự án sân bay Cà Mau.
Sáng 16/10, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương cùng các tỉnh, thành ĐBSCL.
Giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, ông đã có 5 lần kiểm tra các công trình giao thông trọng điểm ở vùng ĐBSCL.
Theo Thủ tướng, ĐBSCL có nhiều lợi thế nhưng vẫn còn hạn chế, thứ nhất là hạ tầng chiến lược, giao thông còn khó khăn, ảnh hưởng việc vận chuyển hàng hóa; thứ hai là tăng chi phí logistics, giảm tính cạnh tranh hàng hóa; thứ ba là không tạo ra không gian phát triển mới, tái cơ cấu kinh tế.
Ông nhấn mạnh, phải phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tích cực đổi mới sáng tạo trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có việc thi công các công trình trọng điểm quốc gia. Đồng thời, làm việc theo tinh thần phân cấp, phân quyền.
Thủ tướng cho biết, thực hiện yêu cầu của Hội nghị Trung ương 10 và chỉ đạo của lãnh đạo chủ chốt, Chính phủ đang đề xuất sửa đổi các luật theo hướng địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm; xóa bỏ cơ chế xin cho; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, trong đó có việc triển khai các dự án hạ tầng giao thông lớn.
Thủ tướng đề nghị các tỉnh, thành phố cũng cần ủng hộ tinh thần này; các bộ, ngành chỉ tập trung vào công tác quản lý nhà nước.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, tại buổi làm việc ở Cần Thơ hôm nay phải giải quyết ngay những vấn đề vướng mắc, làm dứt điểm với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; làm việc có trọng tâm, trọng điểm, khó khăn ở đâu tháo gỡ ở đó, không để công việc trì trệ kéo dài.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính... báo cáo tình hình vật liệu cát, đá, vốn...; các địa phương báo cáo mặt bằng, nguyên vật liệu, vướng mắc và khó khăn.
"Đi vào những vấn đề cụ thể, không nói lan man mất thời gian. Nhân dân trông đợi, yêu cầu phát triển cao. Bây giờ sắp hết nhiệm kỳ này rồi mà chúng ta không làm được gì mới thì làm sao có tiền đề để nhiệm kỳ sau đất nước vươn mình được.
Tôi đề nghị phải nói rõ, nói gọn, nói thẳng vấn đề, vướng mắc ở đâu, ai tháo gỡ. Hai đồng chí Phó Thủ tướng, bộ trưởng, lãnh đạo có mặt ở đây hết rồi, cái gì chưa được thì phải tháo gỡ việc này, cái gì làm tốt phải phát huy, rút kinh nghiệm, mở rộng ra, khen thưởng, thi đua...", Thủ tướng Phạm Minh Chính quán triệt.
Thủ tướng yêu cầu, ngoài các dự án đường bộ, cần tiếp tục bàn các nhiệm vụ, giải pháp triển khai các dự án các sân bay, bến cảng… cho vùng ĐBSCL.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan, tỉnh Cà Mau phải nỗ lực hoàn thành dự án sân bay Cà Mau, máy bay cất hạ cánh được vào dịp 30/4/2025.
"Chúng ta không thể để chậm chỉ vì lý do thủ tục, trong khi nhân dân ngày đêm mong chờ, yêu cầu phát triển phải có sân bay", Thủ tướng nêu rõ.
Miền Tây đang triển khai 9 dự án giao thông quan trọng quốc gia
Theo báo cáo của Bộ GTVT, hiện nay khu vực ĐBSCL đang triển khai 9 dự án giao thông quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT với tổng vốn đầu tư khoảng 106.000 tỷ đồng.
Trong đó, 8/9 dự án đang tổ chức thi công. Dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (vốn ODA Hàn Quốc) do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản đang hoàn thiện thủ tục và dự kiến khởi công đầu năm 2025.
Theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, 2 dự án phải cơ bản hoàn thành năm 2025, gồm Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau và Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận.
Về nguồn vật liệu cát đắp nền đường, đến nay, các địa phương đã xác định được nguồn 72,3 triệu m3, đảm bảo nhu cầu.
Các địa phương đã nỗ lực triển khai thủ tục cấp mỏ vật liệu, tuy nhiên do thời gian thực hiện các thủ tục kéo dài và công suất khai thác mỏ hạn chế nên chưa đáp ứng yêu cầu thi công.
Cụ thể, tỉnh An Giang đã hoàn thiện thủ tục điều chuyển 1,4 triệu m3 để phục vụ thi công Dự án Cần Thơ - Cà Mau; đã xác định đủ nhu cầu hơn 3 triệu m3, đang thực hiện thủ tục cấp phép, dự kiến hoàn thành thủ tục khai thác trong tháng 11.
Tỉnh Sóc Trăng đủ điều kiện khai thác 0,76 triệu m3 cát sông và 1,2 triệu m3 cát biển, đang hoàn thiện thủ tục cấp phép 5 triệu m3 cát sông, dự kiến hoàn thành trong tháng 10.
Tỉnh Tiền Giang đang thực hiện thủ tục cấp phép gần 13 triệu m3 cát, dự kiến hoàn thành thủ tục khai thác trong tháng 11.
Tỉnh Bến Tre đang thực hiện thủ tục cấp phép gần 5 triệu m3, dự kiến hoàn thành thủ tục trong tháng 11. Riêng các mỏ đấu giá để cấp cho TPHCM 2 triệu m3 phải đến cuối tháng 12 mới hoàn thành.
Tỉnh Vĩnh Long đang thực hiện thủ tục cấp phép 0,8 triệu m3 cát, dự kiến hoàn thành thủ tục khai thác trong tháng 10.
UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo rà soát các thủ tục để tăng trữ lượng khai thác cát, cung ứng đủ cho dự án theo chỉ tiêu được Thủ tướng giao.