Thủ tướng: "Phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, đã nói phải làm"
(Dân trí) - Để thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, cần phân công cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương với phương châm rõ người, rõ việc, đã nói phải làm.
Chiều 15/10, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030".
Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và 12 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long.
"Đã nói phải làm, rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc"
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính phân tích, nhấn mạnh vị trí, vai trò, tầm quan trọng, những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của ĐBSCL.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, ĐBSCL có nhiều lợi thế, tiềm năng về con người, truyền thống lịch sử văn hóa, đất đai, khí hậu, điều kiện tự nhiên để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là ngành lúa gạo, thủy hải sản.
Theo Thủ tướng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết này và từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Thủ tướng đã nhiều lần làm việc với các địa phương vùng ĐBSCL, với số lần làm việc tại ĐBSCL là nhiều nhất so với các địa phương, các vùng khác trên cả nước.
Thủ tướng cũng cho biết, trong các cuộc gặp gỡ, trao đổi với đối tác quốc tế, ông luôn nhắc về ĐBSCL. Bởi việc làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; thúc đẩy chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn thì không thể không nói đến ĐBSCL. Mặt khác, với vấn đề an ninh lương thực thực phẩm trên thế giới, ĐBSCL rất có cơ hội để phát triển.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, ĐBSCL có lợi thế nhưng nếu không "thổi hồn" bằng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn thì chỉ dừng ở mức trung bình, giá trị gia tăng không cao, lợi nhuận thu về không như mong muốn.
Thủ tướng nêu rõ, lúa gạo là ngành hàng có lợi thế của nước ta; sản xuất lúa gạo không chỉ có vai trò thiết yếu đối với bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, ổn định xã hội, mà còn là nguồn thu nhập quan trọng của hàng chục triệu hộ nông dân Việt Nam, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu, góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Với quan điểm đó, Đề án "Phát triển bền vững một triệu hecta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" được Thủ tướng phê duyệt tháng 11/2023 đến nay đã triển khai được gần một năm.
Theo ông, đây là Đề án hết sức ý nghĩa với người nông dân vùng ĐBSCL, với ngành hàng lúa gạo và với nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu an toàn trước thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính, đưa mức phát thải ròng về "0" theo đúng cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 (hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26).
Thủ tướng nhận định, hội nghị tổ chức ở Cần Thơ hôm nay nhằm đánh giá những điểm đề án làm được và chưa làm được, việc làm tiếp theo, trách nhiệm của từng người là như thế nào, trong đó trách nhiệm từng người là phải làm rõ các yếu tố gồm người, việc, thời gian, tiến độ.
"Những cái làm được thì rút kinh nghiệm, phát huy; những cái chưa làm được phải có nguyên nhân, ai chịu trách nhiệm, ai làm và làm trong bao lâu, kết quả như thế nào phải rõ. Không nói chung chung, không nói vui", ông nhấn mạnh.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao, hoan nghênh các tỉnh ĐBSCL, Bộ NN&PTNT vừa qua đã có rất nhiều cố gắng, vươn lên từ những khó khăn, thiếu thốn để thúc đẩy tăng trưởng, giảm lạm phát, xây dựng, quảng bá thương hiệu. Cùng với Bộ NN&PTNT, 12 tỉnh, thành phố ĐBSCL đã phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy nông nghiệp phát triển.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, hiện nay việc triển khai Đề án còn nhiều khó khăn, vướng mắc về nhận thức và hành động (còn có những ý kiến khác nhau về sự cần thiết và hiệu quả của Đề án, nhiều hộ nông dân chưa mặn mà tham gia Đề án); về quy hoạch và xác định vùng trồng lúa; về cơ chế, chính sách, về việc huy động và bố trí nguồn lực triển khai Đề án, trong đó có việc quản lý, sử dụng vốn ODA, trao đổi tín chỉ carbon trong trồng lúa và một số vấn đề khác. Vừa có thách thức, đồng thời cũng là cơ hội lớn.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị, cần phân công cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành, các địa phương với phương châm "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ sản phẩm, rõ kết quả", đồng thời thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá, tinh thần là "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm", đã nói là làm, đã làm là ra kết quả.
Ông yêu cầu, song song việc triển khai Đề án, cần phải phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là ở vùng ĐBSCL. "Chúng ta đang tập trung cho hệ thống đường cao tốc, cảng biển. Ngoài ra chúng ta bắt tay xây dựng các cảng thủy nội địa vì đã có quy hoạch rồi, giờ phải phát động phong trào làm cảng thủy nội địa này nhằm phát huy được điều kiện sông nước ĐBSCL, giảm chi phí logistics, tăng cạnh tranh của hàng hóa...", Thủ tướng nhấn mạnh.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên thực hiện Chương trình sản xuất lúa giảm phát thải trên quy mô lớn.
Tháng 11/2023 Thủ tướng đã phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL".
Đề án có ý nghĩa quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở ĐBSCL nhằm gia tăng giá trị ngành hàng lúa gạo Việt Nam, nâng cao thu nhập và đời sống cho người nông dân, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.
Đề án chia làm 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 (2024-2025) sẽ tập trung vào 200.000ha có điều kiện về hạ tầng sản xuất và năng lực của các hợp tác xã trong sản xuất và liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp nhằm đạt tiêu chí lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Ở giai đoạn 2 (2026-2030), tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng và tiếp tục nâng cao năng lực của cả hệ thống để mở rộng thêm 800.000ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Theo báo cáo tiến độ triển khai đề án của Bộ NN&PTNT, Bộ đã cùng các địa phương và Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế tổ chức triển khai 7 mô hình thí điểm trên địa bàn 5 tỉnh thành gồm: Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng.
Hiện 4/7 mô hình thí điểm vụ Hè - Thu năm 2024 đã báo cáo kết quả đạt rất tích cực, giảm chi phí 20-30%; tăng năng suất 10% (năng suất trong mô hình đạt 6,3-6,6 tấn/ha so với đối chứng đạt 5,7-6 tấn/ha); tăng thu nhập cho nông dân thêm 20-25% (lợi nhuận tăng thêm từ 4 đến 7,6 triệu đồng/ha so với đối chứng); giảm trung bình 5-6 tấn CO2 tương đương trên 1ha và tất cả sản lượng lúa thu hoạch đều được các doanh nghiệp đăng ký bao tiêu với giá mua cao hơn 200-300 đồng/kg thóc.
Kết quả đạt được từ các mô hình thí điểm đã tạo khích lệ lớn cho các hộ nông dân và HTX tin tưởng và tiếp tục tích cực tham gia Đề án.