1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thủ tướng hoan nghênh các nhà hảo tâm giúp đỡ bà con vùng bão lũ

Công Bính

(Dân trí) - Tại buổi làm việc với các địa phương bị ảnh bão lũ chiều 1/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hoan nghênh tấm lòng từ thiện của các nhà hảo tâm đã giúp đỡ, hỗ trợ người dân vùng bão lũ.

Sau khi thị sát và thăm hỏi người dân vùng bão lũ 2 tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam, chiều 1/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc cùng các Bộ, ngành Trung ương để bàn biện pháp khắc phục hậu quả bão lũ tại các tỉnh, thành bị ảnh hưởng.

Thủ tướng hoan nghênh các nhà hảo tâm giúp đỡ bà con vùng bão lũ - 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xem bản đồ nơi bị sạt lở ở huyện Nam Trà My và Phước Sơn, Quảng Nam

Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ Trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, bão số 9 là cơn bão lớn, đặc biệt nguy hiểm, là cơn bão lịch sử trong 20 năm qua trực tiếp tác động vào Miền Trung nước ta. Cơn bão số 9 đổ bộ sau thời gian nhiều ngày mưa lũ khu vực Miền Trung đã bị tổn thương rất nặng nề, đặc biệt các tác động thiên tai dồn dập trong tháng 10/2020.

“Đây được đánh giá là cơn bão mạnh nhất trong 20 gần đây (tương đương cơn bão Xangsane năm 2006) và đã gây thiệt hại hết sức nghiêm trọng về người và tài sản tại các địa phương trong khu vực”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu.

Thủ tướng hoan nghênh các nhà hảo tâm giúp đỡ bà con vùng bão lũ - 2

Trung tướng Trịnh Đình Thạch - Chính ủy quân khu 5 trình bày về công tác cứu hộ, cứu nạn những nạn nhân bị mất tích do bão lũ

Bão số 9 gây mưa lớn cho các tỉnh, thành từ Nghệ An vào đến Bình Định và thiệt hại nhiều tài sản cũng như tính mạng người dân. Tổng cộng có 29 người chết, 51 người mất liên lạc, trong đó 45 nạn nhân do sạt lở đất.

727 nhà sập hoàn toàn, tại Quảng Ngãi có 325 nhà, Quảng Nam 288 nhà; 176.797 nhà bị hư hỏng (riêng Quảng Ngãi có 140.033 nhà, Quảng Nam: 27.649 nhà). Theo số liệu các tỉnh báo cáo, thiệt hại ước tính 10.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề xuất hỗ trợ trước mắt Quảng Ngãi 1.000 tấn gạo, Quảng Nam 1.000 tấn và Bình Định 500 tấn. Về kinh phí, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 800 tỷ đồng cho 6 tỉnh. Trong đó, Quảng Nam 250 tỷ, Quảng Ngãi 250 tỷ, Bình Định 150 tỷ, Thừa Thiên Huế 50 tỷ, Nghệ An 50 tỷ đồng và Kon Tum 50 tỷ.

Thủ tướng hoan nghênh các nhà hảo tâm giúp đỡ bà con vùng bão lũ - 3

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung báo cáo về công tác hỗ trợ đối với người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai

Về đề xuất hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại do bão lũ, tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: Theo Nghị định 136 đối tượng được hỗ trợ hiện nay đối với nhà bị hư hại là 20 triệu đồng, nhà bị sập là 40 triệu đồng.

Về gạo, theo Nghị định 136, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, như đề xuất của địa phương (Quảng Ngãi 1.000 tấn, Quảng Nam 1.000 tấn và Bình Định 500 tấn) hiện nay mỗi khẩu của mỗi hộ được hỗ trợ 3 tháng, mỗi tháng không quá 15kg.

Về đề xuất của của các địa phương hỗ trợ gạo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị ngay ngày mai, nếu như địa phương có văn bản thì Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Tài chính cũng sẽ có văn bản ngay để đảm bảo cho người dân các địa phương không ai bị đói, không ai không có gạo ăn.

Đối với các hộ có người chết và bị thương, theo tinh thần của Nghị định 136 là có hỗ trợ. Theo đó, người chết được hỗ trợ 10 triệu, người bị thương được hỗ trợ 5 triệu đồng.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung báo cáo về công tác hỗ trợ người dân bị thiên tai

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu: “Đối với các cháu mất cả cha lẫn mẹ, mồ côi thì cơ sở bảo trợ xã hội của nhà nước sẽ bảo trợ cho các cháu, trừ các cháu mà quân đội, công an đảm nhận cho đi học thiếu sinh quân…  thì phía Nhà nước  chịu trách nhiệm toàn bộ cho  những trường hợp này. Không để cháu nào mồ côi cha mẹ mà không có nơi học hành, không được ăn uống và nuôi dưỡng”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng chia sẻ thêm, riêng các cháu đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được đưa vào các trường phổ thông dân tộc nội trú nuôi theo quy định hiện hành.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, bão số 9 gây thiệt hại nặng đối với các tỉnh, thành miền Trung nhưng với sự vào cuộc của các địa phương, các cấp ngành, sự vào cuộc của lực lượng công an, quân đội… đã góp phần giảm thiểu được thiệt hại do bão số 9 gây ra.

Thủ tướng hoan nghênh các nhà hảo tâm giúp đỡ bà con vùng bão lũ - 4
Thủ tướng hoan nghênh các nhà hảo tâm giúp đỡ bà con vùng bão lũ - 5

“Với những mất mát như vậy, Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội chia sẻ những mất mát của các tỉnh miền Trung và biểu dương, đánh giá cao lãnh đạo các tỉnh miền Trung trong chỉ đạo, đặc biệt Trung ương cùng tham gia như Ủy ban Phòng chống thiên tai, quân đội, công an và các lực lượng khác đã ngày đêm bám sát hiện trường trước trong và ngay sau bão cứu nạn, cứu hộ trong đó có nhiều tấm gương rất dũng cảm lăn xả vào nơi nguy hiểm để cứu người”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng biểu dương, đánh giá cao các lực lượng, nhất là lực lượng Công an, Quân đội đã bám sát hiện trường để chỉ đạo, tập trung khắc phục và cứu dân. Từng cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể cũng như lãnh đạo các cấp ở các tỉnh, thành, quận, huyện, phường, xã, thôn… đều có mặt rất sớm để chỉ đạo và đôn đốc công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả và tìm kiếm cứu nạn.

Thủ tướng tin tưởng nhân dân và chính quyền các địa phương sẽ sớm vượt qua khó khăn này để vươn lên. Từ kinh nghiệm thực tiễn và quyết tâm cũng như sự hỗ trợ của cả xã hội, nhân dân miền Trung và cấp ủy, chính quyền các địa phương sẽ tìm mọi biện pháp thích ứng để sống chung với bão lũ, đoàn kết vượt qua để ổn định cuộc sống và sản xuất.

Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục tăng cường nhân lực và phương tiện để tìm thấy người còn mất tích ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Bình Định; đồng thời tích cực điều trị người bị thương do bão lũ gây ra.

Thủ tướng lưu ý, phải tiếp tục chăm sóc gia đình bị nạn, giúp họ vượt qua khó khăn, mất mát. Lo ăn ở cho các nạn nhân bị nạn và người nhà. Các cấp ngành phải làm tốt trách nhiệm và không được để người dân sống trong cảnh “màn trời chiếu đất”. Tiếp tục vận động mọi biện pháp để con em người dân vùng bão lũ có trường lớp và nhanh chóng được đến trường để học tập bình thường trở lại.

Đối với các nguồn viện trợ từ xã hội, các địa phương lưu ý phải minh bạch, công khai, đảm bảo công bằng, hợp lý. Các địa phương tại miền Trung phải thường xuyên theo dõi để có những biện pháp ứng phó phù hợp với cơn bão sắp vào biển Đông, có thể trở thành cơn bão số 10, cảnh giác với sạt lở đất ở vùng núi và an toàn của tàu bè trên biển, trên sông, tại các ao hồ.

Bên cạnh đó, các lực lượng Công an, Quân đội tiếp tục phát huy vai trò xung kích trong phòng chống thiên tai, sẵn sàng cơ động hỗ trợ nơi đâu nhân dân cần. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ban ngành Trung ương nhanh chóng triển khai các giải pháp hỗ trợ các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả bão số 9, trong đó chú ý không để dịch bệnh bùng phát.

Chia sẻ với những khó khăn của người dân bị thiệt hại nhà ở do bão, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý chủ trương hỗ trợ 40 triệu đồng cho mỗi nhà bị sập đổ hoàn toàn; 20 triệu đồng cho nhà bị tốc mái để góp phần giúp người dân sớm ổn định chỗ ở.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm