Thủ tướng đăng đàn trong phiên chất vấn “đặc biệt”

Phương Thảo

(Dân trí) - Theo chương trình dự kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có khoảng 2 giờ đăng đàn, trực tiếp trả lời chất vấn "chốt" lại toàn bộ nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV.

Chương trình cụ thể, các phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10 sẽ diễn ra trong cả ngày 6, 9/11 và sáng 10/11/2020 với tổng lượng thời gian 2,5 ngày.

Thủ tướng đăng đàn trong phiên chất vấn “đặc biệt” - 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại một phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Sáng 6/11, sau khi nghe Chủ tịch Quốc hội phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Quốc hội sẽ dành 60 phút nghe Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí trình bày báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Sau đó Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc sẽ có báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban về việc thực hiện các nghị quyết nói trên.

Từ 9h50 (sau khi giải lao 20phút), đại biểu Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao về việc thực hiện các nghị quyết nói trên của Quốc hội. Việc này tiếp tục diễn ra đến 9h sáng 10/11.

Đây sẽ là phiên chất vấn để đánh giá kết quả nhiệm kỳ khoá XIV, nhìn nhận lại việc thực hiện lời hứa của Chính phủ, các tư lệnh ngành, lĩnh vực, kết quả thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề và nghị quyết chất vấn, trả lời chất vấn của Quốc hội từ những kỳ họp đầu tiên và cả những nghị quyết được chuyển giao từ Quốc hội khóa trước.

Trong một phiên chất vấn “mở”, bất kỳ thành viên Chính phủ, Bộ trưởng, Trưởng ngành nào cũng có thể “lên ghế nóng”, cũng phải sẵn sàng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Sau đó, Quốc hội sẽ có nghị quyết để chuyển cho Quốc hội khóa sau tiếp tục giám sát, chất vấn.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhận định: “Quốc hội sẽ giám sát đến cùng những vấn đề đã chỉ ra. Kỳ họp này chắc chắn nội dung chất vấn sẽ rất sôi động”.

Trong 2,5 ngày, thời gian dành cho Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội là từ 9h đến 11h15 (giải lao từ 9h30-9h50).

Kỳ họp thứ 8 (tháng 11/2019), người đứng đầu Chính phủ sau khi trình bày báo cáo đã dành 60 phút trả lời trực tiếp chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Khi đó, đại biểu Tô Văn Tám đặt vấn đề: tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình kinh tế tăng trưởng giai đoạn vừa qua đã đạt được một số kết quả nhưng vẫn chậm, sức cạnh tranh của nền kinh tế doanh nghiệp và sản phẩm vẫn còn yếu so với các nước, Việt Nam có rất ít những doanh nghiệp lớn có khả năng cạnh tranh quốc tế. Chất vấn của đại biểu Tám với Thủ tướng là: còn hơn 1 năm nữa là hết nhiệm kỳ, Thủ tướng dự kiến sẽ có giải pháp đột phá gì để cải thiện thực trạng trên?

Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng cho rằng phải tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng tốt hơn nữa, làm nền tảng cho sự phát triển.

Thủ tướng cũng nhắc đến yêu cầu phải làm tốt xây dựng thể chế, tháo gỡ điểm nghẽn về nguồn nhân lực, đặc biệt là hạ tầng chất lượng cao. Việc cần làm, theo Thủ tướng là tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế, tái cơ cấu nền kinh tế. Trong đó Nhà nước tạo thuận lợi về thủ tục gia nhập thị trường, rút khỏi thị trường, Nhà nước can thiệp thị trường bằng công cụ kinh tế chứ không bao cấp cho sự yếu kém, không bao cấp tràn lan.

Thủ tướng khẳng định, nhà nước phải có biện pháp mạnh hơn nữa tốt hơn nữa để quá trình tái cơ cấu diễn ra nhanh hơn.