Thủ tướng chỉ đạo Hà Nội ưu tiên số một lúc này là chống dịch

Thái Anh

(Dân trí) - Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý dịch Covid-19 lần này diễn biến nhanh, nguy hiểm, Hà Nội cần có cách thức tiếp cận mới, bám sát thực tiễn, chuẩn bị kịch bản cao hơn để chủ động chống dịch.

Sáng 19/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo chủ chốt của thành phố Hà Nội về công tác phòng, chống dịch Covid-19; tình hình phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021; những định hướng lớn phát triển Thủ đô trong thời gian tới.

Theo TTXVN, báo cáo Thủ tướng về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, đợt dịch thứ tư này, Hà Nội đã ghi nhận 681 ca mắc Covid-19, tại 24 quận, huyện của thành phố. Trong đó, từ ngày 5/7 đến nay đã ghi nhận nhiều ca mắc mới, đặc biệt xuất hiện sáu chùm ca bệnh có số ca mắc nhiều.

Dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội vẫn trong tầm kiểm soát, tuy nhiên nguy cơ dịch bệnh đang ở mức cao và khó lường, không loại trừ khả năng sẽ xuất hiện nhiều ca bệnh, chùm ca bệnh ngoài cộng đồng. Đặc biệt, nguy cơ lây lan dịch bệnh trong các nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, doanh nghiệp với số ca mắc lớn.

Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh, trong đó, từ 0h ngày 19/7, thành phố áp dụng, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở mức cao và linh hoạt theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

Thủ tướng chỉ đạo Hà Nội ưu tiên số một lúc này là chống dịch - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc với Hà Nội sáng 19/7/2021 (Ảnh: Báo Kinh tế đô thị).

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, dịch Covid-19 sẽ còn diễn biến phức tạp và kéo dài; dịch bệnh lại nguy hiểm, diễn biến nhanh, tấn công vào các khu đô thị, tập trung đông dân cư, đầu mối giao lưu và các khu công nghiệp. Do đó, Hà Nội cần có cách thức tiếp cận mới, bám sát thực tiễn để tổ chức thực hiện hiệu quả; chuẩn bị kịch bản cao hơn để chủ động phòng, chống dịch.

Lãnh đạo Chính phủ cũng quán triệt thành phố kiên trì thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Song ông cũng lưu ý, hiện nay, ưu tiên số một là phòng, chống dịch, lấy bảo vệ sức khỏe của người dân là trước hết, trên hết. Tại những nơi an toàn vẫn duy trì sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.

Thủ tướng yêu cầu thành phố tiếp tục tinh thần "chống dịch như chống giặc", thực hiện phương châm "4 tại chỗ" và "vắc xin + 5K + công nghệ" trong phòng, chống dịch. Tích cực chuyển trạng thái từ phòng ngự sang tấn công.

Trên tinh thần lấy người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể phòng, chống dịch, Thủ tướng gợi ý, trong sản xuất, tổ chức thực hiện "3 tại chỗ" hoặc thực hiện "2 điểm đến một cung đường" nhằm vừa duy trì sản xuất, vừa đảm bảo phòng, chống dịch.

Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ đòi hỏi việc tổ chức chống dịch thể hiện quyết tâm cao hơn, mạnh mẽ hơn, có trọng tâm, trọng điểm hơn.

Việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng phải thật nghiêm, rà soát ngay những hạn chế bộc lộ để khắc phục kịp thời; thực hiện khoanh vùng hẹp, xét nghiệm rộng, kỹ càng; tiêm vắc xin an toàn, hiệu quả; xây dựng kịch bản cao hơn để chủ động phòng, chống dịch; bảo vệ bằng được các khu công nghiệp.

Thủ tướng cũng lưu ý việc tập trung cứu chữa bệnh nhân nặng, giảm tối đa ca tử vong; đảm bảo lưu thông hàng hóa; cung ứng hàng hóa, đảm bảo các nhu cầu thiết yếu của người dân; giữ vững an ninh, trật tự; chăm lo vật chất, tinh thần của người dân; tăng cường kiểm tra, giám sát, nhất là tại cơ sở; tăng cường tuyên truyền, vận động, tạo cảm hứng cho người dân yên tâm, chia sẻ, cộng tác trong phòng, chống dịch...

Về dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo các bộ, ngành và thành phố Hà Nội khẩn trương xử lý dứt điểm, hoàn thành dự án sớm nhất có thể.

Về phương hướng, nhiệm vụ chung, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội phải phát huy tối đa tinh thần tự lực tự cường; chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong phòng, chống dịch và phát triển kinh tế, xã hội. Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; nâng cao các chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp. Huy động mọi nguồn lực xã hội vào phát triển thành phố, nhất là hợp tác công - tư. Coi trọng công tác chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Tăng cường truyền thông, truyền cảm hứng cho người dân để người dân hiểu, hưởng ứng, tham gia.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành phối hợp với Hà Nội rà soát, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những vướng mắc để khơi thông phát triển. Thực hiện giải pháp huy động tối đa nguồn lực đầu tư phát triển, nhất là mô hình hợp tác công - tư kể cả trong phòng, chống dịch Covid-19 cũng như phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong đầu tư cơ sở hạ tầng chiến lược.