Công điện nêu rõ mưa lớn đã gây lũ, ngập lụt trên diện rộng, chia cắt nhiều khu dân cư tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế. Để kịp thời cứu trợ khẩn cấp cho nhân dân vùng ngập lũ, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Nhân dân các tỉnh ứng ngân sách địa phương để huy động mỳ tôm, nước uống đóng chai trên địa bàn và trong khu vực để kịp thời cứu trợ cho người dân bị ảnh hưởng.
Dùng trực thăng chở hàng cứu trợ ứng cứu người dân vùng bị cô lập
Số lượng cụ thể: tỉnh Hà Tĩnh 50 tấn mỳ tôm, 50.000 lít nước; tỉnh Quảng Bình 50 tấn mỳ tôm, 50.000 lít nước; tỉnh Thừa Thiên-Huế 10 tấn mỳ tôm.
Các tỉnh tổ chức cứu trợ kịp thời, đảm bảo không để người dân nào bị thiệt mạng do đói, khát.
Để ứng cứu đồng bào bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, chiều 5/10, Sư đoàn không quân 372 tại TP Đà Nẵng đã quyết định đưa máy bay trực thăng Mi 17 từ sân bay Đà Nẵng ra Quảng Bình. Sư đoàn không quân 371 từ sân bay Hòa Lạc cũng đưa 1 máy Mi 17 bay vào Đồng Hới.
Trong ngày 6/10, đã có một số chuyến hàng cứu trợ được máy bay trực thăng đưa đến cứu trợ các xã miền núi, đang bị cô lập, đặc biệt khó khăn là Cao Quảng (huyện Tuyên Hóa), xã Tân Hóa, Thượng Hóa (huyện Ninh Hóa) thuộc tỉnh Quảng Bình.
Dự kiến trong 4 ngày sẽ chở 10 tấn lương thực cung ứng cho các xã miền núi đang bị cô lập thuộc tỉnh Quảng Bình. Được biết, chiều nay (6/10) Phó Thủ tướng Chính Phủ Hoàng Trung Hải sẽ trực tiếp thị sát tình hình mưa lũ tại Bắc Trung Bộ.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, đến sáng 6/10, số người chết do mưa lũ ở các tỉnh tăng lên, với 28 người chết, 7 người mất tích, 9 người bị thương.
Tối 5/10, lực lượng hải quân Vùng 3 đã tiếp cận và đưa tàu bị nạn số hiệu BV6407, trên tàu có 6 ngư dân, vào đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) an toàn. Sáng 6/10, lực lượng Hải quân Vùng 3 cũng cứu nạn thành công một tàu bị nạn ở vùng biển phía Tây Nam, cách đảo Cồn Cỏ 8 hải lý, trên tàu có 8 ngư dân.
Lũ lụt uy hiếp nhiều khu vực ở Quảng Bình
Hiện vẫn còn một số tàu ngư dân bị nạn ở vùng biển từ Quảng Bình đến Quảng Trị, tàu cứu nạn hải quân đang tổ chức tìm kiếm.
Theo Báo cáo của Ban chỉ huy PCLB các địa phương, tình hình ngập lụt do mưa, lũ như sau: Hà Tĩnh: ngập lụt với tổng số 82 xã, của 9 huyện.
Tại Quảng Bình: ngập tại 6 huyện với 34.650 nhà. Quảng Trị: ngập lụt 52 xã, phường của 08 huyện, thị xã, thành phố bị ngập lụt với số lượng trên 10.000 nhà. Trong đó: ngập từ 0,5 m đến trên 1,0 m là 6.922 hộ; ngập dưới 0,5 m khoảng trên 3.500 nhà.
Khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện còn ngập lụt 7.200 nhà tại thành phố Huế và các huyện Phong Điền, Hương Trà, Quảng Điền.
Theo báo cáo nhanh của cơ quan khí tượng, lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình đang xuống nhưng vẫn còn ở mức cao. Đến 15h chiều 5/10, mực nước thượng lưu hồ thủy điện Hố Hô (tỉnh Hà Tĩnh) ở cao trình dương 59,7m, thấp hơn cao trình đỉnh đập. Sự hư hỏng cửa van đã được khắc phục xong và hồ trở lại hoạt động bình thường.
Vụ Quản lý công trình thủy lợi - Tổng cục Thủy lợi cho biết, tình hình các hồ chứa thủy lợi từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế nhìn chung vẫn ở mức cao. Một số hồ như: Vực Mấu (Nghệ An); hồ Kẻ Gỗ, hồ Sông Rác (Hà Tĩnh); hồ Vực Tròn, hồ Phú Vinh, hồ Tiên Lang (Quảng Bình) và hồ Hòa Mỹ (Thừa Thiên Huế) đã vượt thiết kế, đang xả lũ theo quy trình đảm bảo an toàn hồ chứa và chủ động phòng chống lũ, các hồ thủy lợi hiện vẫn an toàn.
Về vùng áp thấp đang hoạt động trên biển Đông, theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ, hồi 13h trưa nay (6/10), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới nằm ở vùng biển phía Tây đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách bờ biển Thanh Hóa - Hà Tĩnh khoảng 260 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới hầu như ít di chuyển hoặc di chuyển chậm về phía Bắc.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới ở vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9.
P. Thanh