Thủ tướng: "Cần thu hút, giữ chân các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới"
(Dân trí) - Một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh là thu hút và giữ chân các tập đoàn, công ty lớn, uy tín trên thế giới trong lĩnh vực công nghệ.
Nội dung này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, sáng 2/3.
Cùng với việc phân tích, dự báo tình hình tháng 3 và thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các đại biểu cho ý kiến vào những công việc cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, những nhiệm vụ cần triển khai để năm 2024 tăng tốc thực hiện mục tiêu của cả nhiệm kỳ.
Trong đó, người đứng đầu Chính phủ lưu ý những công việc cần làm để thu hút và giữ chân các tập đoàn, công ty lớn, uy tín trên thế giới trong lĩnh vực công nghệ (như tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính), việc đẩy mạnh triển khai Đề án 06…
Thủ tướng đề nghị các đại biểu cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết phiên họp và phân công công việc cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương với tinh thần có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho những công việc có tính lan tỏa cao, tạo động lực, phản ánh chính sách kịp thời hơn…
Ngoài ra, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức; làm mới những động lực tăng trưởng cũ như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết thêm, khoản tăng thu, tiết kiệm chi năm 2023 dự kiến sẽ được phân bổ cho 3 nhóm nhiệm vụ gồm: bảo đảm an ninh quốc phòng; đầu tư phát triển; an sinh xã hội.
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết tình hình thế giới tháng 2 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, thời cơ, tiềm ẩn nhiều rủi ro, biến động lớn, tình trạng bất ổn, xung đột leo thang tại một số khu vực.
Trong nước, tình hình kinh tế - xã hội 2 tháng đầu năm tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, chuyển biến tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực, tạo đà cho tăng trưởng và phát triển cả năm.
Theo Bộ trưởng Dũng, các khó khăn, vướng mắc, bất cập tiếp tục được tập trung tháo gỡ. Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, chủ động ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế, nhất là các chính sách tài khóa, tiền tệ…
"Đề án đầu tư 01 triệu căn nhà ở xã hội được tập trung triển khai. Các ngân hàng thương mại đã hoàn thành giải ngân gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho vay lâm sản, thủy sản và đang xây dựng gói mới với quy mô tương tự cho lĩnh vực này", ông Dũng thông tin.
Ngay trong tháng đầu năm, Thủ tướng đã đi kiểm tra tiến độ nhiều công trình, dự án trọng điểm trước, trong và sau Tết, động viên, khích lệ nhà thầu, công nhân thi công xuyên Tết, "3 ca, 4 kíp" để phấn đấu đạt và vượt tiến độ.
Ngoài ra, Bộ trưởng KH&ĐT cho biết các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ Tết được triển khai đầy đủ, kịp thời, có đổi mới và thiết thực hơn, với tổng số tiền đạt gần 20.000 tỷ đồng.
Trong đó, các bộ ngành, địa phương đã hỗ trợ, tặng quà Tết cho 13,9 triệu đối tượng chính sách theo chế độ, với kinh phí khoảng 7.762 tỷ đồng; xuất cấp 12.700 tấn gạo cứu trợ, cứu đói cho gần 850.000 nhân khẩu trong dịp Tết và giáp hạt đầu năm.
Về một số khó khăn, hạn chế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp tiếp tục có chuyển biến nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức; việc tiếp cận vốn còn nhiều khó khăn; một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính vẫn chậm được sửa đổi, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.