1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thủ tướng: Bằng mọi biện pháp chặn tình trạng kích động, gây rối

(Dân trí) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương gặp gỡ các doanh nghiệp bị thiệt hại, hỗ trợ cần thiết để các nhà máy, công xưởng trở lại hoạt động; đồng thời đấu tranh phát hiện, ngăn chặn những đối tượng lợi dụng tình hình để kích động, phá hoại.

Chiều 16/5, sau khi phát biểu kết luận tại hội nghị sơ kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dành thời gian để trao đổi thêm với lãnh đạo các tỉnh thành về vấn đề biển Đông.

Thủ tướng khẳng định, việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào hạ đặt tại địa điểm nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của  Việt Nam là vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Luật pháp Quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và cũng là vi phạm Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết. Hành động cực kỳ nguy hiểm này đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.
 
Thủ tướng: Bằng mọi biện pháp chặn tình trạng kích động, gây rối
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị sơ kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ngày 16/5.

Trước tình hình nghiêm trọng này, Đảng, Chính phủ đã khẳng định chủ quyền quốc gia là thiêng liêng, kiên quyết thực hiện các giải pháp hòa bình để đấu tranh cả trên thực địa, ngoại giao, dư luận... để đạt mục tiêu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981.

“Chúng ta vừa đấu tranh để bảo vệ  chủ quyền, nhưng đồng thời phải giữ hòa bình, ổn định chính trị xã hội để phát triển đất nước”, Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng đề cập việc, trong những ngày qua, ở một số địa phương đã có một số người có hành vi vi phạm pháp luật, manh động, phá hoại cơ sở sản xuất, có cả cơ sở sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài và chống người thi hành công vụ. Việc này gây ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của người dân, đến công ăn việc làm, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng môi trường đầu tư, ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, chủ trương của Việt Nam là luôn làm hết sức mình tạo mọi thuận lợi và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người, doanh nghiệp và cơ quan nước ngoài tại Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật và các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Vì vậy, Thủ tướng  yêu cầu các cấp ủy, chính quyền địa phương phải bằng mọi giải pháp ngăn chặn, không để tình hình trên tiếp tục xảy ra. Bảo đảm an ninh, an toàn  cho người, tài sản của doanh nghiệp, cơ quan nước ngoài tại Việt Nam, bởi Việt Nam là đất nước hòa bình, muốn làm bạn với tất cả các nước.

Thủ tướng cũng chỉ đạo xử lý nghiêm những người lợi dụng  lòng yêu nước nhiệt thành của người dân để làm những việc vi phạm pháp luật. Trong đó, người đứng đầu Chính phủ đặc biệt lưu ý việc đấu tranh phát hiện, ngăn chặn những đối tượng lợi dụng tình hình để kích động, phá hoại.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương vận động, tuyên truyền để nhân dân phản đối, phê phán, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan nhưng phải bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ tài sản, công văn việc làm, làm những việc thiết thực, hợp pháp trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền.

Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương gặp gỡ các doanh nghiệp bị thiệt hại, hỗ trợ cần thiết để các doanh nghiệp trở lại hoạt động. Hiện nay TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai đã làm rất tốt việc này. Các địa phương cũng phải tuyên truyền, nói rõ với các nhà đầu tư nước  ngoài về chính sách nhất quán của  Nhà nước Việt Nam, đó là luôn tạo mọi thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, bảo vệ  an toàn cho các nhà đầu tư như đã cam kết.
 
Vụ việc ở Bình Dương có "bàn tay" sắp đặt
 
Ngày 16/5, tại hội nghị Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính (người vừa dẫn đầu đoàn công tác từ Bình Dương, TP HCM, Đồng Nai trở về) đã báo cáo cho biết, những kẻ kích động gây rối ở các tỉnh, thành Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM vừa qua là có tổ chức và chuyên nghiệp.

Cụ thể, theo phản ánh từ cán bộ công đoàn cơ sở thì từ trước đó, các đối tượng đã mua cờ tổ quốc, áo với số lượng rất lớn. Công nhân vừa ra khỏi cửa nhà máy đã được phát áo, thậm chí, có nơi phát tiền 50.000 đồng mỗi người. Những đối tượng này còn photo bản đồ chỉ dẫn vị trí doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan để công nhân biết đường đi.

Quá trình tổ chức diễu hành, gây rối, các đối tượng sử dụng bộ đàm liên lạc với nhau. Cao trào các cuộc diễu hành, một số công nhân nhận được tin nhắn kêu gọi biểu tình sẽ được cho 200.000-300.000 đồng. Nhiều người bị bắt có hình xăm trổ, nhuộm tóc xanh đỏ và đa số không phải là công nhân ở các nhà máy.

P.Thảo