Thứ trưởng Tư pháp: Cân nhắc việc cấp Căn cước công dân cho trẻ dưới 6 tuổi
(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị cân nhắc đề xuất cấp Căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi, nhất là trẻ dưới 6 tuổi, vì đối tượng này không tự mình thực hiện được các giao dịch dân sự.
Tại buổi họp thẩm định dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) vừa diễn ra tại Bộ Tư pháp, Bộ Công an cho biết đã tiến hành cấp hơn 98 triệu số định danh cá nhân cho công dân trên toàn quốc. Đây là cơ sở quan trọng để xác lập danh tính điện tử của công dân, góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia.
Bên cạnh đó, ngành công an đã cấp được gần 80 triệu thẻ Căn cước công dân cho người đủ điều kiện.
Việc kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ nhiều hoạt động: Kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, Văn phòng Chính phủ để xác thực số định danh cá nhân, Căn cước công dân, xác thực thông tin chủ hộ, tra cứu thông tin công dân.
Đồng thời kết nối với Bộ Tư pháp để thực hiện cấp, hủy số định danh cá nhân cho trẻ em khai sinh; kết nối với Bộ Y tế để phục vụ rà soát thông tin tiêm chủng của công dân, phòng chống dịch Covid-19; kết nối với Tổng cục thuế, Bộ Tài chính để xác thực thông tin công dân, xác thực thông tin chủ hộ, tra cứu thông tin công dân phục vụ làm sạch dữ liệu ngành thuế, thuế nghiệp vụ ngành thuế...
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Căn cước công dân năm 2014 để tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở Việt Nam là rất cần thiết.
Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) gồm 7 chương, 46 điều đã đề xuất mở rộng đối tượng áp dụng so với luật hiện hành. Ngoài áp dụng đối với công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Bộ Công an còn đề xuất áp dụng đối với người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch.
Về người được cấp thẻ căn cước, dự thảo luật bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ và phục vụ công tác quản lý nhà nước...
Theo thông tin từ Bộ Tư pháp, bà Nguyễn Thị Xuân - Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội băn khoăn về việc cấp Căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi có phát sinh thủ tục hành chính, các chi phí thực hiện hay không? Số lượng người gốc Việt Nam không nhiều nên việc quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho họ cũng cần nghiên cứu thêm.
Ông Nguyễn Thanh Hải - Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) đề nghị làm rõ thêm các vấn đề về pháp lý và thực tiễn đặt ra khi tích hợp nhiều thông tin trong Căn cước công dân, đặc biệt là thẩm quyền và trách nhiệm quản lý Nhà nước giữa các bộ, ngành liên quan đối với thông tin được tích hợp.
Kết luận buổi họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đề nghị ban soạn thảo bổ sung báo cáo đánh giá tác động văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn chi tiết. Đồng thời rà soát, nghiên cứu kỹ lại các điều luật, luật liên quan và phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo luật.
Bà Oanh cũng cho rằng Bộ Công an cần nghiên cứu thêm về tính khả thi, phù hợp với quy định của pháp luật trong việc bổ sung nhiều thông tin công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tích hợp các thông tin cá nhân của người dân vào thẻ căn cước.
Đối với trẻ em dưới 14 tuổi, nhất là với trẻ dưới 6 tuổi không tự mình thực hiện được các giao dịch dân sự, vì vậy trường hợp được cấp thẻ Căn cước công dân thì việc thực hiện các giao dịch dân sự vẫn phải thông qua cha, mẹ hoặc người giám hộ.
Do đó, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cho rằng cần phải cân nhắc thêm về vấn đề này, để tránh phát sinh thêm thủ tục hành chính, các chi phí thực hiện…