1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thông tin mới về vụ một chủ tịch huyện ở Hải Phòng có 63,7% tín nhiệm thấp

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Nhiều thông tin cho rằng, ông Bùi Thành Cương, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) đã xin thôi chức vụ vì có 63,7% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ họp lấy phiếu tín nhiệm của HĐND huyện này.

Trước thông tin trên, cuối giờ chiều 4/1, trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Nguyễn Thị Mai Phương, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tiên Lãng cho biết: HĐND huyện này chưa nhận được đơn xin thôi chức vụ của ông Cương và chiều cùng ngày, ông này vẫn làm việc bình thường trên cương vị chủ tịch huyện.

Liên quan đến thông tin cho rằng ông Cương đã viết đơn xin thôi chức vì có 63,7% số phiếu tín nhiệm thấp, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Cương từ chối trả lời về vấn đề trên và nói "Việc này là công việc nội bộ của Đảng, đề nghị phóng viên hỏi đúng người phát ngôn, tôi cũng không được phát ngôn nội dung này".

Thông tin mới về vụ một chủ tịch huyện ở Hải Phòng có 63,7% tín nhiệm thấp - 1

Ông Bùi Thành Cương, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng (giữa), tại một buổi chủ trì họp kiểm điểm của UBND huyện (Ảnh: Cổng thông tin huyện Tiên Lãng).

Như đã đưa tin, mới đây, HĐND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) đã tổ chức kỳ họp lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ 2021-2026 đối với 19 người giữ chức vụ do HĐND huyện bầu.

Theo nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp nói trên, ông Bùi Thành Cương, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, có 8/33 số phiếu tín nhiệm cao (chiếm 24,2%), có 4/33 số phiếu tín nhiệm (chiếm 12,1%).

Đặc biệt ông Cương có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất trong tổng số 19 người thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp, với 21/33 (chiếm 63,7%).

Trao đổi với phóng viên Dân trí về trường hợp của ông Cương, một nguồn tin có trách nhiệm tại huyện Tiên Lãng cho biết: Ông Cương có 63,7% số phiếu tín nhiệm thấp, theo quy định ông này có thể viết đơn xin từ chức.

Nếu ông Cương không viết đơn xin từ chức, HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm, lúc này chỉ còn 2 mức: tín nhiệm hoặc không tín nhiệm. 

"Chậm nhất là tháng 6/2024, HĐND sẽ họp để tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm đối với ông Cương. Tuy nhiên việc này cũng có thể nhanh hơn, do HĐND có thể tổ chức các kỳ họp bất thường liên quan đến các tiến độ công việc của huyện", nguồn tin cho biết.

Nghị quyết 96 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn

Điều 12. Hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm

1. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.

2. Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp" thì có thể xin từ chức; trường hợp không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất; trường hợp một người đã được lấy phiếu tín nhiệm cùng một lần với nhiều chức vụ thì việc bỏ phiếu tín nhiệm được thực hiện một lần đối với các chức vụ đó.

3. Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp" trở lên thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân tiến hành miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất; trường hợp một người đã được lấy phiếu tín nhiệm cùng một lần với nhiều chức vụ thì thực hiện việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với các chức vụ đó.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm