Thống nhất 3 lực lượng bảo vệ an ninh cơ sở, mỗi tỉnh chi gần 30 tỷ/năm

Hoài Thu

(Dân trí) - Bộ trưởng Công an khẳng định khi thống nhất 3 lực lượng: bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng, sẽ không tăng bộ máy, không tăng chi ngân sách.

Thay mặt Chính phủ báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Công an, đã làm rõ nhiều lo ngại về việc tăng bộ máy và tăng chi ngân sách khi có chủ trương này.

Giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Quốc phòng - An ninh về nguồn lực chi cho lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, đồng thời làm rõ việc thêm lực lượng này có làm tăng chi ngân sách, Đại tướng Tô Lâm cho biết Bộ Công an đã đề nghị UBND, Công an các địa phương đánh giá về thực trạng tổ chức, điều kiện hoạt động của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở…

Thống nhất 3 lực lượng bảo vệ an ninh cơ sở, mỗi tỉnh chi gần 30 tỷ/năm - 1

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an (Ảnh: Phạm Thắng).

Theo Bộ trưởng Công an, hiện toàn quốc có khoảng 300.000 người đang tham gia hoạt động trong lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng.

Trong đó, có 66.723 thành viên bảo vệ dân phố; 70.867 công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và 161.098 đội trưởng, đội phó đội dân phòng.

Đại tướng Tô Lâm cho biết 3 lực lượng trên sẽ được kiện toàn, thống nhất thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và bố trí thành tổ bảo vệ an ninh, trật tự tại thôn, tổ dân phố.

Dự thảo luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở cũng quy định các chức danh tổ trưởng, tổ phó tổ bảo vệ an ninh, trật tự đồng thời là đội trưởng, đội phó đội dân phòng.

Hiện nay, số lượng đội dân phòng đã thành lập trên thực tế mới chỉ đạt 77%, tương ứng là 79.672 đội dân phòng trong tổng số 103.568 đội phải thành lập. Như vậy, theo thống kê, cả nước còn thiếu khoảng 23.896 đội dân phòng và thiếu khoảng 47.792 đội trưởng, đội phó đội dân phòng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước đó cũng băn khoăn sau khi luật được ban hành, các đội dân phòng có phải thành lập đủ số lượng để kiện toàn đủ chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng làm tổ trưởng, tổ phó tổ bảo vệ an ninh, trật tự hay không?

Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Công an nhấn mạnh tác động tích cực của việc này. Theo đó, khi thành lập các đội dân phòng còn thiếu theo quy định của pháp luật phòng cháy và chữa cháy sẽ không phải tuyển chọn, bổ nhiệm chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng.

Các chức danh này sẽ do tổ trưởng, tổ phó tổ bảo vệ an ninh, trật tự đã được công nhận trước đó kiêm nhiệm. Từ đó, góp phần tinh gọn đầu mối và bảo đảm tính khả thi.

Theo khẳng định của Chính phủ, khi kiện toàn thống nhất các lực lượng, chức danh thành một lực lượng sẽ không làm tăng chi ngân sách.

Tổng mức chi trung bình hiện nay của các địa phương cho hoạt động, chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở khoảng từ 20 tỷ đồng đến 30 tỷ đồng/năm (trung bình từ 2 tỷ đến 2,5 tỷ/1 tháng).

Với quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ được chi hỗ trợ hàng tháng; chi hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện, BHYT; trang bị công cụ hỗ trợ; bố trí địa điểm, nơi làm việc…, Chính phủ tính toán mức chi trung bình dự kiến của mỗi địa phương để chi trả là khoảng 2,4 tỷ đồng/tháng/địa phương. Như vậy, mỗi tỉnh, thành phố trung bình chi khoảng 28,8 tỷ đồng/năm cho lực lượng này.

So với tổng mức chi thực tế hiện nay của các địa phương, con số này, theo Chính phủ, đã bảo đảm cân đối. 

Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở được Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp 5 tới đây.