Thông điệp của Thủ tướng khẳng định nhân nhượng cũng phải có giới hạn

(Dân trí) - “Phát biểu của Thủ tướng phản ánh thay đổi nhịp độ diễn biến phức tạp ngoài biển Đông. Một lần nữa khẳng định rằng chúng ta luôn mong muốn hòa bình, nhân nhượng nhưng nó phải có giới hạn!”, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nói.

Bên lề buổi thảo luận ở tổ về các vấn đề liên quan đến kinh tế - xã hội, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc chia sẻ với báo chí thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra trong chuyến thăm và làm việc tại Philippines mới đây.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc trả lời báo chí
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc trả lời báo chí

Tại buổi họp báo trong chuyến thăm và làm việc tại Philippines, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam nhất định không chấp nhận đánh đổi chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc. Ông đánh giá thế nào về thông điệp rất mạnh mẽ này?

Khi Bác Hồ viết lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, câu mở đầu là: Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thì đối phương càng lấn tới. Có thể nói trong thời gian dài chúng ta rất trọng tình hòa hiếu, giữ được môi trường ổn định để phát triển.

Ý kiến của Thủ tướng ở Myanmar và lần này ở Manila (Philippines) phản ánh thay đổi nhịp độ diễn biến rất phức tạp ngoài biển Đông. Điều này một lần nữa nói rằng chúng ta luôn mong muốn hòa bình nhưng giới hạn của nó là hòa bình trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Thủ tướng cũng nói rõ đây không phải là việc riêng quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc vì không gian biển Đông rất quan trọng đối với khu vực và cả thế giới. Trước hết là sự an toàn của giao thông đi lại trên biển. Đồng thời nếu chúng ta lùi một bước thì họ sẽ tiến thêm nhiều bước và chắc thế giới cũng phải lùi theo. Điều đó chúng ta muốn nói để cho mọi người biết rằng, chúng ta rất muốn hòa bình, chúng ta rất muốn nhân nhượng nhưng nhân nhượng phải có giới hạn của nó.

Vì thế tôi cho rằng phải nhìn phát biểu của Thủ tướng trong tiến trình những diễn biến ngoài biển Đông và rõ ràng tới thời điểm này Trung Quốc không hề nhân nhượng.

Trả lời báo chí, Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ đang xem xét các phương án tự vệ khác nhau, trong đó bao gồm các hành động pháp lý phù hợp với luật pháp quốc tế?

Có lẽ tôi hết sức tán thành điều đó. Đi vào vấn đề cụ thể thì để các nhà chuyên môn, bởi việc đưa ra cơ quan pháp lý thì nó cũng đòi hỏi rất nhiều yếu tố về mặt kỹ thuật, kinh nghiệm, kiến thức luật pháp.

Điều chúng ta phải nói là đôi khi chân lý chưa chắc đã thuộc về người đúng. Do vậy, sự thận trọng là cần thiết!

Tôi rất tán thành việc đưa ra trước hết là để công khai, minh bạch. Còn kết quả phán xét của tòa án hay của một cơ quan trọng tài nào đó thì tùy thuộc vào tình hình thực tế. Nhưng đầu tiên chúng ta phải thể hiện tính minh bạch, chúng ta không e ngại sự minh bạch vì chúng ta có những lẽ phải.

Thủ tướng cũng nói Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền nhưng sẽ không bao giờ dùng đến hành động quân sự trừ khi chúng ta buộc phải có hành động tự vệ?

Thủ tướng nói những vấn đề mà lịch sử đã chứng minh rất rõ, đó là chúng ta trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh nhưng hầu như tất cả những cuộc chiến tranh ấy đều không phải do chúng ta khơi mào. Chúng ta chỉ giữ một nguyên lý là độc lập, thống nhất đất nước, bảo vệ chủ quyền của mình và tôn trọng các quốc gia khác.

Trên thực tế nhiều quốc gia sau cuộc chiến tranh chúng ta lại hòa giải được như với người Pháp, Mỹ… Còn chỉ có vấn đề với Trung Quốc dường như nó có hệ lụy của lịch sử.

Xin cảm ơn ông!
 
Với việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương - 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, theo bạn, Việt Nam có nên kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế hay không?
Không
  
Quang Phong (ghi)