1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thịt lợn không phải là nguồn gây “cúm lợn”

(Dân trí) - Thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn đã được xử lý theo quy định vệ sinh của Tổ chức Y tế thế giới, Uỷ ban dinh dưỡng Codex và Tổ chức sức khoẻ động vật thế giới không phải là nguồn gây bệnh cúm A (H1N1) như mọi người vẫn lo lắng.

Đó là nội dung quan trọng nhất của Tuyên bố chung giữa 3 tổ chức: Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức nông lương thế giới và Tổ chức sức khoẻ động vật thế giới. Theo tuyên bố này thì sự lan truyền của virut cúm A (H1N1) đã khiến mọi người lo ngại về khả năng virut có ở lợn cũng như tính an toàn của thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn. 
 
Thịt lợn không phải là nguồn gây “cúm lợn” - 1

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu và Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát trong cuộc họp ngày 1/5

Đến nay, thế giới vẫn chưa phát hiện khả năng lây truyền của virut cúm sang người do ăn thịt lợn hoặc các sản phẩm từ lợn đã qua chế biến. Nấu thịt ở nhiệt độ từ 70 độ C trở lên sẽ làm bất hoạt virut trong thịt sống. Ba tổ chức cũng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn người dân không chế biến và sử dụng thịt lợn bệnh, lợn chết trong bất kỳ trường hợp nào.

Tính đến ngày 1/5/2009, theo báo cáo của tổ chức Y tế thế giới đã có 11 nước chính thức thông báo ghi nhận 257 trường hợp dương tính với cúm lợn A (H1N1). Tại Mỹ 109 trường hợp mắc, trong đó 1 trường hợp đã tử vong; Mexico 97 trường hợp mắc, 7 trường hợp tử vong; Canada 19; Tây Ban Nha 13; Anh 8; Đức 3. New Zealand 3; Israel 2; Áo 1; Hà Lan 1; Thuỵ Sỹ 1.

Theo nguồn tin từ các Đại sứ quán, Bộ Y tế các nước và các nguồn tin khác, đến hôm nay, 1/5, 16 nước khác tiếp tục ghi nhận các trường hợp nghi ngờ cúm lợn A(H1N1): Australia 91, Colombia 42, Chile 24, Pháp 20, Costa Rica 18, Hàn Quốc 17, Đan Mạch 5, Hồng Kông - Trung Quốc 4, Ireland 3, Czech 3, Italia 1, Brazil 2, Scotland 2, Peru 1, Thái Lan 1, Ba Lan, Phần Lan 1. Tại Mexico có khoảng 2.547 trường hợp mắc, ít nhất 159 trường hợp tử vong.

Tổ chức Y tế thế giới tiếp tục cảnh báo đại dịch ở mức độ 5 (tức là dịch đã xảy ra trong phạm vi cộng đồng từ 2 nước trở lên của một khu vực) và virut lây lan rất nhanh, có thể tới mọi quốc gia trên thế giới. Đại dịch đã cận kề, WHO khuyến cáo tất cả các quốc gia trên thế giới ngay lập tức hoạt hoá các hành động phòng chống đại dịch và cảnh giác với các ổ dịch cúm và viêm phổi nặng.

Từ ngày 30/4, Tổ chức Y tế thế giới thống nhất sử dụng thuật ngữ “Cúm A (H1N1)” thay cho “cúm lợn A (H1N1)” để mô tả dịch hiện nay.
 

Chiều nay, Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm ở người đã họp giao ban bàn về dịch cúm A (H1N1) đang bùng phát mạnh mẽ trên thế giới và có nguy cơ tràn sang Việt Nam.

Tại Việt Nam đến nay chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân cúm A (H1N1) nào. Bộ Y tế đã chỉ đạo tất cả các ban ngành, nhất là tại các cửa khẩu, biên giới tăng cường các biện pháp kiểm dịch y tế biên giới. Tất cả các bệnh viện, phòng khám công lập và tư nhân phải chủ động giám sát chặt chẽ các trường hợp cúm, viêm phổi nặng, đặc biệt các trường hợp đã đi vào vùng có dịch (theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới) trong vòng 7 ngày để phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên và xử lý triệt để, không cho dịch lây lan.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân không nên đi đến các vùng đang có dịch. Nếu bắt buộc phải đi thì cần áp dụng các biện pháp phòng hộ nghiêm ngặt theo hướng dẫn của cán bộ y tế nơi đến.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đồng ý kiến cho rằng cần phải nâng cao nhận thức của Ban chỉ đạo cũng như toàn xã hội để có những hành động đúng mức với dịch cúm này. Đồng thời, tất cả các ban ngành liên quan tiến hành chuẩn bị sẵn sàng nếu đại dịch xảy ra. Trong thời gian tới, nếu tình hình thế giới tiếp tục xấu đi, các ban ngành có thể sẽ tổ chức diễn tập đối phó với dịch cúm A (H1N1).

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Tiến Nguyên