Bến Tre:
Thiếu nước ngọt nghiêm trọng, dân bỏ quê đi làm thuê
(Dân trí) - Mới giữa tháng 3 nhưng người dân Bến Tre đã phải sống vật vã trong hạn hán, xâm nhập mặn khủng khiếp, thiếu nước ngọt trầm trọng. Cuộc sống khó khăn, nhiều người phải bỏ quê đi làm thuê kiếm sống.
Mấy tháng qua, gia đình ông Nguyễn Văn Dơn (ngụ ấp 4, xã Bình Thới, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) phải chấp nhận xài nước nhiễm mặn, mấy lu nước mưa bên hông nhà chỉ để dùng uống, nấu cơm và xài rất dè xẻn.
Ông Dơn cho biết: “Bây giờ nước xung quanh độ mặn đã hơn 10 phần ngàn nên gia đình phải chạy xe gắn máy đến con kênh ở vùng ngọt hóa Ba Lai lấy nước độ mặn khoảng 3 phần ngàn để về xài tạm. Chỉ những người khá giả mới mua nước ngọt được từ mạch nước ngầm vì giá rất đắt, còn người nghèo thì đành chịu, sống chung với nước mặn cho qua ngày”.
Giữa tháng 3, trời nắng như đổ lửa nhưng đi dọc các tuyến đường sẽ bắt gặp nhiều chiếc xe công nông chở theo bồn chứa nước đi bán khắp nơi. Những cách đồng thì khô hạn nứt nẻ, lúa chết khô vàng hoe.
Ông Nguyễn Hữu Minh (ngụ xã An Hòa Tây, Ba Tri, Bến Tre) vẫn cố ra đồng để mong cắt được mớ lúa đem về cho bò ăn. Ông Minh cho biết: “Tôi làm 6 công lúa bị mất trắng rồi vẫn cố cầm cự để cắt đem về tuốt ra nhằm lấy rơm cứu đói cho mấy con bò. Năm nay nước mặn về sớm nên bị thiệt hại rất nặng nề, cuộc sống hết sức khó khăn”.
Con đường vào xã An Hiệp (huyện Ba Tri) lúa chết đầy đồng, cuộc sống người dân gặp rất nhiều khó khăn khi mất mùa, thiếu nước sử dụng.
Ông Lê Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã An Hiệp thống kê: “Toàn xã xuống giống 750 ha lúa đông xuân thì gần như mất trắng, số ít còn lại được người dân cầm cự nhằm lấy rơm nuôi bò. Nước mặn giờ đã hơn 4 phần ngàn nên người dân bị thiếu nước ngọt sử dụng trầm trọng. Hiện đàn bò 6.000 con vừa thiếu thức ăn vừa thiếu nước uống nên tình hình này kéo dài không biết cầm cự được bao lâu”.
Theo ông Chiến, do nước mặn nên cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn. Các công trình xây dựng nhà bị đình trệ vì không có nước ngọt để trộn hồ nên cánh thợ hồ, thợ phụ bị mất việc làm. Hiện địa phương chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng số người bỏ địa phương đi nơi khác làm thuê, làm mướn rất nhiều.
Trên giồng cát thuộc ấp 5 (xã An Hiệp) là nơi hiếm hoi ở địa phương có mạch nước ngầm tầng nông nên nhiều người tận dụng khoan, đào giếng lấy nước ngọt sử dụng và bán cho những hộ lân cận. Bên giếng nước khổng lồ (bề ngang 3 m, bề dài khoảng 4 m) được gia đình ông Nguyễn Văn Khang đào sâu gần 4 m để lấy nước sử dụng. Được mấy ngày, nước đã cạn khô, gia đình ông Khang quyết định đào sâu thêm nữa để lấy nước. Ông Khang cho biết: “Mấy tháng trước nước rất nhiều nhưng từ khi mấy hộ dân ở gần khoan cây nước sâu tới 7 m đã “hút” hết nước nên giờ giếng này đã bị cạn khô. Bây giờ đào sâu thêm nữa để lấy nước chứ mùa này nước rất khan hiếm…”.
Hiện tại tỉnh Bến Tre có 164 xã, phường bị niễm mặn, chỉ còn 2 xã Phú Phụng và Vĩnh Bình (huyện Chợ Lách) là mặn chưa xâm nhập. Hệ quả của đợt thiên tai hạn mặn này, đã làm thiệt hại trắng vụ lúa đông xuân gần như 100% với diện tích hơn 19 ngàn ha trên toàn tỉnh, hơn 500 ha cây màu và vườn cây ăn trái bị thiệt hại. Người dân phải sống vật vã trong khó khăn do mất mùa, thiếu nước ngọt sử dụng bởi mùa hạn hán, xâm nhập mặn được xem là khủng khiếp nhất từ trước đến nay.
Minh Giang