Thiếu nữ sơn cước xuống chợ mua lộc đầu xuân
(Dân trí) - Đến hẹn lại lên, bắt đầu từ ngày mùng 3 Tết đến hết Rằm tháng Giêng, các chợ huyện ở miền sơn cước là nơi hội tụ đông vui, nhộn nhịp với đủ các sắc màu trang phục dân tộc thiểu số ở huyện Tương Dương, Nghệ An.
Vì thế mà từ sáng sớm khi trời còn mờ sương, trên các ngả đường vắt vẻo trên triền núi, những đôi trai gái đã hối hả trong bộ trang phục dân tộc sặc sỡ đủ sắc màu cùng nhau xuống chợ. Trong sương sớm, tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng đàn môi, tiếng cồng chiêng, khắc luống... cất lên vang vọng khắp cả núi rừng.
Chợ đầu xuân ở Hòa Bình hàng hoá tuy không nhiều nhưng rất đa dạng và phong phú. Ngoài những mặt hàng thương nghiệp đưa từ dưới xuôi lên, từ huyện lỵ vào thì phần lớn là các mặt hàng nông sản thực phẩm được bà con gùi bế từ trong bản ra bày bán như hoa quả, rau xanh, gạo, khoai, sắn, cá suối, thịt lợn, gà, mật ong... Chợ vùng cao ít nghe tiếng mặc cả, kì kèo, chỉ nghe tiếng người cười nói lao xao. Các cô gái Mông miệng cười như những bông hoa rừng đang nở, bên những chiếc xe hàng rong, họ chọn cho mình những đôi tòng teng, cứ đeo thử vài ba đôi, rồi dùng gương ngắm nghía, lắc lắc thử cái đầu. Hỏi tại sao làm thế, một cô gái Mông e thẹn bảo: “Ta chọn xem đôi nào lúc lắc mạnh phát ra tiếng leng keng thì mới mua, để lúc xuống núi cùng với nhịp chân đều đặn ta làm cho gấu váy vung sang 2 bên tạo nên bản nhạc như một câu trong bài hát Xuống chợ ngày xuân: xuống chợ, xuống chợ!...".
Các cô gái Thái đến chợ trong những bộ trang phục váy áo với nhiều nét hoa văn được thêu khéo léo nhiều họa tiết. Các chàng trai, xuống chợ để chọn cho mình những chiếc hòm tôn, hòm gỗ xinh xắn chuẩn bị đón cô dâu mới về nhà...
Thỏa mãn với những món đồ đầu năm, mọi người rời chợ khi mặt trời đã ngả, chiếu xiên về hướng Tây, lúc này chợ cũng bắt đầu thưa dần. Mọi người chia tay rẽ về các ngả núi rừng, bịn rịn hẹn một mùa xuân tới lại tụ hội mua lộc đầu xuân.