1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nghệ An:

Thiếu đất sản xuất, dân ồ ạt chặt cây của lâm trường

(Dân trí) - Mấy ngày nay, hàng chục người dân tại các xóm Bãi Kè và Hợp Thành (xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) ồ ạt kéo nhau lên rừng keo của lâm trường Đồng Hợp phát cây bụi, bóc vỏ keo.

Sáng 16/1, khi chúng tôi có mặt tại rừng keo lâm trường Đồng Hợp, hàng chục người dân của hai xóm đang phát cây, bóc vỏ keo của lâm trường. Nhiều người dân bức xúc cho biết, sở dĩ họ chặt keo tại lâm trường "để yêu cầu lâm trường trả lại đất".

Người dân phản ánh, năm 2003 dự án trồng rừng 327 của nhà nước triển khai, khi đó lâm trường Đồng Hợp do ông Trần Đắc Sâm làm Giám đốc và trực tiếp ký hợp đồng với các hộ dân ở hai xóm Bãi Kè và Hợp Thành (xã Tam Hợp) phát cây khai hoang để trồng rừng. Đến năm 2007, giữa người dân và lâm trường Đồng Hợp có xảy ra một số tranh chấp, yêu cầu lâm trường trả lại đất sản xuất cho người dân.

Ngày 11/3/2007, ông Hồ Văn Hiền (xóm trưởng xóm Bãi Kè) đại diện cho 119 hộ dân và 517 khẩu làm đơn kiến nghị thanh tra thu hoạch rừng trồng dự án 327 trồng rừng phòng hộ 500ha ở Bãi Kè; thu hồi đất của Lâm trường Đồng Hợp giao lại cho hộ dân cư không có đất, thiếu đất sản xuất, đất trồng rừng xóm Bãi Kè gửi UBND tỉnh Nghệ An.

Sau đó, ngày 24/5/2007, Sở NN&PTNT Nghệ An có quyết định số: 347/QĐ-SNN-TTr quyết định giải quyết khiếu nại của ông Hồ Văn Hiền và 119 hộ dân thuộc xóm Bãi Kè, xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An.

Trong đó có nội dung: “Bàn giao một số diện tích đất sản xuất của Lâm trường Đồng Hợp, Công ty Lâm nông nghiệp Sông Hiếu cho UBND huyện Quỳ Hợp để làm thủ tục giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất cho nhân dân, để nhân dân Bãi Kè yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống lâu dài”.

“Đất Bãi Kè, rừng Bãi Kè phải được trả lại, giao lại cho dân cư xóm Bãi Kè quản lý chấm dứt sự bất công phi lý do lâm trường Đồng Hợp tạo ra. Đất phải có chủ, chủ rừng phải là người dân sống gắn bó máu thịt với rừng. Chúng tôi chán ngán cảnh phải ăn nhờ, ở đậu trên cái bìa đỏ của lâm trường Đồng Hợp” - nội dung đơn kiến nghị nêu rõ.

Biên bản được họp giao đất.
Biên bản được họp giao đất.

Cụ thể, đối với diện tích 44,00 ha tại các lô 2b, 3c, và 4 khoảnh 4, tiểu khu 268 lâm trường Đồng Hợp đã bàn giao quyền sử dụng đất cho UBND huyện Quỳ Hợp được quy định tại quyết định số 199/QĐ-UB-ĐC ngày 24/2/2004 của UBND tỉnh Nghệ An”.

Tuy nhiên, quyết định về việc giao đất lại cho dân đã có từ năm 2007 nhưng mãi đến 2014 mới chỉ giao được cho dân xóm Bãi Kè được 15ha/44ha. Việc giao đất kéo dài như vậy đã khiến nhiều hộ dân nơi đây thiếu đất sản xuất, tình trạng hộ nghèo ngày càng tăng lên.

Ông N.T.H., một người dân xóm Hợp Thành (được tách ra từ xóm Bãi Kè trước đây - PV) - cho biết: “Chúng tôi mới chỉ nhận lại được xấp xỉ 15ha đất, nếu chia đều cho 51 hộ dân trong xóm thì mỗi hộ chỉ vọn vẹn được gần 0,3 ha đất, trong khi đó mỗi hộ có trung bình là 4 đến 5 người. Thiếu đất sản xuất nên nông dân như chúng tôi phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời quanh năm suốt tháng mà vẫn không đủ ăn”.

Còn bà N.T.C. (xã Tam Hợp) - cho biết, trước đây, ông cha bà từ xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu lên vùng đất xã Tam Hợp khai hoang, định cư. Khu vực đất chúng tôi khai hoang, trồng rừng hiện tại lâm trường đang sở hữu.

Người dân bức xúc phản ánh sự việc với PV
Người dân bức xúc phản ánh sự việc với PV

“Trong khi miếng đất vườn trồng rau chúng tôi còn thiếu thốn mà lâm trường Đồng Hợp có mấy chục người mà sở hữu đến hàng ngàn ha. Năm 2007, nghe tin UBND tỉnh có quyết định giao đất cho dân, nhưng mãi đến nay mọi chuyện vẫn chẳng thay đổi gì. Vẫn biết việc chặt keo để đòi lại đất là vi phạm nhưng vì miếng cơm, manh áo chúng tôi cũng không còn cách nào khác cả”, bà C. bức xúc.

Bà Nguyễn Thị Hạp, xóm trưởng xóm Hợp Thành, cho biết: “Hiện nay bà con cùng với lâm trường Đồng Hợp, chính quyền địa phương đang tiến hành họp với nhân hai xóm để tìm cách giải quyết. Thậm chí đi thực địa chỉ rõ từng lô đất một. Nếu người dân chúng tôi được trả lại đúng với diện tích trên giấy tờ thì chúng tôi không có ý kiến gì còn ngược lại bà con chúng tôi sẽ tiến hành chặt hạ cây keo của lâm trường để lấy lại đất”.

Phát hiện hàng chục người dân phát cây, bóc vỏ keo lượng chức năng của xã cùng với cán bộ lâm trường Đồng Hợp cũng có mặt và tổ chức họp, đối thoại với người dân nhằm để ổn định tình hình. Tuy vậy, đến chiều ngày 16/1, tình trạng chặt phát cây, bóc vỏ keo vẫn diễn ra phức tạp và đã xảy ra va chạm nhẹ giữa lực lượng chức năng và nhân dân. Tính đến thời điểm hiện tại đã có gần 200 cây keo chừng 7-8 năm tuổi bị bóc vỏ khi đang dựng đứng. Hiện còn rất đông người dân đang tụ tập trên đồi keo và không có dấu hiệu sẽ dừng lại trong những ngày tới.

Trao đổi với PV Dân trí chiều 17/1, ông Hồ Thanh Hùng, Giám đốc Lâm trường Đồng Hợp, cho biết, năm 2007 chúng tôi đã bàn giao 83ha đất rừng cho chính quyền địa phương để giao cho người dân sản xuất rồi. “Việc người dân và lâm trường chặt, bóc vỏ keo là vi phạm. Hiện tại, công an và chính quyền địa phương đang vào cuộc điều tra để xử lý vụ việc”, ông Hùng nói.

Người dân tập trung đi phát, bóc vỏ keo lâm trường Đồng Hợp.
Người dân tập trung đi phát, bóc vỏ keo lâm trường Đồng Hợp.
 
Hàng trăm cây keo lớn của lâm trường bị người dân bóc vỏ

Hàng trăm cây keo lớn của lâm trường bị người dân bóc vỏ
Hàng trăm cây keo lớn của lâm trường bị người dân bóc vỏ

Cán bộ lâm trường ngăn dân phá cây.
Cán bộ lâm trường ngăn dân phá cây.

Lực lượng công an có mặt để giải quyết vụ việc.
Lực lượng công an có mặt để giải quyết vụ việc.

Nguyễn Phê - Vi Định