1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thiết lập hệ thống cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét cho 37 tỉnh

Thế Kha

(Dân trí) - Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ thiết lập hệ thống thông tin - cảnh báo sớm, nâng cấp, phát triển các mô hình cảnh báo sạt lở đất, lũ quét cho 37 tỉnh trung du, miền núi.

Ngày 9/3, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Thứ trưởng Lê Công Thành vừa ký ban hành kế hoạch thực hiện Đề án cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, quy trình, quy định kỹ thuật liên quan đến phân vùng và cảnh báo sớm thiên tai sạt lở đất, lũ quét.

Thiết lập hệ thống cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét cho 37 tỉnh - 1

Vết sạt lở nghiêm trọng trên quốc lộ 14, đoạn qua tỉnh Đắk Nông vào tháng 8/2023 (Ảnh: Đặng Dương).

Lãnh đạo Bộ này chỉ đạo thiết lập Hệ thống thông tin - cảnh báo sớm, nâng cấp, phát triển các mô hình cảnh báo sạt lở đất, lũ quét cho 37 tỉnh trung du, miền núi Việt Nam. Ứng dụng công nghệ viễn thám để điều tra, giám sát, cập nhật thông tin hiện trạng sạt lở đất, lũ quét và các lớp thông tin phục vụ cảnh báo sớm.

15 tỉnh sẽ được lập bản đồ phân vùng nguy cơ, phân vùng rủi ro thiên tai do sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ 1:50.000 và tỷ lệ 1:25.000, gồm: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước và Đồng Nai.

22 tỉnh đã thực hiện Chương trình 705 (theo Quyết định 705/2018 của Chính phủ) sẽ được cập nhật bản đồ phân vùng nguy cơ, phân vùng rủi ro thiên tai do sạt lở đất, lũ quét với tỷ lệ 1:50.000 và tỷ lệ 1:25.000.

Trong quá trình thực hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu rà soát, kế thừa kết quả, sản phẩm của các chương trình, đề án, dự án, đề tài có liên quan nhằm đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Các nhiệm vụ thực hiện có kết quả, sản phẩm đến đâu thì công bố, chuyển giao ngay đến đó để phục vụ phòng chống thiên tai.

Bộ này yêu cầu chuyển giao công nghệ, sản phẩm của đề án để phục vụ xây dựng quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, sơ tán, di dời dân cư khỏi vùng thiên tai, đáp ứng các yêu cầu cấp bách trong phòng chống, ứng phó với rủi ro lũ quét, sạt lở đất tại các địa phương.