DMagazine

"Phải chừa không gian để tự nhiên còn thở, o ép quá nó phản ứng lại thôi"

(Dân trí) - "Qua những vụ trượt lở đất vừa qua thấy rõ rằng phát triển phải có quy hoạch, chừa lại không gian để tự nhiên còn thở, còn sống. Mình mà o ép tự nhiên quá thì nó phải phản ứng lại thôi".

PGS.TS Trần Tân Văn, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường, trao đổi với phóng viên Dân trí sau hàng loạt sự cố trượt lở đất gây lo lắng trong dư luận thời gian qua.

Phải chừa không gian để tự nhiên còn thở, o ép quá nó phản ứng lại thôi - 1

Xin hỏi tâm trạng, cảm xúc của ông khi theo dõi thông tin, xem hình ảnh các vụ trượt lở đất vừa qua ở Đà Lạt (Lâm Đồng), Đắk Nông, Mù Cang Chải (Yên Bái) và gần đây nhất là Sóc Sơn, Hà Nội?

- Cảm xúc của tôi tương đối lẫn lộn, vì trước đó chúng ta trải qua một đợt nắng nóng lịch sử, thời tiết khô hạn nên có vẻ như toàn xã hội đang rất muốn có mưa để khắc phục tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên.

Nhưng khi mưa to, gió lớn xảy ra thì quá mức so với mong muốn và xảy ra trượt lở. Trượt lở đất vốn xảy ra thường xuyên và rất nhiều, nhưng tại sao lần này lại "nóng" như vậy, vì chúng "kéo theo" chết người. Nếu chỉ thiệt hại về cơ sở vật chất thì có lẽ xã hội chưa để ý nhiều đến như vậy, nhưng khi chết người mới "nóng" lên.

Cảm giác của tôi, có vẻ như cả xã hội đang bị bất ngờ, bởi trượt lở liên tiếp xảy ra ở tỉnh Lâm Đồng, rồi Đắk Nông, lan ra mấy tỉnh Tây Bắc và bây giờ ở Sóc Sơn, Hà Nội. Các tỉnh Tây Bắc thì thường xuyên bị trượt lở, không nói làm gì, nhưng các tỉnh Nam Tây Nguyên từ trước đến nay vẫn được cho là tương đối an toàn, ít thiên tai. Hay Hà Nội cũng vậy. Cảm giác bây giờ có vẻ như là trượt lở đất có thể xảy ra khắp nơi, không biết thế nào mà ứng xử.

Phải chừa không gian để tự nhiên còn thở, o ép quá nó phản ứng lại thôi - 3

Tôi nghĩ chúng ta phải hết sức bình tĩnh, nhìn nhận sự việc một cách toàn diện, cụ thể. Tất nhiên chúng ta ngồi nói chuyện với nhau ở đây, ở một nơi tương đối an toàn, nói thế có vẻ không thực tế lắm. Nhưng đúng là phải như vậy.

Trượt lở là một trong những dạng tai biến địa chất phổ biến nhất, hầu như mùa mưa bão nào cũng có, hầu như tỉnh miền núi nào cũng có, và đã đến lúc chúng ta phải nhận thức rằng đây là câu chuyện thường ngày, và cần phải chuẩn bị, phòng bị một cách đầy đủ kỹ lưỡng từ rất lâu trước khi mùa mưa bão đến, để khi xảy ra không bị bất ngờ, có thể tránh và giảm được bớt thiệt hại.

Muốn vậy thì cần đầu tư sức người, sức của để điều tra, khảo sát, đánh giá, từ đó mới có những biện pháp phòng tránh, giảm nhẹ hậu quả, chứ không có chuyện nhờ trời hi vọng năm nay, hay năm sau không xảy ra nữa. Không có chuyện đó đâu.

Thế giới đã tổng kết từ lâu, đại ý rằng chi trước một đồng để điều tra, khảo sát, nghiên cứu, cảnh báo về trượt lở đất để có thể phòng tránh giảm nhẹ, thì sẽ đỡ phải chi 10 đồng sau này cho công tác cứu trợ, cứu nạn, khắc phục hậu quả.

Phải chừa không gian để tự nhiên còn thở, o ép quá nó phản ứng lại thôi - 5

Nguyên nhân dẫn tới các vụ trượt lở đất vừa qua có giống nhau không, thưa ông?

- Ở khắp nơi, từ miền Trung, Tây Nguyên đến Tây Bắc và Hà Nội đều gặp phải những trận mưa lớn kéo dài ngày.

Trượt lở là một dạng tai biến địa chất điển hình và nói chung có thể phân chia ra 3 nhóm yếu tố quyết định: Thứ nhất là hình thái của sườn dốc, thí dụ như độ dốc, chiều cao, chiều rộng của sườn dốc. Thứ hai là tính chất cơ lý của đất đá tạo nên sườn dốc đó, thí dụ vỏ phong hóa dày hay đá gốc yếu, hay co ngót, trương nở tùy thuộc vào nhiệt độ, độ ẩm, có thảm thực vật che phủ hay không. Thứ ba là yếu tố nước, cả nước mặt lẫn nước ngầm, làm cho đất đá cấu tạo nên sườn dốc bão hòa, trở nên rất nặng, tạo lực gây trượt lớn.

Mặt khác, nước còn làm giảm sức bền của đất đá, kéo theo giảm lực kháng trượt. Nếu lực kháng trượt trở nên nhỏ hơn lực gây trượt thì sườn dốc đó sẽ không ổn định nữa và nguy cơ cao là sẽ xảy ra trượt lở.

Nước mặt và nước ngầm là yếu tố kích hoạt trực tiếp gây trượt lở đất. Tất nhiên ngoài ra cũng còn một số yếu tố khác nữa.

Sườn dốc tự nhiên đã trải qua thời gian rất dài để thay đổi hình thái tùy theo sức bền của đất đá cấu tạo nên nó, cuối cùng là rất ổn định. Đồng bào dân tộc ngày xưa thường có kinh nghiệm chọn vị trí xây dựng làng bản trên các sườn dốc tự nhiên và đặc biệt là họ thường không đụng chạm đến, làm thay đổi sườn dốc tự nhiên. Họ dựng nhà sàn sinh sống trên đó nhiều thế hệ và ít khi gặp vấn đề trượt lở, lũ bùn đá, lũ quét...

Phải chừa không gian để tự nhiên còn thở, o ép quá nó phản ứng lại thôi - 7

Qua những hình ảnh báo chí ghi lại có thể thấy những vạt núi đồi đã bị "cạo trọc" để xây dựng nhà cửa, homestay hoặc trồng những loại cây không có khả năng giữ đất như sầu riêng,... Đó có phải một phần nguyên nhân dẫn tới các vụ trượt lở?

- Đúng vậy. Thảm phủ thực vật đóng góp vào yếu tố thứ hai, tính chất cơ lý của đất đá. Thảm phủ thực vật tự nhiên có nhiều tác dụng, bộ rễ ăn sâu xuống góp phần gia cường nền đất, làm cho sườn dốc chắc hơn, ổn định hơn; tán lá làm nước mưa phân tán đều, không cho nước chảy trôi nhanh mà làm cho nước thấm đều, thấm sâu.

Trên thảm thực vật cũng diễn ra quá trình bốc hơi, khiến cho độ ẩm trong đất giảm xuống, qua đó làm cho sườn dốc "khô" hơn, hoặc "khô nhanh" hơn, làm giảm nguy cơ trượt lở.

Các điểm trượt lở lớn thường được cộng hưởng, hoặc được kích hoạt từ nhiều trượt lở nhỏ. Khi có thảm phủ thực vật (tự nhiên) sẽ giảm các vụ trượt lở nhỏ, góp phần giảm nguy cơ các vụ trượt lở lớn.

Một khi đã xảy ra các vụ trượt lở lớn rồi thì không có thảm phủ thực vật nào còn tác dụng nữa.

Phải chừa không gian để tự nhiên còn thở, o ép quá nó phản ứng lại thôi - 9

Một thống kê mới đây chỉ ra rằng, riêng trên địa bàn Đà Lạt (Lâm Đồng) đã có trên 210 điểm có nguy cơ trượt lở, sụt lún đất, chủ yếu trên các tuyến đường giao thông. Đó có phải thông tin rất đáng lo ngại không, thưa ông?

- Tất nhiên là đáng lo ngại, nhưng đối với nhiều địa phương khác trên cả nước đó cũng là một con số bình thường.

Trong hơn 10 năm qua, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản được giao chủ trì điều tra khảo sát mỗi năm vài tỉnh. Con số thống kê vài trăm tới cả nghìn điểm có nguy cơ trượt lở ở mỗi tỉnh là khá phổ biến.

Nhưng có một vấn đề đáng lo: Hầu hết các điểm có nguy cơ trượt lở đáng kể đều nằm ở những nơi tập trung dân cư, tập trung cơ sở hạ tầng, đường sá, hồ chứa nước, thủy điện, thủy lợi, đường giao thông...

Như tôi đã nói, các sườn dốc tự nhiên ít xảy ra trượt, có xảy ra thì cũng nhỏ, ít khi xảy ra trượt lở lớn. Dọc các cơ sở hạ tầng, nơi mở đường, làm đường mới, đào đất xây đập thủy lợi, thủy điện… thì con người tác động vào sườn dốc tự nhiên khiến nó không còn tự nhiên nữa, sườn dốc thay đổi hình thái, thay đổi góc dốc và mất ổn định đi rất nhiều. Chắc chắn nguy cơ trượt lở vì thế sẽ tăng cao. Các hoạt động đó ngày càng đóng vai trò chính trong việc gây ra trượt lở.

Phải chừa không gian để tự nhiên còn thở, o ép quá nó phản ứng lại thôi - 11

Vậy theo ông, thiên tai hay nhân tai đóng vai trò lớn hơn?

- Trước đây, cơ bản do thiên tai thôi, nhưng càng ngày con người càng lấn sân tự nhiên. Đất không nở ra được, trong khi dân số càng ngày càng đông, nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà cửa, phát triển kinh tế xã hội ngày càng tăng cao, con người ngày càng "lấn sân" tự nhiên. Vai trò của các hoạt động nhân sinh trong việc gây ra thiên tai càng lớn hơn.

Đến lúc chúng ta phải gọi là "nhân tai" chứ không phải "thiên tai" nữa. Và đây không phải là câu chuyện riêng có của Việt Nam.

Được biết, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã có nhiều công trình nghiên cứu, điều tra về 7 loại hình tai biến địa chất (nứt sụt đất, trượt lở, lũ quét, lũ bùn đá, xói mòn đất, bồi lở bờ sông, bồi lở cửa sông và ven biển). Từ đó đánh giá được hiện trạng, xác định được nguyên nhân dẫn đến từng loại hình tai biến địa chất, đề xuất được các giải pháp phòng tránh, dự báo, cảnh báo, giảm nhẹ hậu quả. Những công trình này đã mang lại những hiệu quả, giá trị như thế nào trong thực tế?

- Trước năm 2010, chúng tôi được giao thực hiện một vài đề tài nghiên cứu khoa học. Giai đoạn 2012-2020, mỗi năm nhà nước giao kinh phí để Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản chủ trì thực hiện điều tra khảo sát, đánh giá hiện trạng trượt lở, lũ bùn đá, nứt đất... ở 37 tỉnh miền núi trên phạm vi toàn quốc.

Phải chừa không gian để tự nhiên còn thở, o ép quá nó phản ứng lại thôi - 13

Chúng tôi điều tra, khảo sát hiện trạng, rồi đánh giá nguy cơ, lập bản đồ cảnh báo trượt lở, lũ bùn đá, lũ quét... Định kỳ cuối năm hoặc đầu năm, trước mùa mưa bão sẽ phải chuyển giao kết quả cho các địa phương, xác định một số khu vực có nguy cơ trượt lở cao đến rất cao.

Tuy nhiên đến năm 2020, khi làm đến một số tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, chưa kịp làm tới các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông (hai địa phương xảy ra nhiều vụ trượt lở đất vừa qua - PV) thì đề án đó dừng lại, vì có một số địa phương hoặc chưa quan tâm lắm đến các sản phẩm đó, hoặc chưa hiểu rõ, chưa biết sử dụng các sản phẩm đó như thế nào. Có địa phương lại bảo làm tỷ lệ điều tra, khảo sát như thế nhỏ quá, cần tỷ lệ lớn hơn.

Với một số ý kiến như vậy nên Nhà nước tạm dừng đề án đó lại, giao tiếp cho Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản thực hiện một số đề tài nghiên cứu để xác định xem tỷ lệ nào là phù hợp, vị trí nào cần điều tra đánh giá, vị trí nào cần tiến hành quan trắc, và ngưỡng mưa tới đâu thì phải đưa ra cảnh báo… Trên cơ sở kết quả các nghiên cứu đó chắc sẽ có những điều chỉnh trong đề án Chính phủ sắp tới để làm tiếp.

Việc lập bản đồ phân vùng cảnh báo trượt lở trên cả nước đóng vai trò vô cùng quan trọng?

- Bộ bản đồ gồm có bản đồ hiện trạng trượt lở, bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ và bản đồ đánh giá mức độ nguy hiểm của tai biến trượt lở.

Ngoài ra còn có một số bản đồ nữa, nhưng 3 sản phẩm đó là cơ bản.

Hiện nay mới dừng ở bản đồ hiện trạng trượt lở. Một số tỉnh đã làm thêm được bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở. Chưa có tỉnh nào làm được bản đồ đánh giá mức độ nguy hiểm của tai biến trượt lở.

Cá nhân tôi nghĩ rằng những sản phẩm đó hết sức cần thiết, vì thế phải tiếp tục triển khai đề án đang dang dở, tiếp tục chuyển giao kết quả nghiên cứu cho địa phương, tuyên truyền giáo dục nhận thức cho cộng đồng.

Có bản đồ trượt lở, cảnh báo nguy cơ rồi nhưng việc áp dụng của từng địa phương không triệt để, không gắn vào trong quá trình cấp phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng thì cũng không đạt được hiệu quả tương xứng?

- Đúng vậy. Có bộ sản phẩm đó mà không sử dụng, hoặc không biết cách sử dụng thì vô nghĩa. Cần hiểu rõ vai trò, ý nghĩa, tác dụng của các sản phẩm đó.

Cần áp dụng vào việc xây dựng hoặc điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, chỉ phát triển, chỉ định cư ở những khu vực tương đối an toàn, triệt để tránh những khu vực có nguy cơ cao, tìm sẵn những vị trí an toàn để di dời, sơ tán khi có sự cố thiên tai xảy ra. Có thế các sản phẩm do các nhà khoa học làm ra mới phát huy hiệu quả.

Phải chừa không gian để tự nhiên còn thở, o ép quá nó phản ứng lại thôi - 15

Những khu vực có địa hình đồi núi cao, hoạt động san gạt, xẻ núi đồi để xây dựng nhà cửa rầm rộ như Đà Lạt, Sa Pa, Tam Đảo,… sẽ có nhiều nguy cơ nhất?

- Chính xác là thế. Trung bình mỗi tỉnh chúng tôi đều xác định 3-6 khu vực có nguy cơ trượt lở cao, có mật độ dân cư dày, cơ sở hạ tầng phát triển nhiều. Những khu vực đó cần điều tra khảo sát chi tiết, gấp rút điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Thậm chí có nơi còn phải tìm sẵn vị trí an toàn, khi có tai biến địa chất xảy ra còn di dời, sơ tán kịp thời.

Ông có thể kể ra thêm một số khu vực như vậy?

- Có rất nhiều đô thị, đặc biệt các tỉnh miền núi như ở Hà Giang, Lai Châu, Yên Bái..., hay khu vực Tam Đảo ngay gần Hà Nội. Dọc các tuyến đường giao thông cũng rất nhiều nơi. Bất kỳ chỗ nào hoạt động dân sinh càng sôi động thì vai trò của hoạt động dân sinh trong việc gây ra trượt lở càng lớn.

Có một ví dụ cụ thể từ phía địa phương đã có yêu cầu với chúng tôi, như thị trấn huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang - nằm ở vị trí vô cùng cheo leo hiểm trở, hiện tượng nứt đất, hoạt động trượt lở, đứt gãy có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhưng lại tập trung dân cư rất cao. Chính địa phương đã gặp gỡ, gửi công văn yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tìm giúp vị trí thay thế.

Phải chừa không gian để tự nhiên còn thở, o ép quá nó phản ứng lại thôi - 17

Theo ông, quy định bắt buộc trong xây dựng đô thị, cấp phép xây dựng phải có đánh giá về an toàn trượt lở đất đá chưa đầy đủ?

- Tôi e rằng chưa đầy đủ lắm. Mấy năm trước xảy ra một số vụ trượt lở liên quan đến thủy điện. Từ đó chúng tôi thấy có khoảng trống, chẳng hạn như trách nhiệm nghiên cứu khả thi cho các dự án thủy điện nhỏ và vừa hiện nay đang được giao cho các chủ đầu tư. Chỉ có dự án lớn, trọng điểm mới thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành trung ương.

Có thể có một khoảng trống ở đây, ở chỗ khi có sự cố xảy ra thì không chỉ chủ đầu tư mất người, mất tiền, cộng đồng địa phương bên dưới hạ lưu còn phải hứng chịu hậu quả, thậm chí là rất nặng. Chủ đầu tư không thể có đủ năng lực, quyền hạn, trách nhiệm gánh chịu.

Đó là một khoảng trống, một kẽ hở, cần sớm hoàn thiện. Cần yêu cầu phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và khả thi của tất cả các dự án như vậy.

Phải chừa không gian để tự nhiên còn thở, o ép quá nó phản ứng lại thôi - 19

Qua các vụ trượt lở vừa qua, một số địa phương đã có chỉ đạo rà soát hoạt động xây dựng, quản lý trật tự xây dựng rất quyết liệt. Theo ông, cần thu hồi giấy phép, điều chỉnh ngay quy hoạch xây dựng, hủy bỏ các giấy phép đã cấp ở những vị trí có nguy cơ trượt lở trong tương lai?

- Đó là cách làm đúng. Khi các nhà khoa học, chuyên gia đến điều tra khảo sát, đánh giá hiện trạng, tìm hiểu nguyên nhân, xác định được những khu vực có nguy cơ cao, thì những cơ sở hạ tầng nào nằm ở khu vực có nguy cơ cao cần phải xem xét di dời, dỡ bỏ, có biện pháp khắc phục giảm nhẹ.

Nếu là dự án đầu tư mới thì cần cẩn trọng khi phê duyệt, thậm chí có thể không phê duyệt.

Một vùng đất mới, khi tới xây dựng phải điều tra khảo sát, biết chỗ nào xây dựng được, chỗ nào không, chỉ phát triển chỗ nào nền địa chất ổn định, an toàn. Vùng đất đã và đang phát triển rồi, khu vực có nguy cơ cao thì không phát triển thêm nữa.

Bởi nếu không thì khi xảy ra tai biến hậu quả sẽ rất khôn lường; không những các công trình đó bị thiệt hại mà chúng còn góp phần gây hại thêm cho khu vực xung quanh, làm cho quy mô, sức tàn phá của trượt lở, của dòng bùn đá càng lớn hơn.

Qua những vụ trượt lở vừa qua thấy rõ rằng phát triển phải có quy hoạch, cần chừa lại không gian để tự nhiên còn thở, còn sống. Mình mà o ép tự nhiên quá thì nó phải phản ứng lại thôi.

Xin cảm ơn ông!

Phải chừa không gian để tự nhiên còn thở, o ép quá nó phản ứng lại thôi - 21

Nội dung: Thế Kha

Ảnh: Thành Đông

Thiết kế: Thủy Tiên