1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bình Định:

Thị xã An Nhơn quyết tâm lên thành phố trước năm 2025

Doãn Công

(Dân trí) - Thị xã An Nhơn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng vào hạ tầng, phát triển kinh tế, quy hoạch mở rộng không gian đô thị, quyết tâm được công nhận thành phố trước năm 2025.

UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị An Nhơn đến năm 2035. Trong đó, cập nhật các điều chỉnh về hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, mở rộng không gian đô thị cho thị xã An Nhơn lên thành phố trước năm 2025.

Mở rộng không gian đô thị

Theo UBND thị xã An Nhơn, sau khi được công nhận đạt chuẩn đô thị loại III, thị xã tiếp tục đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đạt chuẩn thành phố.

Thị xã An Nhơn quyết tâm lên thành phố trước năm 2025 - 1

Một góc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định (Ảnh: Doãn Công).

Tổng mức đầu tư các công trình đến cuối năm 2022 đạt hơn 3.300 tỷ đồng/tổng mức được phê duyệt hơn 5.700 tỷ đồng (giai đoạn 2020-2025). Trong đó, thị xã tập trung hoàn thành và triển khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để mở rộng không gian đô thị.

Hệ thống hạ tầng khung giao thông và hệ thống giao thông kết nối các xã, phường được tăng cường đầu tư nâng cấp, với tổng chiều dài hơn 40km, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Nhiều khu đô thị, khu dân cư dần được hình thành đồng bộ, hiện đại, từng bước thay đổi diện mạo thị xã.

Ông Bùi Văn Cư, Phó Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn, cho hay quy hoạch chung của đô thị An Nhơn định hướng mô hình phát triển đô thị đơn trung tâm, đa cực, phát triển theo hệ thống giao thông. Khu vực trung tâm đô thị là phường Bình Định; các khu vực phát triển gồm một phần Nhơn Hưng, Nhơn An, Nhơn Hòa.

Thị xã An Nhơn quyết tâm lên thành phố trước năm 2025 - 2

An Nhơn là đô thị loại III (Ảnh: Doãn Công).

Cực phát triển phía bắc xác định phường Đập Đá làm hạt nhân phát triển, các khu vực xung quanh gồm Nhơn Thành, Nhơn Hậu, Nhơn Mỹ, Nhơn An và một phần Nhơn Hưng.

Cực phát triển mới ở phía nam là Nhơn Hòa, hỗ trợ cho một phần phường Bình Định, Nhơn Thọ và hành lang công nghiệp dọc quốc lộ 19. Cực phát triển phía tây lấy Nhơn Phúc làm trung tâm, hỗ trợ các xã Nhơn Khánh, Nhơn Lộc, trục tác động là tuyến ĐT 636 (Gò Bồi - Lai Nghi).

Trở thành vùng đô thị động lực, liên kết vùng

Cách TP Quy Nhơn gần 20km về phía tây bắc, thị xã An Nhơn được thành lập năm 2011, hiện là đô thị loại III với 5 phường và 10 xã.

Theo UBND Bình Định, An Nhơn đang là đô thị vệ tinh của TP Quy Nhơn và là trung tâm giao lưu kinh tế, văn hóa xã hội ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Thị xã được đánh giá có hệ thống giao thông rất thuận lợi, với quốc lộ 1, quốc lộ 19 và đường sắt Bắc - Nam. Nơi đây cũng có dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và cao tốc Quy Nhơn - Pleiku (Gia Lai) đi qua.

An Nhơn từ chỗ kinh tế dựa vào nông nghiệp, chiếm trên 70%, đến nay giá trị công nghiệp và xây dựng đã chiếm tỷ trọng gần 68%, thương mại và dịch vụ chiếm 21,5 %, nông - lâm - thủy sản còn 11%.

Những năm qua, kinh tế của thị xã có bước tăng trưởng và phát triển khá toàn diện; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; thu nhập bình quân đầu người hàng năm đều tăng.

Hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp theo hướng đồng bộ, hiện đại; bộ mặt đô thị và nông thôn ngày càng khởi sắc; văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; quốc phòng - an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…

Trong 9 tháng đầu năm, kinh tế thị xã giữ đà tăng trưởng. Tổng giá trị sản xuất ước đạt trên 18.690 tỷ đồng, tăng gần 17% so cùng kỳ. Tổng giá trị sản phẩm ước đạt trên 16.477 tỷ đồng, tăng 6,5% so cùng kỳ.

Ông Trần Viết Bảo, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định, cho hay trong số 20 đô thị của tỉnh, có 3 đô thị lớn đã và đang trở thành động lực cho cả vùng, gồm TP Quy Nhơn, thị xã An Nhơn và thị xã Hoài Nhơn.

Kế hoạch thực hiện chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ hình thành chuỗi các đô thị vùng phía nam của tỉnh. Trong đó, đô thị An Nhơn (cùng với đô thị Quy Nhơn, Tuy Phước, Cát Tiến, Canh Vinh) trở thành vùng đô thị động lực, có tính kết nối vùng duyên hải miền Trung và khu vực Tây Nguyên, trở thành đầu tàu cho cả tỉnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm