1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Thị trường đào Tết: Nhật Tân tơi tả, La Cả lên ngôi

Người trồng đào ở Nhật Tân, Phú Thượng, Xuân La (Hà Nội) ngậm ngùi vì đào chết hàng loạt. La Cả, làng đào mới (xã Dương Nội, thị xã Hà Đông, Hà Tây), hàng trăm hecta đào lại hứa hẹn một vụ thu hoạch lớn.

Đào Nhật Tân chết hàng loạt

Ông Đức Lâm - nghệ nhân trồng đào ở tổ 3, phường Nhật Tân - cho biết hơn 50 năm trồng đào chưa năm nào đào lại chết thảm hại như năm nay. Vườn đào của ông Lâm có gần 1.000 cây nhưng số cây bị chết lên tới 60%. Số đào còn sót lại trong vườn cây nào cũng còi cọc, ốm yếu và đến thời điểm này vẫn chưa thấy xuất hiện mắt nụ.

“Những cây đào này không thể bán ra thị trường trong dịp tết đến vì hoa không kịp nở” - ông Lâm nói. Trong khu vườn của ông còn có những gốc đào cổ, thân xù xì, gốc to, cao chừng 1,5m nhưng đã chết từ hồi tháng 8/2006. “Mấy cây đó năm trước có khách trả 7 triệu đồng tôi không bán, ai ngờ năm nay cây chết” - ông Lâm rơm rớm nước mắt.

Dọc theo các phố Lạc Long Quân, Âu Cơ chứng kiến cảnh những vườn đào chết la liệt thật thương tâm. Tại cánh đồng Nhật Tân, mỗi vườn bị chết từ 40-50%. Còn tại Phú Thượng, Xuân La tỉ lệ đào chết lên đến 60-70%, thậm chí có nhiều hộ gia đình đào chết trắng cả vườn.

Anh Tuân, phường Phú Thượng, kể đầu tháng năm vợ chồng anh có mua thêm hơn 200 gốc đào, trị giá 120 triệu đồng để bổ sung vườn đào nhà mình. Khi đào bắt đầu quen đất, lá xanh cũng là lúc cơn lụt ập đến, nhấn chìm vườn đào dưới biển nước. Anh Tuân ước tính tổng thiệt hại lên tới 600 triệu đồng.

Đợt lụt hồi tháng tám làm hàng trăm hecta đào kéo dài từ Nhật Tân sang Phú Thượng ngập trắng, đào ngâm nước hơn nửa tháng dẫn đến thối gốc rồi chết dần chết mòn. Những ngày cuối tháng mười một, người dân tưởng chắc ăn với những cây đào sống sót sau đợt lụt, nào ngờ trời vào đông, lại thêm mưa đá làm đào... tiếp tục chết.

Để chữa cháy, một số dân trồng đào Nhật Tân đã thu gom đào từ những vùng lân cận Hà Nội với giá rẻ về trồng tại vườn giả danh đào Nhật Tân. Một hộ trồng đào hỉ hả: “Làm thế này không những có đào đẹp, giá rẻ, không sợ mất khách mà còn thu lợi cao”. Vì vậy, năm nay có thể người chơi đào mua nhầm đào Nhật Tân giả.

Đào La Cả lên ngôi

Trong khi đó, một không khí khác hẳn đang diễn ra tại La Cả, vùng trồng đào mới chỉ cách Hà Nội chừng 15km. Về cánh đồng đào rộng trên 100 hecta mà cảm thấy vui lây vì đi đến đâu cũng rộn vang tiếng cười nói, tiếng cày cuốc... Vào thời điểm này đào bắt đầu chớm nụ và đến thời kỳ tuốt lá.

“Thời tiết se lạnh kéo dài đến Tết Nguyên đán thì đào sẽ nở đúng hẹn” - ông Dương Bá Chân, xóm Quang Minh, hộ trồng đào ở La Cả, bộc bạch. Diện tích vườn đào của ông Chân lên tới hàng mẫu đất với 1.000 cây đào thế, trong đó chủ yếu là đào cổ có giá trị kinh tế cao.

Ông Chân tiết lộ đã có lái buôn đặt mua 20 cây đào cổ, giá hơn 100 triệu đồng nhưng ông không bán. Các cây đào đẹp trong vườn ông Chân đều đã có chủ. Cũng ở xóm Quang Minh, dù chưa đến vụ thu hoạch nhưng vợ chồng anh Đức Lan đã thu về 57 triệu đồng nhờ bán tám cây đào thế.

Tại một số vườn khác của các ông Trung Vi, Ba Tuấn, Văn Minh, Trung Trực, đào thế bắt đầu được đưa lên chậu để đưa đi tiêu thụ. Ông Nguyễn Trung Trực, người trồng đào trên đất La Cả, nhận xét: “So về chất lượng thì đào năm nay hơn hẳn các năm. Cây đào nào thân cũng mập, tán to, có nhiều mắt nụ”. Theo ông Trực, đào La Cả năm nay sẽ qua mặt đào Nhật Tân cả về số lượng lẫn chất lượng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trung Sơn, phó chủ tịch UBND xã Dương Nội, khoe: “Đào La Cả ngày càng có uy tín trên thị trường; năm nay dân La Cả phấn đấu đạt cánh đồng 250 triệu đồng/ha”. Hiện tại, xã Dương Nội đang hoàn tất đường sá, mương máng; lập các đội dẫn đường, bảo vệ nhằm tạo điều kiện tốt đón khách về mua đào dịp giáp tết.

Theo Hoàng Diệp - Đỗ Triều
Báo Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm