Thi hành án dứt điểm những vụ lớn, phức tạp liên quan đến ngân hàng

Thế Kha

(Dân trí) - Tổng cục Thi hành án dân sự yêu cầu thi hành dứt điểm những vụ việc có điều kiện, nhất là những đơn vị có nhiều vụ việc lớn, phức tạp liên quan đến Agribank, Vietcombank, VPBank, BIDV, Vietinbank.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) vừa ký ban hành kế hoạch công tác năm 2024 của Tổ công tác chỉ đạo xử lý các vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng (Tổ xử lý nợ xấu).

Tổ xử lý nợ xấu có trách nhiệm phối hợp với Vụ Pháp chế (Ngân hàng Nhà nước), Hiệp hội Ngân hàng tổ chức tọa đàm, đối thoại giữa các cơ quan thi hành án với tổ chức tín dụng, Công ty quản lý tài sản (VAMC) để trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các vụ việc thi hành án tín dụng, ngân hàng.

Trong đó, tập trung rà soát, tổng hợp các vụ việc trên cơ sở thông báo kết luận kiểm tra các năm 2022, 2023 hoặc đề nghị của Hiệp hội Ngân hàng, các tổ chức tín dụng, VAMC.

"Phối hợp chỉ đạo tổ chức thi hành dứt điểm đối với những vụ việc có điều kiện, nhất là những đơn vị có nhiều vụ việc lớn, phức tạp liên quan đến các tổ chức tín dụng như Agribank, Vietcombank, VPBank, BIDV, Vietinbank", lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự nêu rõ.

Thi hành án dứt điểm những vụ lớn, phức tạp liên quan đến ngân hàng - 1

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp (Ảnh: Thế Kha).

Tổ xử lý nợ xấu có trách nhiệm kiểm tra, phúc tra, đôn đốc thi hành án tại một số địa phương có số lượng việc/số tiền phải thi hành lớn, tỷ lệ thi hành án thấp để kịp thời chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ. Dự kiến sẽ thực hiện việc này tại Cục Thi hành án dân sự TPHCM, Hà Nội, Kiên Giang.

Để đảm bảo mục tiêu đề ra, Tổng cục Thi hành án dân sự cũng vừa có công văn yêu cầu Cục trưởng Thi hành án dân sự các địa phương đôn đốc, chỉ đạo chấp hành viên tập trung rà soát kỹ những vụ việc còn tồn đọng, liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm và xây dựng kế hoạch chi tiết, các giải pháp cụ thể để giải quyết dứt điểm.

Cơ quan thi hành án phân công lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm về tiến độ và kết quả thi hành án với những vụ việc phức tạp, có giá trị lớn; những vụ việc trên 3 năm chưa thi hành xong.

Với những vụ việc chậm thi hành án do nguyên nhân chủ quan của cá nhân, Tổng cục Thi hành án dân sự yêu cầu nghiêm túc chấn chỉnh, xem xét trách nhiệm.

Những trường hợp có khó khăn, vướng mắc, địa phương phải kịp thời chỉ đạo tháo gỡ hoặc báo cáo xin ý kiến cơ quan cấp trên hoặc báo cáo Tổng cục Thi hành án dân sự để lập đoàn kiểm tra đột xuất.

40 người thuộc diện tinh giản biên chế năm 2024

Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết đã báo cáo lãnh đạo Bộ Tư pháp phê duyệt tinh giản biên chế với 39 trường hợp trong năm 2023 (34 người về hưu trước tuổi và 5 trường hợp thôi việc ngay).

Việc xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế đã được cơ quan này đảm bảo đúng nguyên tắc tinh giản tối thiểu 5% trên tỷ lệ biên chế giao đảm bảo đến năm 2026. 

Năm 2024, hệ thống thi hành án dân sự dự kiến thực hiện tinh giản biên chế đối với 40 trường hợp; đồng thời thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy và nâng cao chất lượng cho hệ thống phát triển bền vững, ổn định.