1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Không được có tư tưởng đủng đỉnh, xả hơi, chậm tổ chức thi hành án

Thế Kha

(Dân trí) - Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái yêu cầu tuyệt đối không được có tư tưởng "đủng đỉnh", "xả hơi", chậm tổ chức thi hành án.

Ông Nguyễn Quang Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), nhấn mạnh yêu cầu đó với thủ trưởng các đơn vị, Cục trưởng Thi hành án dân sự địa phương trong triển khai công tác năm 2024.

Cơ quan thi hành án dân sự phải tiếp tục ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Không được có tư tưởng đủng đỉnh, xả hơi, chậm tổ chức thi hành án - 1

Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái (Ảnh: Lê Huy).

Triển khai thực hiện đầy đủ Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Thủ trưởng cơ quan thi hành án bảo đảm kiểm soát 100% vụ việc liên quan đến đấu giá tài sản; rà soát toàn bộ hồ sơ, quy trình thực hiện và nội dung được tuyên của bản án, quyết định.

"Nếu để xảy ra các sai phạm thì chấp hành viên, thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chịu trách nhiệm theo quy định", ông Thái nhấn mạnh.

Người đứng đầu Tổng cục Thi hành án dân sự yêu cầu xây dựng kế hoạch để tổ chức dứt điểm các vụ việc có điều kiện, đặc biệt các vụ có giá trị lớn, thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo và các khoản thu có liên quan đến tổ chức tín dụng có giá trị trên 20 tỷ đồng.

Kiến nghị xử lý trách nhiệm người phải thi hành án chậm thi hành án hành chính, không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ, không đúng bản án, quyết định của tòa án.

Đối với các hạn chế, yếu kém, sai phạm, tiêu cực được phát hiện trên địa bàn qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán hoặc những vấn đề mà báo chí phản ánh, Tổng cục Thi hành án dân sự đã yêu cầu chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, phòng ngừa vi phạm thì phải phân tích kỹ để rút ra bài học kinh nghiệm, bảo đảm không lặp lại.

Như Dân trí thông tin trước đó, 11 tháng qua toàn ngành thi hành án dân sự đã thi hành án xong trên 505.400 việc (tăng 33.550 việc so với cùng kỳ năm 2022) và thu hồi, xử lý số tiền trên 85.200 tỷ đồng (tăng trên 19.400 tỷ đồng so với cùng kỳ).