1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thi hành án dân sự Hà Nội vừa thu hồi gần 6.000 tỷ đồng

Thế Kha

(Dân trí) - Trong tổng số tiền có điều kiện thi hành án là 34.600 tỷ đồng, Cục Thi hành án dân sự Hà Nội đã thi hành xong gần 6.000 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2022.

Thông tin với Dân trí, lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự Hà Nội cho biết, 6 tháng qua tổng số việc phải thi hành án lên tới gần 41.000 việc, trong đó có điều kiện thi hành chỉ hơn 29.000 việc (71%), số chưa có điều kiện thi hành gần 11.500 việc…

Đến nay, các cơ quan thi hành án Hà Nội đã thi hành xong 14.400 việc, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong tổng số tiền có điều kiện thi hành án 34.600 tỷ đồng, Cục Thi hành án dân sự Hà Nội đã thi hành xong gần 6.000 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2022.

Đáng chú ý, cơ quan thi hành án Hà Nội đang phải tổ chức thi hành những vụ có số tiền khá lớn và đương sự có quyền lợi liên quan rất nhiều.

Trong đó, vụ Liên Kết Việt có tổng số tiền phải thi hành án trên 371 tỷ đồng, liên quan hơn 5.800 đương sự; vụ Lê Hòa Bình (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty 1-5) phải thi hành trên 208 tỷ đồng, liên quan đến 398 đương sự; vụ Châu Thị Thu Nga (cựu đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Housing Group) phải thi hành trên 242 tỷ đồng, liên quan đến 501 đương sự,..

Thi hành án dân sự Hà Nội vừa thu hồi gần 6.000 tỷ đồng - 1

Chi cục Thi hành án dân sự quận Hà Đông, Hà Nội phối hợp với cơ quan chức năng liên quan tổ chức cưỡng chế giao tài sản thi hành án tại phường Phú La (Ảnh: THA).

Việc phối hợp, kiểm sát của cơ quan có thẩm quyền đối với công tác thi hành án dân sự được thực hiện chủ yếu trong các hoạt động xử lý vật chứng các vụ án hình sự, thi hành phần án phí, hình phạt bổ sung là phạt tiền, vấn đề dân sự và biện pháp tư pháp khác trong vụ án hình sự.

Viện kiểm sát đã phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp trong xác minh điều kiện thi hành án của các đối tượng phải thi hành án để làm căn cứ miễn, giảm hoặc cưỡng chế thi hành án. Việc tổ chức cưỡng chế thi hành án khi người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án, có biểu hiện chống đối thi hành.

Theo lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự Hà Nội, việc phối hợp giữa thi hành án và viện kiểm sát, công an đã được nâng lên rất nhiều trong thời gian qua, đảm bảo tổ chức thi hành án an toàn, hiệu quả.

Cục Thi hành án dân sự Hà Nội cũng đã triển khai ký cam kết thực hiện các quy định về phòng chống tham nhũng, tiêu cực năm 2023 đối với toàn bộ cán bộ, công chức.

Thành ủy Hà Nội, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Thành ủy Hà Nội, UBND TP Hà Nội đã quan tâm, chỉ đạo ban hành nhiều văn bản về công tác nội chính, phòng chống tham nhũng và cải cách tư pháp. Đặc biệt, chỉ đạo cơ quan thi hành án dân sự tổ chức dứt điểm các bản án, quyết định của tòa án theo đúng pháp luật, các vụ khó khăn, phức tạp, còn vướng mắc.

Từ nay tới cuối năm 2023, cơ quan này sẽ tập trung thi hành hiệu quả những vụ án kinh tế, tham nhũng, đặc biệt vụ việc có chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, nhà nước và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng; vụ việc có điều kiện thi hành trên 1 năm chưa xong,…

"Chúng tôi sẽ thường xuyên, trực tiếp kiểm tra, giám sát chặt chẽ chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành án, nhất là khâu thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án", lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự Hà Nội cho hay.