1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Theo chân đội cứu hộ 116

(Dân trí) - 4h sáng ngày 5/10, tại tổng đài trung tâm cứu hộ: “Alô ! Cứu hộ 116 đó hả ?”... “Có một vụ tai nạn nghiêm trọng trên cầu Chương Dương, yêu cầu các anh đến phối hợp giải toả”. 15 phút sau, chiếc xe cẩu chuyên dụng cùng ê kíp cứu hộ lao đi trong ánh đèn vàng chớp nháy và còi hú liên hồi...

Một ngày mới của những “người lính” trong đội cứu hộ giao thông 116 thường bắt đầu như thế.

 

Dọc đường cứu hộ

 

Đỗ Văn Hùng nâng chiếc bình nhựa dính đầy dầu mỡ, bên trong còn lại 1/3 nước lọc, ngửa cổ tu một hơi dài rồi khoan khoái gạt những giọt mồ hôi đang lăn trên trán. Sau gần một tiếng đồng hồ vật lộn với chiếc xe đầu kéo quá khổ trên cây cầu chật hẹp, Hùng cùng ê kíp đã có phương án tối ưu để cẩu chiếc xe bị nạn ra khỏi khu vực nguy hiểm. Với Hùng, khoảnh khắc thư giãn thú vị nhất là sau khi tìm ra phương án tác chiến cho một tình huống cứu hộ khó khăn.

 

Sáng nay, anh em trong đội đã từng nghĩ đến phương án xấu nhất là “xẻ thịt” chiếc xe kéo rơ moóc ngay trên cầu Chương Dương. Do lực đâm quá mạnh, chiếc xe kéo sau khi va vào trụ cầu đã lao vào khoảng trống giữa hai trụ thép và mắc kẹt luôn tại đó, phần đầu xe bị xô lệch và biến dạng hoàn toàn. Sau khi dùng cách thông thường là móc vào đuôi xe kéo giật lùi nhưng không hiệu quả, tổ tác chiến đành lựa chọn phương án vừa cẩu nâng, vừa kéo để chuyển dần chiếc xe ra khỏi cây cầu huyết mạch ra vào Thủ đô.

 

Anh Bùi Xuân Duyên, đội trưởng đội cứu hộ trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ đạo tác chiến. Theo nhận định của anh Duyên, đây là một vụ tai nạn tuy không thiệt hại về người nhưng nếu khắc phục chậm trễ sẽ dẫn đến tắc đường trên diện rộng vì sắp đến giờ cao điểm, mọi người đều đến công sở. “Khó khăn nhất trong tình huống này là phải làm sao không để tắc nghẽn trên cầu. Chúng tôi một mặt tìm cách cứu hộ chiếc xe bị nạn, một mặt phải đảm bảo tối thiểu một luồng xe được ưu tiên qua cầu. Nhờ tinh thần luôn sẵn sàng trong mọi tình huống và có sự phối hợp đồng bộ nên chúng tôi đã lôi được chiếc xe kéo rơ moóc về nơi an toàn trước giờ cao điểm.” - Hùng tự hào kể.

 

3 giờ sáng 3/10, tôi đang ngon giấc bỗng chuông điện thoại réo lên, bên kia Hùng hỏi tỉnh khô: “Đi Sơn La chứ? Cứu hộ cả một xe tec 7 tấn chở dầu lao xuống khe vì trời mưa đường lầy, xe mất lái…”. Tôi tỉnh hẳn người, bật dậy như chiếc lò xo và quơ vội vài thứ cần thiết rồi lao ra ngõ. Chiếc xe cẩu gắn đèn chớp quét ánh sáng loang loáng trên mặt đường đã sẵn sàng xuất phát, cả “tiểu đội” nhằm quốc lộ 6 khẩn trương lên đường trong làn sương đêm đầu mùa thu đã bắt đầu dày đặc.

 

11 giờ trưa, chúng tôi đã tiếp cận được chiếc xe bị nạn. Một đoàn dài hàng chục chiếc xe tec hiệu BOMA đậu sát đuôi nhau ngay cạnh nơi “đồng đội” vừa rơi xuống. Chiếc xe tec chở dầu này là một trong hàng mấy chục xe chuyên cung cấp xăng dầu cho vùng Tây Bắc. Hôm qua chiếc xe này gặp nạn tại đây thì ngay sau đó hàng chục đồng đội không ai bảo ai đều tự động dừng lại chia sẻ cùng anh tài xế bị nạn. Một quang cảnh cảm động hiếm gặp ở địa bàn miền xuôi.

 

Chiếc xe bị nạn sau khi mất lái đã từ từ trôi xuống khe nước bên quốc lộ 6 và đổ nghiêng sang phải. Thùng tec chứa hơn 9000 lít dầu diesel mặc dù đã khóa an toàn nhưng vẫn bắt đầu rỉ dầu xuống khe nước. Tổ cứu hộ có 3 người sau khi quan sát kỹ hiện trường đã phác thảo nhanh phương án vừa cẩu nâng vừa dùng xe kéo giữ để cân bằng lực, tránh tình trạng xe tuột trở lại khe. Đội trưởng Duyên gương mặt căng thẳng thật sự. Tôi đoán chắc có vấn đề. Sau 3 lần đặt móc cẩu lên nắp tec dầu anh Duyên lại hạ xuống. Phương án 1 thất bại.

 

Theo chân đội cứu hộ 116 - 1

Một cuộc cứu hộ tai nạn ở Hà Nội.

Trời giữa trưa càng nắng gắt, khuôn mặt những người lính cứu hộ đỏ gay, mồ hôi đầm đìa. Hùng và Trần Văn Minh - tài xế xe ben mới về đầu quân tổ cứu hộ đề xuất với đội trưởng Duyên: Cẩu nâng phần đuôi, vừa cẩu vừa kéo dần chiếc xe lên. Phương án 2 được chấp nhận. Ba người lại tiếp tục buộc lại xích, thay đổi tư thế bàn đạp chiếc cẩu. Chiếc xe cứu hộ rú mạnh ga, 3 sợi cáp căng như dây đàn, chiếc xe tec bắt đầu dịch chuyển.

 

Những thanh niên người Mông đứng trên đồi lúc này bắt đầu hò reo cỗ vũ. Bỗng, chiếc xe tec khựng lại, đằng kia chiếc xe BOMA kéo hỗ trợ đã đứt xích, xe suýt lao trở về vị trí cũ. Tổ cứu hộ lại họp phương án mới: lật lại chiếc xe theo phương án cẩu nâng. Lại thay đổi vị trí, lại tiếp túc kéo, nâng... Hơn 2 tiếng đồng hồ căng thẳng cuối cùng chiếc xe tec chở dầu đã nằm an toàn bên lề đường quốc lộ 6.

 

Từ ca bin điều khiển nhảy vội xuống đường, anh Duyên cười rạng rỡ: “Nếu đứng giữa đường để kéo, chúng tôi đã có thể hoàn thành nhanh gấp đôi cách này. Tuy nhiên, nếu để quốc lộ 6 bị ách tắc trong khoảng một vài giờ thì chưa biết điều gì sẽ xảy ra”. Thắc mắc của nhiều người chứng kiến vụ cứu hộ này dường như đã được giải tỏa sau câu nói của anh Duyên.

 

Đã mang lấy nghiệp vào thân...

 

Nghề làm cứu hộ giao thông, theo cách nói của anh Duyên, nó là cái nghiệp. Khi đã trót mang lấy cái nghiệp này nó trở thành niềm đam mê. Ý tưởng về một đội cứu hộ giao thông đã được manh nha từ niềm đam mê đó. Anh Duyên nhớ lại, vào khoảng năm 2000 thị trường xe ô tô miền bắc không sôi động như bây giờ, chủ yếu là xe tải. Anh là dân kỹ thuật, có xưởng sửa chữa ô tô nên rất am hiểu về các loại xe. Anh nảy ra ý tưởng thành lập đội cứu hộ ô tô để giúp những vị khách của mình nếu chẳng may họ gặp sự cố. Thế rồi cái tên đội cứu hộ 116 ra đời và dần dần đi vào tâm trí của những người cầm vô lăng nếu chẳng may họ gặp sự cố.

 

“Nghề này đòi hỏi người làm cứu hộ phải có những hiểu biết nhất định về ô tô và phải có lòng đam mê. Nó cũng là nghề nguy hiểm.” - anh Duyên nói. Những sự cố bất thường trong quá trình tác nghiệp luôn đòi hỏi người làm cứu hộ phải cẩn thận từng ly từng tý. Anh Duyên giải thích, nghề này không chỉ đòi hỏi người lính cứu hộ phải biết lái ô tô mà phải hiểu cặn kẽ nhiều loại xe khác nhau.

 

Chẳng hạn, nếu là xe tải, xe kéo thì phải nắm chắc nguyên tắc truyền động lực của loại xe này chủ yếu là cơ học. Khi cứu hộ phải biết xả lốc, tháo phanh hoặc tháo cầu. Ngược lại, nếu gặp một chiếc xe hơi đời mới, người làm cứu hộ phải có cách ứng xử khác. Loại xe này rất hiện đại, chủ yếu là điều khiển điện tử, số tự động, vì vậy người làm cứu hộ phải có kiến thức về lĩnh vực này. Khi cứu hộ xe ngập nước, ưu tiên hàng đầu phải là cách điện, hạn chế tối đa sự chập điện gây hư hỏng các thiết bị khác.

 

Theo chân đội cứu hộ 116 - 2

Tùy vào từng loại xe mà có những cách xử lý khác nhau, kiến thức chủ yếu lấy từ kinh nghiệm thực tế.

 

Nói về nghề, anh Duyên bỗng trở nên sinh động hẳn, khác với vẻ điềm tĩnh thường ngày “rất 116”. Anh càng nói càng hấp dẫn khiến người nghe quên bẵng ngoài trời đang mưa giông rất to. Bỗng nhiên, chiếc điện thoại đường dây nóng của anh réo chuông liên hồi: “Ngập nước hả ?”... “Sẽ đến ngay, chờ 15 phút nhé”... Trong bãi đỗ 105 Trường Chinh, tiếng còi hú đã bắt đầu rú lên, ánh đèn chớp loang loáng và những chiếc xe cứu hộ lại lên đường làm nhiệm vụ.

 

Trần Đức