1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thêm biện pháp ngăn chặn trước khi khởi tố bị can tham nhũng

(Dân trí) - Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định, cho phép cơ quan điều tra áp dụng biện pháp ngăn chặn cần thiết và biện pháp nghiệp vụ trinh sát trước khi khởi tố bị can về các tội tham nhũng, giống như đối với tội phạm ma túy, tội phạm an ninh quốc gia.

Trả lời chất vấn của cử tri các tỉnh Phú Yên, Lâm Đồng và Quảng Ngãi về việc công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng chưa đạt kết quả cao, lãnh đạo Bộ Công an thừa nhận, kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân. Tình hình tội phạm tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, nhất là trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai và trong các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước, như vụ Vinashin, Vinalines...

Bộ Công an phân trần nhiều khó khăn, vướng mắc đối với cơ quan điều tra trong việc phòng chống tham nhũng. Những “người trong ngành” đánh giá, các vụ án tham nhũng rất phức tạp, liên quan đến chủ thể là những người có chức vụ, quyền hạn, phương thức thủ đoạn phạm tội rất tinh vi. Cán bộ “dính chàm” lại thường có mối quan hệ xã hội rộng, có kiến thức chống lại các biện pháp phát hiện, đấu tranh của các cơ quan bảo vệ pháp luật nên việc phát hiện, điều tra, xử lý rất khó khăn, phải thực hiện rất thận trọng.

“Các vụ án tham nhũng được khởi tố chủ yếu từ công tác nắm tình hình và xác minh của cơ quan điều tra. Cơ quan giám sát, cơ quan quản lý cấp trên, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp Nhà nước đều không tự mình phát hiện được vụ tham nhũng lớn nào chuyển cơ quan điều tra” – văn bản trả lời chất vấn của cử tri nêu rõ.

Ngoài ra, Bộ Công an cũng than khó trong việc điều tra các vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài gặp nhiều khó khăn vì Việt Nam chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp với nhiều quốc gia, do đó công tác điều tra chủ yếu dựa trên quan hệ có đi có lại giữa các cơ quan tư pháp các nước. Việc ủy thác điều tra và tiếp nhận kết quả ủy thác điều tra phải phụ thuộc vào nước ngoài nên công tác điều tra bị kéo dài.

Một nguyên nhân khách quan khác, Bộ Công an cho rằng hệ thống các quy định pháp luật hình sự về xử lý tội phạm tham nhũng còn thiếu và chưa đồng bộ, không thống nhất, nhất là các hướng dẫn của các cơ quan chức năng, từ đó dẫn đến cách hiểu và vận dụng khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.

Từ đó, Bộ Công an cho biết sẽ tham mưu, đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội, UB Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm tham nhũng.

Trước mắt, Bộ Công an tập trung nghiên cứu sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự, Luật phòng, chống tham nhũng theo hướng cho phép Cơ quan điều tra được tiến hành các biện pháp ngăn chặn cần thiết và các biện pháp nghiệp vụ trinh sát khi có tài liệu đối tượng tham nhũng trước khi khởi tố bị can như trong đấu tranh với các tội xâm phạm an ninh quốc gia và tội phạm về ma túy.
 
Thêm biện pháp ngăn chặn trước khi khởi tố bị can tham nhũng
Ngăn chặn tội phạm bỏ trốn trước khi khởi tố như trường hợp Dương Chí Dũng là yêu cầu cấp thiết đặt ra. (Ảnh minh họa)
 

Trực tiếp hơn, cơ quan này “hứa” sớm ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng quy định các tội phạm tham nhũng thể hiện trong Bộ Luật hình sự 1999. Nhiều nội dung khác vẫn chờ văn bản dưới luật như việc lượng hoá cụ thể các tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; hướng dẫn áp dụng các tình tiết dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm, lợi ích vật chất khác, số lượng lớn, giá trị lớn, tư lợi hoặc động cơ cá nhân khác; xác định hành vi phạm tội của các tội phạm xâm phạm tài sản trong các doanh nghiệp có cổ phần của Nhà nước.

Ngoài ra, Bộ Công an đề xuất nghiên cứu sửa đổi Điều 7 Luật Báo chí theo hướng quy định ngoài Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND, ngay cả Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp cũng có quyền yêu cầu cơ quan báo chí cung cấp nguồn tin đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Điều 7 luật Báo chí hiện hành quy định phóng viên, nhà báo và cơ quan báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng VKSND hoặc Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng” (chỉ được truy nguồn tin để phục vụ việc truy tố, xét xử một vụ án hình sự có tội danh rơi vào khung hình phạt từ 7 năm tù trở lên).

Việc đề xuất “nới” hơn quyền truy vấn nguồn tin của báo chí đã từng gây tranh luận khi Quốc hội bàn thảo việc sửa luật Phòng Chống tham nhũng trong năm 2012.

Khi đó, có rất nhiều ý kiến “can gián” hướng nới quyền cho cả cơ quan điều  tra, thanh tra, kiểm tra Đảng… được truy vấn nguồn tin của báo chí với cảnh báo việc này có khả năng dẫn tới nguy cơ tiết lộ danh tính và thông tin cá nhân của người tố cáo tham nhũng, có thể gây nguy hiểm, đe dọa đến sự an toàn cho người tố cáo.

Nhiều chuyên gia cũng lên tiếng cho rằng, nguyên tắc báo chí không tiết lộ nguồn tin là quy định phổ biến trên toàn thế giới. Bảo vệ nguồn tin là pháp lý, đạo lý nghề nghiệp. “Nới” quy định như vậy có khả năng làm phóng viên, nhà báo bị buộc phải vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp, gây khó khăn cho hoạt động báo chí, đồng thời gây lo lắng, bất an, nhụt chí cho người tố cáo.

Từ những tranh luận gay gắt đó, cơ quan soạn thảo luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi (Thanh tra Chính phủ) đã rút lại đề xuất thay đổi này, giữ nguyên quy định hiện hành. Theo đó, vẫn chỉ có Viện trưởng VKSND và Chánh án TAND có quyền yêu cầu phóng viên, nhà báo, cơ quan báo chí tiết lộ nguồn tin phục vụ việc điều tra xét xử tội phạm tham nhũng nghiêm trọng.

P.Thảo