Ý kiến đại biểu Quốc hội:
Thất thoát vốn ODA, phải làm rõ trách nhiệm 2 bộ
(Dân trí) - Đó là Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính. “Tôi không tán thành ý kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho rằng sai phạm xảy ra về quản lý vốn ODA vừa qua là trách nhiệm của tập thể Chính phủ”, đại biểu Tào Hữu Phùng (Hà Tây) bức xúc.
Phiên thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm (2006-2010) và việc quản lý, phân bổ, sử dụng các nguồn vốn lớn, đặc biệt là vốn ODA, đã nhận được rất nhiều kiến nghị của các đại biểu.
Chắc chắn không chỉ có một Bùi Tiến Dũng
Đề cập đến việc thất thoát tại những dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách và vốn ODA, đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn khẳng định: “Chắc chắn nước ta không chỉ có một Bùi Tiến Dũng (TGĐ PMU18), tôi được phản ảnh có dự án thất thoát lên đến 50% chưa kể những lãng phí trong quá trình xây dựng”. Chỉ ra sự nguy hiểm của quốc nạn này, ông Ngoạn bức xúc: “Thất thoát, tham nhũng trong đầu tư cơ bản là nguy hiểm nhất trong những loại tham nhũng”.
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đồng tình: “Hình như chúng ta vẫn coi tham nhũng là căn bệnh ngoài da, nhưng thực tế, nó đã là căn bệnh bên trong, là bệnh ung thư rất nguy hiểm”.
Không đồng tình với đánh giá của Chính phủ về tình hình tham nhũng và những biện pháp phòng chống tham nhũng, ông Thuyết nói: “Báo cáo của Chính phủ chỉ dành vỏn vẹn có mười chữ đánh giá về tham nhũng “Quan liêu, tham nhũng chưa bị đẩy lùi…”, biện pháp vẫn chỉ là “chúng ta cần, chúng ta sẽ…”. ông Thuyết đề nghị: Chính phủ phải xin lỗi nhân dân để thêm quyết tâm bài trừ tham nhũng vì từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đến nay, chưa bao giờ có những vụ án nghiêm trọng như vậy.
Còn đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hoá) cho rằng, tất cả là do con người, con người đẻ ra cơ chế, thực hiện cơ chế. Tuy nhiên, việc lựa chọn, đề bạt cán bộ còn lỏng lẻo, chưa nói đến chuyện chạy chức, chạy quyền nên chất lượng cán bộ thấp. “Chẳng nói đâu xa, ngay ở quê tôi, chức trưởng thôn được phụ cấp trên dưới 100.000đ/tháng thế mà cử tri phản ảnh ở một số nơi vẫn có chuyện chạy”, ông Cuông ngao ngán.
Ông Cuông đề nghị đã đến lúc phải có qui định về đề bạt cán bộ, công khai việc bổ nhiệm, đề bạt. Ứng viên ra tranh cử phải có đối thoại, có chương trình hành động… như vậy mới tìm được người tài, khắc phục tình trạng cán bộ không có đủ tài, đủ đức mà vẫn được cất nhắc, đề bạt.
Theo đại biểu Cuông, cần công khai minh bạch nguồn vốn vay ODA, như đã công khai ngân sách quốc gia, nếu không sẽ dẫn đến hoạt động ngầm, làm mục ruỗng bộ máy nhà nước.
Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến một số vụ án lớn ở Bộ GTVT, Bộ NN&PTNT, ông Cuông cho rằng, chúng ta chưa kiên quyết thực hiện cơ chế tách việc quản lý nhà nước và quản lý sản xuất kinh doanh, các bộ ngành vẫn can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh, coi những ban này như là sân sau của cán bộ sử dụng ngân sách.
Trách nhiệm Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài Chính không nhỏ
“Tôi không tán thành ý kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư cho rằng sai phạm về quản lý vốn ODA vừa qua là trách nhiệm của tập thể Chính phủ”, đại biểu Tào Hữu Phùng (Hà Tây) phát biểu, ông cho rằng đây là trách nhiệm cụ thể của thành viên Chính phủ, của người đứng đầu những bộ, ngành có liên quan trực tiếp đến việc quản lý vốn ODA. Ông cũng đề nghị QH cần dành nhiều thời gian cho việc này.
Ông Phùng trích dẫn những điều khoản của Nghị định số 17 nêu rõ: "Bộ Kế hoạch Đầu tư là cơ quan đầu mối, chủ trì nguồn vốn ODA, trong đó có qui định 10 nhiệm vụ của Bộ trong việc quản lý vốn ODA. Luật Ngân sách nhà nước năm 2002 cũng qui định trách nhiệm của Bộ Kế hoạch Đầu tư. “Chính vì vậy, vai trò và trách nhiệm của Bộ Kế hoạch Đầu tư là rất lớn trong vấn đề này”, ông Phùng khẳng định.
Ông Phùng cũng cho rằng, trách nhiệm của Bộ Tài chính là không nhỏ: “Qui trình kiểm soát vốn ODA của Bộ Tài chính là rất chặt chẽ nhưng trên thực tế, việc chỉ đạo, kiểm tra lại thiếu chặt chẽ nên không phát hiện và ngăn chặn kịp thời những sai phạm, tham nhũng”, ông kết luận.
Đức Hoà