Bình Định:
Thắt lòng nghe dân nghèo kể cuộc vật lộn với 3 trận lũ dồn dập
(Dân trí) - Hoang tàn, đổ nát và cả chết chóc đã gây bao tang thương cho nhiều vùng quê nghèo tỉnh Bình Định. Người dân nơi đây đang phải gánh chịu những mất mát quá lớn sau 3 trận lũ liên tiếp.
Vô vọng tìm con trong lũ
Đã hơn tuần trôi qua kể từ ngày em Trần Thị Lệ Thuỷ (15 tuổi, học sinh trường THCS Võ Xán) bị lũ cuốn trôi mất tích từ chiều 30/11, đến nay, vợ chồng bà Nguyễn Thị Bước vẫn chưa tìm thấy tung tích con gái ở đâu. Dù gia đình đã lập bàn thờ cho đứa con gái xấu số nhưng gia đình bà Bước vẫn hi vọng một điều kỳ diệu sẽ xảy ra.
Trong ngôi nhà lạnh tạnh, khói nhang nghi ngút trên bàn thờ để sẵn bài vị của Thủy, bà Bước nghẹn ngào: “Nghe tin con bị lũ cuốn trôi, chân tay run như muốn quỵ xuống tôi lao ra phía bờ sông nhờ người tìm kiếm nhưng vô vọng. Cả tuần nay, gia đình tìm kiếm khắp nơi, cứ nghe ở đầu phát hiện người chết do lũ là liền tìm đến nhưng không phải”.
Người dân cho biết, hôm xảy ra vụ việc, nước sông Kôn cuồn cuộn đổ về chảy xiết, em Thủy ra cầu vớt củi thì chẳng may trượt ngã xuống sông bị lũ cuốn trôi mất tích.
Không khí tang thương bao trùm ngôi nhà ông Phạm Học (74 tuổi, ở thôn Vĩnh Thành, xã Cát Tài, huyện Phù Cát, Bình Định). Từ hôm chị Phạm Thị Hoa (43 tuổi, con gái ông Học) qua đời vì lũ, gia cảnh càng thêm điêu tàn, hoang vắng. Trong căn nhà cấp 4 xây dựng gần 30 năm nay, ông Học và đứa cháu Nguyễn Thị Hồng Mai (9 tuổi, học lớp 4 Trường Tiểu học Cát Tài, con chị Hoa) ngồi thẫn thờ nhìn di ảnh chị Hoa mà rơi nước mắt.
Ông Học nghẹn ngào kể: “Chồng bỏ gần 8 năm nay nên con Hoa và con gái về sống với vợ chồng tôi. Cả nhà nương nhờ nhau vào vài sào ruộng nên cuộc sống khó khăn lắm. Hôm lũ về, con gái tui đi ra đồng câu ếch kiếm thêm thu nhập thì bị lũ cuốn trôi. Mấy năm nay, vợ chồng tui và cháu Mai sống nhờ sức lao động của con gái. Bây giờ nó chết rồi, không biết tôi có nuôi nổi cháu Mai ăn học nên người được không nữa”.
Mưa lũ cũng cướp đi người chồng của cô giáo Tạ Thị Hồng (đang là giáo viên Trường Tiểu học số 1 xã Cát Khánh, huyện Phù Cát). Từ ngày chồng mất, đã hơn 1 tuần nay, cô Hồng phải xin nghỉ dạy để lo tang ma. Giọt nước mắt chảy ngược, cô Hồng suy sụp khi nói về sự ra đi đột ngột của chồng là anh Lê Hồng Phong (33 tuổi): “Trưa 2/12, ảnh đi thả lưới ở ven đầm Đề Gi mãi đến chiều tối không thấy về nên gia đình đi tìm nhưng không thấy. Sáng hôm sau, người dân địa phương phát hiện thi thể chồng tôi nổi đầm Đề Gi. Nghe tin, tim tôi như chết lặng không muốn tin đó là sự thật”.
Lũ giật sập nhà
Liên tiếp 1 tuần qua, lũ lụt dồn dập tấn công làng quê Bình Định, biết bao cái chết thương tâm, nhà cửa đổ sập… là nỗi ám ảnh với người dân vùng lũ Bình Định. Tại vùng rốn lũ huyện Tuy Phước, phải trải qua 3 trận lũ liên tiếp khiến người dân nơi đây hầu như kiệt sức, bao nhiều gia đình phải chịu cảnh “màn trời chiếu đất”.
Khập khiễng với một bên chân giả, người phụ nữ góa phụ Lưu Thị Phúc (58 tuổi, thôn Liêm Thuận, xã Phước Thuận) vẫn đang cố gắng thu lượm những gì còn sót lại trong căn nhà vụn nát vì lũ. Ngôi nhà cấp 4 xây dựng đã gần 20 là nơi che nắng mưa của bà và mẹ già 92 tuổi chỉ trong chốc lát trở thành đống đổ nát.
Bà Phúc bàng hoàng kể: “Đêm đó mưa lớn kèm gió giật mạnh, căn nhà rung chuyển, tôi và mẹ già 92 tuổi nằm mà cứ run. Gió mỗi lúc mỗi mạnh, căn nhà rung lắc. Trong bụng nghĩ "nhà sập rồi!", tôi kéo mẹ lên nhà con em gái cho an toàn. Khi hai mẹ con vừa bước ra khỏi nhà thì bức tường đổ sập xuống. Nếu hôm đó mà chần chừ thì giờ hai mẹ con đi gặp ông bà tổ tiên rồi”.
Cách đó không xa, căn nhà cấp 4 của ông Ngô Văn Dư (54 tuổi, thôn Liêm Thuận) xây chưa kịp tô xi măng cũng bị lũ san bằng. Vợ mất cách đây 12 năm vì bệnh tim, một mình ông cảnh gà trống nuôi 4 người con ăn học. Với nghề thợ hồ cực khổ, lương bấp bênh nên ông chẳng dư dả để sửa lại căn nhà cho vững chắc.
“Tối 3/12, tôi cùng con gái đang ngủ trong nhà thì nhà bỗng rung chuyển, mái nhà sập xuống nhưng may mắn hai cha con thoát chết. Đêm đó trời to tầm tã, nước mưa phả vào nhà bếp nên hai cha con phải mặc áo mưa co ro cả đêm ngoài trời. Nhìn thấy con nhỏ lúc đó mà ruột đau như cắt, đã nghèo lại gặp cái eo” - ông Dư than.
Ông Trương Đình Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận, cho biết: “Chưa bao giờ gặp cảnh phải chống chọi với 3 cơn lũ lớn chỉ trong vòng hơn 1 tháng. Nhà cửa bị sập, hoa màu bị hư hỏng, nhiều đìa tôm cuốn trôi theo lũ. Sau lũ, địa phương đang khẩn trương khắc phục hậu quả, ổn định đời sông nhân dân. Tuy nhiên, địa phương cũng tất lo sau lũ dân sẽ đói nặng, vì cứ hứng lũ mãi thế này, sức dân có khỏe đến đâu cũng kiệt quệ”.
Theo Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Bình Định, đợt lũ từ ngày 5 đến 10/12, toàn tỉnh có 7 người chết, 1 người mất tích.
1. Nguyễn Thị Thúy Nhuyên (11 tuổi, ở thôn Nhân Ân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước), trên đường đi học về qua tràn hạ thế trên cầu Ông Vịnh, bị nước lũ cuốn trôi lúc 9h ngày 6/12.
2. Nguyễn Thị Ảnh (55 tuổi, ở thôn Hy Thế, xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn) bị đuối nước lúc 18h ngày 6/12 do dòng suối sau vườn nhà dâng cao.
3. Nguyễn Thị Phúc (25 tuổi, ở thôn Thanh Quang xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước), đi làm về lội qua tràn Tư Cung xã Phước Thắng bị nước cuốn trôi khoảng ngày 1 - 3/12, đến 7h ngày 8/12 tìm thấy thi thể.
4. Trần Đức Thắng (13 tuổi, ở thôn Thuận Thái, xã Nhơn An, thị xã An Nhơn) đi học về trưa ngày 8/12 bị trượt chân té tại bờ tràn Thuận Thái.
5. Đào Minh Tài (13 tuổi, thôn Thanh Liêm, xã Nhơn An) đi học về trưa ngày 8/12 bị trượt chân té tại bờ tràn Thuận Thái.
6. Nguyễn Thị Mỹ Lệ (40 tuổi, ở thôn Chánh Khoan Nam, xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ) bị đuối nước lúc 7h ngày 8/12 do lốc xoáy úp ghe.
7. Đinh H Rát (25 tuổi, làng K2, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh). Trên đường đi làm về qua hồ thủy điện Vĩnh Sơn A bị đuối nước.
Như vậy, tính từ đợt lũ ngày 29/11 đến nay, Bình Định đã có 14 người chết, mất tích - số người chết, mất tích nhiều kỷ lục trong vòng 20 năm qua ở tỉnh này.
Doãn Công