1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ngày Gia đình Việt Nam 28/6:

Thật hạnh phúc khi ta có gia đình

“Xuống đây chơi với mình/Hỡi con chim mất cha, mất mẹ”. Bài thơ này đã được trao giải nhất trong cuộc thi thơ toàn Nhật Bản, dành cho thể thơ 2 câu. Hai câu thơ lay động tận đáy tâm hồn người đọc vì nỗi khao khát gia đình.

 
Thật hạnh phúc khi ta có gia đình  - 1

Hạnh phúc gia đình. (Ảnh minh họa)
 
Giọt nước mắt gia đình

 

Ngay sau khi em Nguyễn Văn Đạt, học sinh lớp 10A9 Trường THPT Cổ Loa, bị bạn đánh chết trước cổng trường trong ngày bế giảng, một bạn đọc nhỏ tuổi đã cho tôi: "Đọc tin Nguyễn Văn Đạt bị đánh chết, in trên báo, cháu đã bật khóc. Cháu thương bạn ấy quá. Hình như bạn ấy mồ côi cha mẹ. Cháu cũng mồ côi cha mẹ. Ngày khai trường và ngày bế giảng bố mẹ thường cùng các con đến trường, chỉ cháu là không có ai đến cả. Con mồ côi thui thủi một mình, ngay cả trong lễ bế giảng. Và cũng chỉ con mồ côi mới bị đánh chết thương tâm như thế”.

 

Mấy lời của bạn đọc nhỏ tuổi này đã buộc tôi phải đến xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội để tìm hiểu thêm về Đạt. Hóa ra Đạt không mồ côi mà còn cả hai bố mẹ. Nhưng bốn ngày trước, bố Đạt bị tai biến mạch máu não và phải vào viện cấp cứu. Còn mẹ Đạt thì mấy năm nay bị chứng tâm thần phân liệt, lúc nhớ, lúc quên, lúc khôn, lúc dại. Trong bệnh viện, bố Nguyễn Văn Đạt nói: "Nếu tôi không bị tai biến thì hôm đó con trai tôi không bị chết". Hai dòng nước mắt của bố Đạt lặng lẽ trào ra, ướt thẫm cả áo gối.

 

Một lần đi ăn phở sáng, thấy phở ngon, tôi mua thêm một bát mang về nhà. Người đàn ông ngồi cùng bàn với tôi hỏi: "Bác mua về cho bác gái phải không?" Tôi gật đầu. Người đàn ông kia nói tiếp: "Bác là người hạnh phúc, còn có vợ để mang quà về là rất hạnh phúc. Tôi giờ có miếng ngon cũng chỉ ngồi nuốt một mình. Nhà tôi mất rồi! Có nhà, có con mà không có vợ nữa thì cũng không phải là gia đình. Vợ mất tôi thành đứa mồ côi”. Một giọt nước to trong vắt trào ra từ khoé mắt người đàn ông ấy.

 

Thật hạnh phúc khi chúng ta có gia đình. Và thông minh nhất, khôn ngoan nhất là những người biết gìn giữ niềm hạnh phúc đó.

Cái tổ chim không có giữa bầu trời

  

Tôi mồ côi bố năm 3 tuổi. Mẹ tôi ở vậy, lam lũ nuôi tôi lớn khôn. Những buổi hoàng hôn ra đứng đầu làng ngóng mẹ, tôi thường bắt gặp những cánh chim chiều mải miết bay về tổ. Loài chim rất yêu bầu trời bao la nhưng nó cũng biết cái tổ của nó không có giữa bầu trời. Còn con người thì quá biết sự vô giá của tổ ấm gia đình. Nhà giáo dục học nổi tiếng người Mỹ - Tiến sĩ Dan Davenpor viết rằng: "Tình trạng gia đình ảnh hưởng đến sự thành công trong tương lai của con cái nhiều hơn bất cứ yếu tố nào khác, kể cả chủng tộc, thu nhập và học vấn của cha mẹ". Nhà khoa học này đã đi điều tra về tình trạng những đứa trẻ bị tan vỡ gia đình trong toàn nước Mỹ và cho chúng ta một bản thống kê ai đọc cũng giật mình. Những đứa trẻ trong các gia đình bị tan vỡ tự tử nhiều gấp 5 lần, bỏ nhà đi lang thang gấp 32 lần, bị đưa vào viện tâm thần nhiều gấp 9 lần, vào tù nhiều gấp 10 lần...

 

Tất cả mọi vĩ nhân, mọi anh hùng đều được sinh ra và lớn lên trong cái nôi gia đình. Gia đình tồn giữ đạo lý muôn đời. Gia đình là nơi mỗi chúng ta còn mãi, kể cả khi chúng ta không còn tồn tại trên dương thế.

 

Vô cùng trân trọng những ông bố, những bà mẹ cuối ngày tất bật đến trường đón con, để trẻ thơ không bị mặc cảm mồ côi. Đưa đón trẻ là một công việc mang đậm dấu ấn tâm hồn mà những người lái xe ôm và các ô sin không thể thay thế được.

 

Vô cùng trân trọng những con người biết gìn giữ mái ấm gia đình như giữ con ngươi của mắt mình, biết sống cho nhau, sống vì nhau và sống xứng đáng với nhau. Chỉ cần ích kỷ thêm một chút, ít bao dung độ lượng một chút là gia đình có thể bị tan vỡ và đó là tai hoạ lớn nhất của mỗi cuộc đời.

 

BỨC TRANH GIA ĐÌNH VIỆT NAM QUA CÁC CON SỐ

 

Công việc của người vợ và chồng khi kết hôn:


+ Lao động kỹ thuật: chồng: 25,7%; vợ: 20,8%
+ Lao động giản đơn: chồng: 57,4%; vợ: 73,6%
+ Nhân viên văn phòng/ dịch vụ: chồng: 3,3%; vợ: 4,1%
+ Không làm việc: chồng: 2,5%;  vợ: 6,9%


Nơi ở của các cặp vợ chồng sau khi kết hôn:


+ Sống riêng hoàn toàn: 23,7%
+ Ở chung với gia đình chồng nhưng ăn riêng: 1,3%
+ Ở chung, ăn chung với gia đình chồng: 64,8%
+ Ở chung với gia đình vợ nhưng ăn riêng: 0,6%
+ Ở chung, ăn chung với gia đình vợ: 8,4%
Các hình thức khác: 1,1%

 

Ly hôn:


+  Vợ đứng đơn ly hôn: 47%
+ Chồng đứng đơn ly hôn: 28,1%
+ Cả hai vợ chồng cùng đứng đơn: 13%

 

Nhóm tuổi càng cao, số lần kết hôn  càng nhiều:

 

Nữ kết hôn lần 2                               Namkết hôn lần 2
       + Nhóm tuổi 18-30:  0,8%         + Nhóm tuổi từ 18-30: 0,7%
       + Nhóm tuổi 51-60: 4,8%          + Nhóm tuổi 51-60: 5,6% 

 

Nguyên nhân ly hôn:


+ Mâu thuẫn về lối sống: 27,7%
+ Ngoại tình: 25,9%
+ Kinh tế: 13%
+ Bạo lực gia đình: 6,7%
+ Lý do sức khoẻ: 2,2%
+ Xa nhau lâu ngày: 1,3%


42.5% dân số là hộ độc thân (người từ 40 tuổi (nữ), 45 tuổi (nam) chưa từng có vợ/ chồng) trong đó chủ yếu là nữ. Nguyên nhân:


+  Không tìm được người phù hợp: 28,7%
+ Hoàn cảnh gia đình (đau ốm, neo đơn, kinh tế khó khăn...): 28,1%
+ Thích cuộc sống tự do: 12,6%

 

Mức độ hài lòng với cuộc hôn nhân:

(độ tuổi từ 18-60)


+ Rất hài lòng: 30,1%
+ Hài lòng: 62,4%
+ Phần lớn hài lòng: 6%
+ Phần lớn không hài lòng: 1,2%
+ Rất không hài lòng: 0,3%

 

(Nguồn: Kết quả điều tra Gia đình Việt Nam năm 2006- Bộ VH,TT&DL)

 

 

 

Theo Hoàng Hữu Các

Gia Đình & Xã Hội