Bình Định:
Thấp thỏm "đánh canh bạc" ngày cuối năm
(Dân trí) - “Nghề nào cũng cực nhưng bán hoa tết giống như chơi canh bạc. Bán được còn kiếm chút lãi, bán không được xem như mất cả vốn lẫn công. Chưa nói thức đêm, thức hôm, lều bạt tạm bờ, giá rét, muỗi đốt thì càng khổ”, một người bán hoa thở dài chia sẻ.
Nhọc nhằn người bán hoa Tết
Những ngày cận Tết Bính Thân, dạo khắp các đường hoa trên đường Nguyễn Tất Thành, Lê Duẩn, Trường Chinh,… (TP Quy Nhơn) thấy những người bán hoa dựng lều, mắc võng tạm bợ, trắng đêm bán hoa phục vụ nhu cầu chơi tết của người dân.
Trong cái se lạnh những ngày giáp Tết càng làm cho người bán hoa thêm tê tái. Hơn 1 tuần qua, anh Bùi Văn Phúc (46 tuổi, phường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn, Bình Định) mắc võng ngay bên vỉa hè để bán quất.
Anh Phúc cho biết, dịp này vợ chồng anh chị vay mượn đầu tư 50 triệu đồng rồi lặn lội vào tận Phú Yên mua trên 200 chậu quất bán mong kiếm chút lãi mua sắm Tết. Châm điếu thuốc rồi rít một hơi dài cho quên đi cái lạnh, anh Phúc tâm sự: “Mấy ngày nay trời se lạnh trở lại, nhưng may không mưa nếu không thì cực lắm. Nghề nào cũng cực nhưng bán hoa tết giống như chơi canh bạc. Bán được còn kiếm chút lãi, bán không được xem như mất cả vốn lẫn công. Chưa nói thức đêm, thức hôm, lều bạt tạm bờ, giá rét, muỗi đốt thì càng khổ”.
Hàng chục năm nay, vợ chồng ông Nguyễn Văn Trọng (58 tuổi) cùng vợ là bà Trần Thị Chức (49 tuổi, phường Đống Đa) lại thuê đất dựng lều, che bạt tạm bợ trên vỉa hè đường Nguyễn Tất Thành để bán hoa Tết xuyên đêm. “Người bán hoa khổ lắm, thức đêm thức hôm lạnh giá dựng lều ngủ tạm, muỗi thì như ong chích lở tay, chân cũng phải gắng. Vậy mà năm nào bán hoa không được thì coi như mất Tết”, bà Chức tâm sự.
Càng về khuya, thời tiết ngoài trời thêm lạnh, khách mua hoa cũng thưa dần thì người bán hoa mới “chui” vào túp lều che bằng bạt tạm bờ, có người đặt chiếc giềng gấp bên chậu hoa để chợp mắt. Trong túp lều chật hẹp, ngoài tấm mền mỏng manh, vài gói mì tôm dự trữ ăn cho ấm bụng lúc nửa đêm.
Thấp thỏm chờ khách
Theo ghi nhận, tối 5/2 (tức 27 Tết), đường hoa xuân Nguyễn Tất Thành nhộn nhịp người đi mua hoa nhưng sức mua vẫn chậm so với năm ngoái. Hơn 25 làm nghề bán hoa dịp Tết, vợ chồng ông Huỳnh Văn Ảnh (68 tuổi) vợ là bà Nguyễn Thị Lê (66 tuổi, ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) bày bán đủ các loại hoa: nào hoa trạng nguyên ta, trạng nguyên Thái, sóng đời Nhật, cúc quan âm, hoa phát tài…
Ông Ảnh cho biết, do năm nay thời tiết khắc nghiệt, không có mùa đông nên hàng hoa thiếu, người bán hoa phải lên tận Đà Lạt, Phú Yên, Khánh Hòa… lấy hoa về bán. “Mình bán hoa đã cực khổ, nhưng người mua hoa cũng có nhiều người. Mấy năm trước, có năm người dân chờ tới 30 Tết để mua rẻ, hoặc chờ cho mình không bán được để xin không. Nếu mình cho được một năm, sang năm họ làm quen xin tiếp nên khi không bán hết thì đập phá cho bỏ tức” ông Ảnh nói.
Đã 10 năm nay, anh Huỳnh Tấn Đức (44 tuổi, ở TP Quy Nhơn) dù là cán bộ nhà nước nhưng năm nào anh cũng lấy hoa cúc về bán. Với anh bán hoa không chỉ là một thú vui mà còn có cả lời lãi bởi số tiền đầu tư buôn bán hoa không phải ít. Năm nay, anh Đức thuê 3 lô đất hết hơn 13 triệu đồng trên đường Lê Duẩn (TP Quy Nhơn) bày bán 500 chậu cúc mà anh cất công vào tận Khánh Hòa lấy về Quy Nhơn bán dịp Tết.
Theo anh Đức đánh giá: Nhìn chung các loại mặt hàng hoa, cây cảnh Tết nay tăng khoảng 30% so với năm trước. Riêng với hoa cúc, năm nay ít vì thời tiết không mưa, hoa bị hư nhiều, các nhà vườn trồng cúc mất 40 -50% đẩy giá cúc tăng. Trong khi đó, năm nay tình hình kinh tế khó khăn nên người dân cũng không mạnh tay chi tiền mua sắm. “Chỉ còn 2 ngày nữa là Tết mà chỉ bán được hơn 100 chậu, còn hơn 300 trăm chậu nữa không biết tính sao. Mong rằng ngày cuối sẽ bán hết để còn về nhà ăn Tết ấm cúng với gia đình”, anh Đức chia sẻ.
Doãn Công