1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Thanh tra khẳng định hàng loạt sai phạm tại EVN

(Dân trí) - 600 tỷ đồng xây biệt thự, sân tennis, bể bơi tính vào chi phí 6 dự án điện chưa đúng quy định. Việc trả lương lãnh đạo 3 tỷ đồng/năm trái chỉ đạo của Thủ tướng. Mua xe quá định mức… Thủ tướng đã đồng ý với những kết luận thanh tra về EVN.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chính thức có ý kiến kết luận về những nội dung thanh tra tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN. Văn bản thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng được Văn phòng Chính phủ ban hành ngày 9/12/2013. Theo đó, Thanh tra Chính phủ đã chính thức công bố kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong việc quản lý sử dụng vốn, tài sản tại EVN tối qua, 9/1/2014.

600 tỷ đồng tiền xây biệt thự, sân tennis tính vào giá điện
 
(Ảnh minh họa)
EVN tính khoản chi xây biệt thự, sân tennis vào giá điện (Ảnh minh họa)

Nội dung gây nhiều băn khoăn, tranh luận nhất thời gian vừa qua là quan điểm “cáo buộc” EVN đưa chi phí xây biệt thự, bể bơi, sân tennis… cho cán bộ nhân viên vào chi phí tính giá thành bán điện trong bản kết luận thanh tra đến thời điểm này vẫn được giữ nguyên.

Theo đó, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đánh giá, việc này liên quan đến trách nhiệm của Bộ Công thương khi chưa ban hành khung giá phá điện và khung giá bán buôn điện. Việc thực hiện điều hành, quản lý thị trường điện của Bộ Công thương, EVN có thể phù hợp với tình hình thực tế hiện nay nhưng không phù hợp với các quy định hiện hành.

TTCP không tán thành khi Bộ Công thương phê duyệt chi phí “khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa” nhưng thực tế là nhà biệt thự đơn lập, nhà song lập, nhà liền kề, chung cư cao tầng, có các cơ sở hạ tầng đi làm như bể bơi, sân tennis… phục vụ mục đích  sinh hoạt cho cán bộ nhân viên với tổng số tiền gần 600 tỷ đồng vào chi phí đầu tư của 6 dự án nguồn điện là chưa đúng quy định. Bộ này cũng đã xác định chi phí sản xuất điện của các nhà máy thủy điện hạch toán phụ thuộc EVN lớn hơn giá bán lẻ điện bình quân năm 2011 nhà máy thủy điện Đồng Nai, sông Tranh, Đại Ninh và Tuyên Quang).

TTCP đề xuất Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công thương, Xây dựng rà soát khoản chi phí xây dựng khu nhà ở, nhà quản lý vận hành của ngành điện (trong đó có 6 dự án nguồn điện nêu trên) cũng như đối với các nhà máy, khu công nghiệp khác, có hướng dẫn cụ thể và phù hợp, báo cáo Thủ tướng trong tháng 2/2014.

Đầu tư ngoài ngành vượt vốn điều lệ trên 45.000 tỷ đồng           

Về nội dung liên quan đến EVN, TTCP cho biết công ty mẹ đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp (DN) số tiền gần 122.000 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ chỉ có gần 77.000 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ số tiền trên 45.000 tỷ đồng là chưa thực hiện đúng quy định; đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán số tiền gần 2.000 tỷ đồng vượt tỷ lệ quy định; việc đầu tư vốn ra ngoài DN chưa mang lại hiệu quả kinh tế. Năm 2011, hệ số giữa nợ  phải trả và vốn điều lệ của công ty mẹ EVN là gần 2,8 lần, hệ số giữa nợ phải trả và vốn chủ sở hữu của công ty mẹ EVN là trên 3,2 lần.  Công ty mẹ EVN chưa cân đối được nguồn vốn để trả các khoản nợ quá hạn thanh toán, các chỉ số trên tương đối cao gây nên cho công ty trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay trong các năm tiếp theo.

Tại thời điểm thanh tra, Công ty mẹ EVN và các nhà máy thủy điện hạch toán phụ thuộc EVN chưa nộp về quỹ bảo vệ và phát triển rừng TƯ và địa phương tiền chi phí dịch vụ môi trường rừng số tiền trên 533 tỷ đồng (tuy nhiên đến thời điểm này đã nộp lại số tiền trên). Công ty mẹ EVN hướng dẫn hạch toán chuyển nguồn vốn không đúng tại 11 dự án đã hoàn thành và đang hoạt động, làm tăng chi phí cho sản xuất điện trong năm 2011 tại 11 dự án số tiền gần 224 tỷ đồng. Công ty mẹ EVN chưa xây dựng được quy định về việc trả lương, phụ cấp, tiền thưởng và chế độ khác cho người đại diện; phê duyệt định biên lao động chưa chính xác, còn có sự chênh lệch lớn giữa lao động kế hoạch và lao động thực tế sử dụng nhưng chậm sửa đổi.. Công ty mẹ EVN mua 2 ô tô Toyota LandCruise vượt định mức quy định số tiền trên 3 tỷ đồng. Từ năm 2005 đến tháng 12-2012, EVN triển khai 20/42 dự án chậm tiến độ dẫn đến việc thiếu hụt sản lượng điện và tăng chi phí đầu tư cho dự án.

Kết luận thanh tra cũng chỉ ra những tồn tại, khuyết điểm tại các đơn vị thành viên của EVN, trong đó Tổng công ty truyền tải điện quốc gia tạm ứng quỹ khen thưởng phúc lợi số tiền trên 7 tỷ đồng để chi cho cán bộ công nhân viên đến nay chưa có nguồn để bù đắp; EVN HCM đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính (kinh doanh bất động sản) số tiền 141 tỷ đồng..; chậm tiến độ 66/113 dự án làm phát sinh các chi phí liên quan. Tổng công ty điện lực miền Bắc đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính số tiền trên 52 tỷ đồng..

Lương lãnh đạo trên 3 tỷ đồng/năm - trái chỉ đạo của Thủ tướng

Về trách nhiệm của Bộ Tài chính, TTCP cho rằng, Bộ này chưa có văn bản hướng dẫn ghi tăng tài sản và trích khấu hao, trình tự thực hiện việc tiếp nhận lưới điện theo hình thức không phải hoàn trả vốn đầu tư của các tổ chức kinh tế như việc bàn giao tài sản lưới điện giữa EVN HCM và Công ty TNHH điện lực Hiệp Phước.

Bộ Công thương và Bộ Tài chính chưa có văn bản báo cáo Thủ tướng về việc EVN không thực hiện khoanh khoản nợ tiền điện với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mà tiến hành phát hành trái phiếu DN có bảo lãnh của Chính phủ để trả nợ PVN là chưa bảo đảm cơ sở về mặt pháp lý.

Bộ LĐ-TB&XH thẩm định tiền lương của Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc của EVN trong năm 2010 là trên 3 tỷ đồng chưa đúng với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. UBND tỉnh Đồng Nai thẩm định và cấp phép cho 4 dự án nhà máy thép hoạt động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chưa phù hợp với quy hoạch phát triển ngành thép, quy hoạch phát triển ngành điện dẫn đến việc EVN và EVN SPC không cân đối được nguồn điện để cung cấp cho 4 nhà máy điện này nếu các nhà máy này cùng đi vào hoạt động…   

Từ kết luận này, TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính, Công thương kiểm điểm rút kinh nghiệm về một số tồn tại, khuyết điểm nêu trên. Đề xuất Bộ Tài chính xử lý số tiền trên 8,3 tỷ đồng (trong đó có trên 3,1 tỷ đồng do thẩm định tiền lương của lãnh đạo EVN chưa đúng trong năm 2010, trên 5,2 tỷ đồng do mua xe ô tô vượt định mức). Bộ Công thương cần khẩn trương ban hành khung giá phát điện và khung giá bán buôn điện. Chỉ đạo EVN đề xuất biện pháp xử lý dứt điểm các khoản công nợ khi bàn giao của các đơn vị thành viên. Xem xét đề xuất giá bán lẻ điện đối với các DN sản xuất sắt thép, xi măng và giá bán buôn điện cho các tổ chức dịch vụ bán lẽ điện năng ngoài EVN nhằm bảo đảm lợi ích DN kinh doanh điện với các DN kinh doanh sắt thép, xi măng.

TTCP cũng kiến nghị Thủ tướng giao EVN thực hiện lộ trình thoái vốn đối với các khoản đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính của công ty mẹ EVN và các đơn vị thành viên, cân nhắc tính toán hiệu quả việc thực hiện lộ trình thoái vốn, không sơ sở để một số đối tượng lợi dụng; hạch toán đúng quy định pháp luật đối với 11 dự án đã hoàn thành và đang hoạt động. EVN cũng phải đề xuất xử lý số tiền trên 107 tỷ đồng (gồm: gần 1,9 tỷ đồng là chi phí cho dự án 90 Lý Thường Kiệt nhưng EVN THCM lại hạch toán vào giá thành điện không đúng quy định; gần 97 tỷ đồng do chi vượt định mức tiêu hao hợp lý và trên 5,4 tỷ đồng do EVN SPC dừng đầu tư 7 dự án gây lãng phí vốn đấu tư). EVN cũng cần tổ chức kiểm điểm và chỉ đạo xử lý trách nhiệm theo thẩm quyền đối với các tập thể, cá nhân có liên quan đến những vi phạm mà kết luân thanh tra đã chỉ ra…

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm