1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ NN&PTNT kiểm điểm cán bộ

Thế Kha

(Dân trí) - Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ NN&PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan đến vi phạm.

Tại Kết luận thanh tra công tác quản lý nhà nước về thủy lợi, đê điều và phòng chống thiên tai tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa công bố, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ NN&PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng và pháp luật của nhà nước đối với tập thể, cá nhân lãnh đạo Bộ có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cần làm rõ trách nhiệm trong việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án khi quy hoạch thủy lợi, quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều tại địa phương chưa được phê duyệt; báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ NNPTNT kiểm điểm cán bộ - 1

Trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ảnh: Nguyễn Dương).

Hàng loạt dự án được phê duyệt dù thiếu cơ sở...

Kết luận thanh tra dẫn báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy giai đoạn 2018-2023, Bộ này và các địa phương phê duyệt đầu tư 978 dự án, tiểu dự án, dự án thành phần đầu tư xây dựng, tu bổ, kiên cố hóa đê điều với tổng mức đầu tư hơn 66.300 tỷ đồng.

Trong đó, Bộ NN&PTNT thực hiện đầu tư 2 dự án và 48 tiểu dự án, dự án thành phần với tổng số tiền gần 4.000 tỷ đồng.

Từ năm 2018 tới năm 2023, Bộ NN&PTNT phê duyệt Dự án nâng cấp đê, kè hữu Hồng thuộc địa bàn Hà Nội và Dự án xây dựng tuyến đê biển Bình Minh 4, huyện Kim Sơn, Ninh Bình (giai đoạn 1); vốn trái phiếu Chính phủ 630 tỷ đồng và vốn địa phương 80 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ nhận thấy việc phê duyệt đầu tư dự án, bố trí vốn đầu tư xây dựng 2 dự án nêu trên căn cứ vào Quy hoạch 257 (quy hoạch đê điều tại Quyết định số 257/2016 của Thủ tướng Chính phủ) và các quy hoạch liên quan của địa phương. Tuy nhiên, quy hoạch đê điều tỉnh Ninh Bình và Hà Nội chưa được phê duyệt.

Quy hoạch đê điều trong Quy hoạch 257 được kết luận "chưa đủ cơ sở để xác định các dự án đầu tư, thiếu cơ sở để quản lý dự án đầu tư xây dựng theo Luật Đê điều năm 2006".

Cũng trong thời gian trên, Bộ NN&PTNT phê duyệt chủ trương đầu tư 17 dự án thành phần tu bổ đê điều trên địa bàn 8 tỉnh (Phú Thọ, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa), đã phân bổ 242 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương.

Thanh tra kết luận việc Bộ NN&PTNT phê duyệt đầu tư 17 dự án căn cứ vào Quy hoạch 257 (riêng dự án ở Thanh Hóa căn cứ vào quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê trên địa bàn) và thực trạng hư hỏng, xuống cấp của công trình đê điều nhưng quy hoạch đê điều tại 7 tỉnh trên chưa được phê duyệt.

Quy hoạch đê điều trong Quy hoạch 257 chưa đủ cơ sở để xác định các dự án đầu tư, thiếu cơ sở để quản lý dự án đầu tư xây dựng, tu bổ đê điều.

Giai đoạn 2021-2023, Bộ NN&PTNT phê duyệt đầu tư 3 dự án tu bổ, nâng cấp đê điều thuộc 31 dự án thành phần tại 17 tỉnh, trong đó có 5 tỉnh không thuộc Quy hoạch 257 (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Long An, An Giang); tổng mức đầu tư 3.023 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 2.900 tỷ đồng, vốn địa phương 123 tỷ đồng)

Kết luận thanh tra nhận định Bộ NN&PTNT chưa có quy định chế độ thông tin báo cáo. Mặt khác quy hoạch đê điều chưa đủ cơ sở để xác định các dự án đầu tư hoặc chưa có quy hoạch, nên không đủ cơ sở dữ liệu về đầu tư.

Từ báo cáo của Bộ NN&PTNT và qua kiểm tra thực tế, Thanh tra Chính phủ phát hiện UBND các tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư 60 dự án với tổng mức đầu tư trên 6.000 tỷ đồng khi quy hoạch đê điều của tỉnh chưa được phê duyệt và quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch năm 2017 cũng chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đây là việc thực hiện không đúng quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Đê điều năm 2006.

Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ NNPTNT kiểm điểm cán bộ - 2

Dự án mở rộng đường đê Âu Cơ - Nghi Tàm (quận Tây Hồ, Hà Nội) ồn ào suốt thời gian dài (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

"Dễ phát sinh cơ chế xin cho"

Bộ NN&PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số tỉnh phê duyệt kế hoạch phân bổ vốn, phê duyệt dự án đầu tư, tu bổ, nâng cấp và kiên cố hóa đê điều căn cứ vào Quy hoạch 257, Quy hoạch 1821, trong khi quy hoạch phòng chống lũ của tuyến sông có đê và quy hoạch đê điều chi tiết tại nhiều tỉnh chưa được phê duyệt. Quy hoạch đê điều trong Quy hoạch 257 chưa đủ cơ sở để xác định các dự án đầu tư, thiếu cơ sở để quản lý dự án.

Điều đó, theo cơ quan thanh tra nhận định, "dễ phát sinh cơ chế xin cho trong cấp vốn đầu tư dự án".

"Trách nhiệm thuộc về Bộ NN&PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND các tỉnh phê duyệt dự án khi quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê và quy hoạch đê điều chưa được phê duyệt", kết luận thanh tra nêu rõ.

 Tồn đọng hàng nghìn vụ vi phạm đê điều chưa được xử lý

Báo cáo của Bộ NN&PTNT ghi nhận từ năm 2018 đến năm 2023 trên các tuyến đê thuộc địa bàn 21 tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt có tổng số 2.384 vụ vi phạm pháp luật về đê điều.

Bộ NN&PTNT phân thành 5 nhóm, đã xử lý được 1.369 vụ (57,4%), còn tồn đọng 1.015 vụ.

Thanh tra Chính phủ đề nghị các tỉnh, thành phố kiểm tra, thanh tra, xử lý dứt điểm các vụ vi phạm đê điều trên địa bàn và xem xét, xử lý nghiêm minh trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan. Việc này cần được báo cáo Thủ tướng Chính phủ.