Thanh Hóa ra “tối hậu thư” di dời dân sống “lay lắt” bên công trình thủy điện
(Dân trí) - Để sớm di dân bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện Hồi Xuân vào khu tái định cư, UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện hạ tầng và ra “tối hậu thư” bắt đầu di dân chậm nhất từ ngày 1/5/2018.
>> Hơn 50 hộ dân sống “lay lắt” bên công trình thủy điện nghìn tỷ
Theo ông Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng điện Hồi Xuân (Công ty) đang tích cực triển khai thi công đồng bộ các hạng mục công trình dự án thủy điện Hồi Xuân và tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), xây dựng khu tái định cư (KTĐC) và các công trình tránh ngập lòng hồ, phục vụ tích nước cuối năm 2018.
UBND huyện Quan Hóa và các ngành liên quan cũng đã phối hợp với Công ty trong công tác GPMB và bảo đảm an ninh, trật tự trong khu vực triển khai dự án. Tuy nhiên, công tác di dân, bồi thường, GPMB còn chậm.
Đến nay, theo báo cáo của chủ đầu tư, chưa có hộ dân vào KTĐC Sa Lắng; số hộ tự di dời mới đạt 243 hộ/448 hộ... Tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo cần thiết phải tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện nội dung này.
Để sớm di dân vào KTĐC, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Công ty khẩn trương hoàn thiện hạ tầng KTĐC. Vấn đề này cũng đã được UBND tỉnh Thanh Hóa có công văn số 3368/UBND-CN ngày 30/3/2018 và yêu cầu bắt đầu di dân vào KTĐC chậm nhất từ ngày 1/5/2018.
Liên quan đến KTĐC Sa Lắng, tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Công ty phải hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định, lấy ý kiến của Sở Xây dựng.
Giao UBND huyện Quan Hóa chủ trì kiểm tra, giám sát chất lượng xây dựng hạ tầng KTĐC; đảm bảo các điều kiện theo quy định mới tiến hành đưa dân vào ở; đặc biệt là biện pháp xử lý nguy cơ sạt lở taluy, đe dọa tính mạng người dân trong KTĐC.
Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng đề nghị chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công trên công trường, nhất là các hạng mục liên quan đến phòng chống lũ lụt năm 2018. Quá trình thi công phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và công trình trong mùa mưa lũ năm 2018; đảm bảo an toàn lao động trên công trường; đảm bảo môi trường và chất lượng, mỹ quan của công trình.
Đồng thời, yêu cầu Công ty thực hiện đầu tư các công trình tránh ngập lòng hồ thủy điện Hồi Xuân theo đúng trình tự, thủ tục quy định về đầu tư.
UBND huyện Quan Hóa chỉ đạo UBND các xã liên quan phối hợp với chủ đầu tư xác định vị trí xây dựng mới các công trình trường học, trạm y tế, giám sát chất lượng công trình. Các công trình giao thông nông thôn tránh ngập thủy điện Hồi Xuân còn lại phải hoàn thành trước ngày 30/6/2018.
Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa giao các sở, ngành, đơn vị liên quan theo dõi dự án, xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa trên sông Mã; tăng cường kiểm tra, giám sát nhà nước về chất lượng công trình; giải quyết các vướng mắc về đất đai và các vướng mắc về cơ chế bồi thường, GPMB; định kỳ, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của chủ đầu tư.
Yêu cầu các sở, ngành liên quan, căn cứ chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ được quy định, chủ động giải quyết các công việc của dự án thủy điện Hồi Xuân liên quan đến ngành mình phụ trách, tạo mọi điều kiện thuận lợi để dự án thi công đúng tiến độ.
Duy Tuyên