1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hơn 50 hộ dân sống “lay lắt” bên công trình thủy điện nghìn tỷ

(Dân trí) - Đã nhiều năm qua, hơn 50 hộ dân bản Sa Lắng, xã Thanh Xuân, huyện miền núi Quan Hóa (Thanh Hóa) sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu khi phải nhường đất cho công trình thủy điện Hồi Xuân. Trong khi đó, khu tái định cư qua nhiều năm triển khai cũng chỉ mới là một bãi đất trống...

Hơn 50 hộ dân sống “lay lắt” bên công trình thủy điện nghìn tỷ

Người dân sống “lay lắt” bên công trình nghìn tỷ

Năm 2010, dự án xây dựng nhà máy thủy điện Hồi Xuân trên lưu vực sông Mã, ở vị trí giáp ranh giữa xã Thanh Xuân và Hồi Xuân (huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa) được khởi động.

Công trình có công suất thiết kế 102MW với 3 tổ máy, hồ chứa nằm trên địa phận 7 xã của huyện Quan Hóa và 2 xã của huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Công trình có số vốn đầu tư dự kiến khoảng 3.300 tỷ đồng.

Công trình thủy điện Hồi Xuân được đầu tư xây dựng hàng nghìn tỷ đồng chậm tiến độ
Công trình thủy điện Hồi Xuân được đầu tư xây dựng hàng nghìn tỷ đồng chậm tiến độ

Theo thống kê, có 2.346 hộ dân của huyện Quan Hóa bị ảnh hưởng trong quá trình triển khai dự án thủy điện Hồi Xuân, trong đó có 53 hộ dân, với gần 250 nhân khẩu của bản Sa Lắng, xã Thanh Xuân. Đến tháng 4/2015, người dân nơi đây nhận được thông báo về việc nhường đất cho vùng ngập lòng hồ của thủy điện. Tuy nhiên, từ đó đến nay, 53 hộ dân của bản Sa Lắng phải sống “lay lắt” khi dự án tái định cư chưa bàn giao đất để các hộ dân này làm nhà.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, đến thời điểm này, khu tái định cư vẫn chỉ là một bãi đất trống. Nhiều công trình, như trường học, nhà văn hóa bản, hệ thống lưới điện, nước sinh hoạt… vẫn chưa được xây dựng.

53 hộ dân bản Sa Lắng, xã Thanh Xuân nằm trong diện di dời do ảnh hưởng của dự án
53 hộ dân bản Sa Lắng, xã Thanh Xuân nằm trong diện di dời do ảnh hưởng của dự án

Trong khi đó, nhà cửa của nhiều hộ dân phải di chuyển để nhường đất cho khu tái định cư đã và đang xuống cấp, người dân phải sống trong cảnh lo âu, thấp thỏm và chưa thể an cư.

Chị Cao Thị Lân, bản Sa Lắng, cho biết: “Gia đình tôi nằm trong diện di dời, nhà cửa xuống cấp trầm trọng rồi mà không sửa chữa được vì phải đợi. Tiền đền bù đã nhận, có khi tiêu hết tiền vẫn chưa có đất làm nhà. Dân muốn đi làm mà không đi được vì phải chờ đợi. Người ta phải có an cư thì mới lập nghiệp, giờ như thế thì biết khi nào mới ổn định”.

Tuy nhiên, sau nhiều năm, đến nay dự án tái định cư vẫn chưa bàn giao đất cho các hộ dân xây nhà mới
Tuy nhiên, sau nhiều năm, đến nay dự án tái định cư vẫn chưa bàn giao đất cho các hộ dân xây nhà mới

Không những thế, nhiều hộ dân sau khi di chuyển nhường đất cho dự án tái định cư không có chỗ ở, phải mượn đất để dựng tạm nhà ở. Cuộc sống của nhiều hộ dân tạm bợ trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn đủ thứ.

Gia đình anh Hà Văn Hạnh có 8 khẩu, sau khi nhường đất cho dự án đã phải mượn đất của người dân trong bản để dựng tạm căn lều ở. “Hiện gia đình đã nhận tiền đền bù nhà, cây cối, còn tiền đất chưa nhận được. Chúng tôi đã dỡ nhà và bàn giao mặt bằng cho khu tái định cư, chuyển xuống đây ở từ năm 2012, từ đó đến nay ở tạm, chưa có đất xây dựng nhà mới. Cuộc sống vất vả, khó khăn vì nhà đông người mà diện tích ở chật hẹp. Những khi mưa bão lại phải đi ở nhờ nhà dân khác trong bản”, anh Hạnh cho biết.

Khu tái định cư đang là một bãi đất trống
Khu tái định cư đang là một bãi đất trống
Tiến độ triển khai chậm chạp khiến người dân phải chờ đợi
Tiến độ triển khai chậm chạp khiến người dân phải chờ đợi

Không chỉ gia đình anh Hạnh, nhiều hộ dân khác trong bản Sa Lắng cũng gặp không ít khó khăn khi chưa có đất tái định cư. Trong đó, nhiều nhà cửa đã xuống cấp, nhưng không thể sửa chữa vì nằm trong diện di dời.

Ông Cao Thanh Bình - Trưởng bản Sa Lắng, cho biết: “Nhà ở của người dân trong bản đã xuống cấp rất nhiều nhưng không dám xây dựng nhà mới do thuộc diện tái định cư. Để người dân bản sớm có nơi để an cư, ổn định cuộc sống, đề nghị cấp trên nhanh chóng thúc đẩy dự án, cư như thế này thì không ổn”.

Nhiều gia đình đã dỡ nhà nhường đất cho khu tái định cư phải ở tạm bợ trên đất mượn
Nhiều gia đình đã dỡ nhà nhường đất cho khu tái định cư phải ở tạm bợ trên đất mượn

Còn ông Hà Hồng Quản, Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân, cho biết: Cả 53 hộ dân của bản Sa Lắng chưa có hộ nào được cấp đất do mặt bằng chưa xong. Người dân đã nhận tiền đền bù, nhiều hộ có khả năng không thể di chuyển đến nơi ở mới vì đã tiêu hết tiền đền bù. Người dân cứ trông mong có nơi ở rồi tìm kế sinh nhai. Có nhiều hộ dỡ nhà rồi, nhưng chưa có nơi ở mới nên phải ở nhờ nhà khác. Công trình thủy điện gây khó khăn cho người dân rất nhiều, không riêng gì khu tái định cư.

Chính quyền cũng “lao đao” vì dự án

Trong khi người dân phải sống cuộc sống “lay lắt” chờ khu tái định cư hoàn thiện thì chính quyền địa phương cũng lao đao vì doanh nghiệp “chây ì” nghĩa vụ đóng thuế. Theo tính toán, khi đi vào vận hành, công trình thủy điện Hồi Xuân có doanh thu hàng năm khoảng gần 270 tỷ đồng. Đây là công trình được kỳ vọng góp phần phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, dịch vụ du lịch sinh thái, cải thiện môi trường khí hậu của địa phương, đồng thời, cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho 10 xã thuộc vùng dự án...

Hơn 50 hộ dân sống “lay lắt” bên công trình thủy điện nghìn tỷ - 7
Nhiều năm qua, người dân sống trong cảnh lo âu, thấp thỏm
Nhiều năm qua, người dân sống trong cảnh lo âu, thấp thỏm

Theo kế hoạch, tháng 10/2012, Thủy điện Hồi Xuân chặn dòng lần 1, tháng 10/2013 chặn dòng lần 2, tháng 7/2014 tích nước hồ chứa và tháng 9/2014 phát điện tổ máy số 1.

Tuy nhiên, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng điện Hồi Xuân VNECO (Hồi Xuân VNECO), thuộc Tổng Công ty cổ phần Xây dựng điện Việt Nam đã không đáp ứng được năng lực về tài chính khiến dự án chậm tiến độ. Do đó, công trình Thủy điện Hồi Xuân được Công ty TNHH Dịch vụ thương mại sản xuất và xây dựng Đông Mê Kông (Công ty Đông Mê Kông), mua lại. Đơn vị này tham gia với tư cách cổ đông nắm giữ 90% cổ phần để cùng đầu tư hoàn thiện dự án.

Nhà cửa xuống cấp nhưng không dám sửa chữa
Nhà cửa xuống cấp nhưng không dám sửa chữa

Sau khi mua lại công trình, Công ty Đông Mê Kông cũng cam kết công trình Thủy điện Hồi Xuân sẽ hoàn thành vào quý II/2018 theo giấy chứng nhận đầu tư cấp năm 2014.

Tuy nhiên, tháng 3/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa lại nhận được Báo cáo số 519/VHX-KHVT của chủ đầu tư về tình hình thực hiện và đề nghị điều chỉnh tiến độ dự án đến tháng 3/2019.

Trong khi dự án chậm tiến độ, không chỉ người dân, chính quyền huyện Quan Hóa cũng đang đứng trước nguy cơ mất cân đối thu chi trong hoạt động khi chưa thu được tiền thuế mà theo luật nhà máy thủy điện Hồi Xuân phải đóng góp cho địa phương.

Những ngôi nhà đã bị dỡ để nhường đất cho khu tái định cư được tấp đống bên cạnh khu tái định cư của công trình thủy điện
Những ngôi nhà đã bị dỡ để nhường đất cho khu tái định cư được tấp đống bên cạnh khu tái định cư của công trình thủy điện

Mới đây, UBND huyện Quan Hóa đã có công văn gửi Hồi Xuân VNECO và Công ty Đông Mê Kông với nội dung: “Để UBND huyện Quan Hóa không bị mất cân đối chi ngân sách trong quý I và 6 tháng đầu năm 2018 mà UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao thu, UBND huyện Quan Hóa đề nghị Hồi Xuân VNECO làm thủ tục nghiệm thu thanh toán cho Đông Mê Kông để công ty nộp thuế cho huyện Quan Hóa. Là một huyện miền núi đặc biệt khó khăn về ngân sách, nếu Công ty Đông Mê Kông không nộp thuế thì huyện không có tiền chi lương cho cán bộ và chi cho nhiệm vụ chung của huyện”.

Được biết, toàn bộ tiền thuế công trình thủy điện Hồi Xuân đã được UBND tỉnh Thanh Hóa giao cân đối thu chi cho huyện Quan Hóa trong năm 2018, với tổng số tiền 16 tỷ đồng. UBND huyện Quan Hóa sẽ gặp nhiều khó khăn trong hoạt động nếu không thu được khoản tiền thuế này từ Hồi Xuân VNECO.

Duy Tuyên