1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thanh Hóa "lên dây cót" ứng phó với "mối nguy kép"

Trần Lê

(Dân trí) - Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, trong lúc đang "căng mình" chống dịch Covid-19 nếu không thực hiện các biện pháp ứng phó với bão, thì tình hình sẽ rất nguy hiểm.

Sáng 9/9, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã chủ trì hội nghị bàn và triển khai các giải pháp ứng phó với cơn bão Conson.

Theo thông tin dự báo, từ sáng 14/9, bão Conson có khả năng đi vào Vịnh Bắc bộ, khu vực Thanh Hóa có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão. Trong ngày 9/9, Thanh Hóa tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và giông. 

Thanh Hóa lên dây cót ứng phó với mối nguy kép - 1

Theo ông Đỗ Minh Tuấn, tỉnh Thanh Hóa được dự báo nằm trong vùng bị ảnh hưởng bão Conson. Trong lúc địa phương đang "căng mình" chống dịch Covid-19 nếu không thực hiện các biện pháp ứng phó với bão, thì tình hình sẽ rất nguy hiểm.

Các ngày từ 10-14/9, khu vực Thanh Hóa được dự báo có khả năng xảy ra một đợt mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và giông. Nguy cơ cao xảy ra lũ ống lũ quét và sạt lở đất các huyện miền núi, đặc biệt các huyện miền núi.

Tỉnh Thanh Hóa ứng phó với bão số 5 trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Việc sơ tán dân do ảnh hưởng của thiên tai ở các địa phương chưa thực hiện giãn cách xã hội, thực hiện theo các phương án đã được xây dựng, phê duyệt từ đầu năm, đồng thời bảo đảm tuân thủ khuyến cáo "5K"...

Với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế đến mức tối đa việc sơ tán tập trung; ưu tiên việc chằng chống, gia cố an toàn nhà cửa, chuẩn bị phương tiện (thuyền, áo phao), lương thực, nhu yếu phẩm theo phương châm "4 tại chỗ". Trường hợp bắt buộc phải sơ tán tập trung, cần tuân thủ khuyến cáo "5K" và các quy định của cấp có thẩm quyền.

Đối với khu vực ven biển, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu đề cao việc thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn và thường xuyên giữ liên lạc với thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển; kiểm tra hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền, các hoạt động kinh tế trên biển và ven biển để đảm bảo an toàn về người và tài sản…

Thanh Hóa lên dây cót ứng phó với mối nguy kép - 2

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu đến18h ngày 9/9, tất cả các phương tiện tàu thuyền nằm trong vùng nguy hiểm phải vào nơi tránh trú an toàn…

Đối với khu vực miền núi, kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét; sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn…

Theo ông Đỗ Minh Tuấn, tỉnh Thanh Hóa được dự báo nằm trong vùng bị ảnh hưởng bão Conson. Trong lúc địa phương đang "căng mình" chống dịch Covid-19 nếu không thực hiện các biện pháp ứng phó với bão, thì tình hình sẽ rất nguy hiểm. Ông Tuấn yêu cầu các cấp, ngành, các địa phương phải quyết liệt, khẩn trương và cụ thể hóa các biện pháp phòng, chống và ứng phó với cơn bão.

Thanh Hóa lên dây cót ứng phó với mối nguy kép - 3

Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa yêu cầu sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn…

Theo ông Đỗ Minh Tuấn, trong giai đoạn hiện nay, các phương án phòng, chống bão phải gắn chặt với công tác phòng, chống dịch Covid-19, tuyệt đối không được để dịch bệnh lây lan, bùng phát khi thực hiện các biện pháp phòng, chống bão.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu làm tốt công tác kiểm đếm phương tiện, đến 18h ngày 9/9, tất cả các phương tiện tàu thuyền nằm trong vùng nguy hiểm phải vào nơi tránh trú an toàn…, theo dõi sát diễn biến của bão để có phương án cấm biển phù hợp. Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 và bố trí khu cách ly tập trung riêng cho các ngư dân trên tàu, thuyền trở về từ vùng dịch.

Đối với những hộ dân nằm trong vùng nguy cơ cao phải di dời, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương phải thực hiện xét nghiệm Covid-19 và hoàn thành trước 18h ngày 10/9. Ngoài ra, việc cảnh báo và tổ chức sơ tán dân phải được thực hiện sớm hơn, tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng bão vào mới sơ tán dân. Trong quá trình sơ tán dân phải tuân thủ nghiêm khuyến cáo "5K" và các quy định phòng, chống dịch Covid-19.

Thanh Hóa lên dây cót ứng phó với mối nguy kép - 4

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống bão lụt.

Cũng trong sáng 9/9, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống bão lụt tại huyện Hoằng Hóa và TP Sầm Sơn.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đây là cơn bão rất mạnh, có diễn biến phức tạp, theo dự báo trong những ngày sắp tới sẽ trực tiếp đổ bộ vào các tỉnh khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa. Do đó, đề nghị chính quyền các địa phương tuyên truyền, vận động, yêu cầu người dân không ra khơi đánh bắt hải sản trong thời gian này; phải chủ động bảo vệ tài sản, đưa các ngư lưới cụ, bè mảng đến nơi an toàn. Cùng với phòng, chống bão, phải nêu cao ý thức trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Đối với những nơi đang có các hộ gia đình thực hiện cách ly tại nhà, cách ly tập trung, cần vận động gia đình, dòng họ và huy động lực lượng các đoàn thể, đội tình nguyện giúp đỡ thu hoạch lúa để gia đình yên tâm thực hiện cách ly theo quy định...

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng lưu ý các địa phương, lực lượng chức năng tiếp tục theo dõi sát diễn biến của bão để khi cần thiết tiến hành sơ tán dân, đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.