Thăm lại điểm "huyết chiến" trong chiến dịch Điện Biên Phủ
(Dân trí) - Trận tiến công cứ điểm trên Đồi A1 là một trong những trận đánh oanh liệt nhất của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Có thể nói máu các anh đã thấm đỏ từng tấc đất, từng ngọn cỏ trên đồi A1.
Di tích đồi A1 nằm cạnh quốc lộ 279 (đường7/5) thuộc phường Mường Thanh - thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Cứ điểm này cao 32m so với mặt đường có diện tích 53.000 m2. A1 thuộc dãy đồi phía Đông cùng với C1, C2, D và E tạo thành bức tường thành vững chắc che chở cho phân khu trung tâm. Đây là điểm cao cuối cùng trực tiếp che chở cho Sở chỉ huy quân Pháp và được ví như “chìa khóa” của cả tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Tại đây địch bố trí nhiều binh lực, hỏa lực mạnh, có công sự kiên cố, vững chắc. Trận tiến công cứ điểm trên Đồi A1 là một trong những trận đánh oanh liệt nhất của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Có thể nói máu các anh đã thấm đỏ từng tấc đất, từng ngọn cỏ trên đồi A1. Cuối cùng quân ta đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm A1 vào 4 giờ 30 phút sáng ngày 07/5/1954, mở toang cánh cửa thép tiến thẳng vào trung tâm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đánh dấu ngày tận số của quân viễn chinh Pháp trên chiến trường Điện Biên Phủ.
Ngày nay, trên cứ điểm A1 nói riêng và quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ nói chung, dẫu không còn nguyên vẹn như xưa, nhưng những dấu tích của một thời bom đạn như hầm chỉ huy cứ điểm, hầm đại liên, lô cốt cây đa cụt, đường hào, khối bộc phá ngàn cân, ngôi mộ tập thể, chiếc xe tăng… vẫn còn đây, sẽ mãi mãi trường tồn cùng non sông đất nước.
Đến thăm đồi A1 là du khách đã đến với đồi Chiến công - một địa danh tỏ rõ khí phách đấu tranh ngoan cường của dân tộc Việt Nam, góp phần làm nên chiến thắng vang dội làm chấn động địa cầu giờ đây đã trở thành bất tử.
Những nén nhang tri ân các anh hùng dân tộc đã ngã xuống trong chiến thắng Điện Biên Phủ được đồng bào từ khắp mọi miền tổ quốc thắp lên trên đồi A1.
Cựu chiến binh Vũ Văn Nải đã từng trực tiếp tham gia chiến đấu ở đồi A1 và C1 với chức vụ Khẩu đội trưởng DKZ trung đoàn 98 Đại đoàn 316. Dù đã 87 tuổi, sức khoẻ đã yếu đi nhiều nhưng ông vẫn về lại nơi xưa, nơi mà ông đã từng chiến đấu và bỏ lại một phần xương máu của mình.
Trọng Trinh