1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Mong có nhiều “Điện Biên Phủ” trong thời kỳ mới!

Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, trong đó, đổi mới tư duy kinh tế làm trọng tâm, có thể so sánh như “Chiến thắng Điện Biên Phủ”, với quyết định lịch sử khi thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” chuyển sang “Đánh chắc, tiến chắc” và biết phát huy nội lực. Mong có nhiều “ Điên Biên Phủ” trong thời kỳ mới!


V
Việt Nam xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới. Ảnh Ngọc Trinh

Trải qua những cuộc chiến trường kỳ và gian khổ, đất nước được độc lập, giang sơn thu về một mối, nhưng hàn gắn vết thương sau chiến tranh và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đòi hỏi phải có tinh thần “Điện Biên Phủ” trong thời kỳ đổi mới. Đổi mới hay “chết”, là mệnh lệnh mang tầm thời đại đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng, trì trệ. Tháng 12 năm 1986, thời khắc thiêng liêng, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã thông qua đường lối đổi mới toàn diện đất nước, trong đó, đổi mới kinh tế làm trọng tâm. Song song với đổi mới về kinh tế (đặc biệt là tư duy kinh tế), từng bước đổi mới toàn diện đất nước.

Nội lực của đất nước bắt nguồn từ sâu thẳm suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của dân tộc ta và được nhân lên bội lần trong thời đại Hồ Chí Minh. Cơ chế nào kìm hãm sự phát triển nông nghiệp, đất đai phì nhiêu, người nông dân cần cù, sáng tạo sao vẫn thiếu đói! Phải “cởi trói” cho nông dân, đó là “chìa khóa vàng” để giải quyết vấn đề lương thực cho đất nước và xuất khẩu. Năm 1988, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 10 (gọi tắt là khoán 10), với việc thừa nhận hộ gia đình là đơn vị kinh tế tự chủ; nông dân được trao quyền sử dụng đất và mức khoán lâu dài; chuyển hợp tác xã sang làm dịch vụ cho nông dân. Nhờ cây “gậy thần,” Việt Nam đã giải quyết được vấn đề lương thực và bắt đầu xuất khẩu gạo. Hiện nay, Việt Nam đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu gạo. Nghị quyết 10, hàng triệu người Việt Nam biết đến, tạo nên sự phát triển vượt bậc trong nông nghiệp.

Công cuộc đổi mới đã gần 30 năm, những quyết định sáng suốt của Đảng về đổi mới trên tinh thần phát huy nội lực đã phát huy hiệu quả: Việt Nam đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội kéo dài nhiều năm, khắc phục được lạm phát có lúc trên 700% (năm 1986) xuống 12% (năm 1995) và nhiều năm nay, lạm phát chỉ còn một con số; thu nhập bình quân đầu người từ 86 USD (năm 1988) lên gần 1.900 USD (năm 2013); xuất khẩu đạt gần 120 tỷ USD (năm 2013); vốn FDI đăng ký đạt trên 20 tỷ USD (năm 2013); v.v...

Khi bắt tay vào công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, nhiều hy vọng, nhưng cũng không ít lo âu, nhất là bài học của các nước Đông Âu và Liên Xô (cũ) vẫn còn hiện hữu. Hiểu người, biết ta, Đảng ta luôn coi sự ổn định chính trị - xã hội là tiền đề quan trọng, là sự sống còn của công cuộc đổi mới; chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu tăng trưởng đi đôi với phát triển, phát triển đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội. Ở nhiều địa phương, đơn vị chỉ có thể phát triển bền vững khi biết phát huy nội lực kết hợp với việc tranh thủ, khai thác các nguồn lực từ bên ngoài.

Điện Biên Phủ được coi là Bạch Đằng, Chi Lăng của thời đại Hồ Chí Minh. Học ông cha mình trong đánh giặc giữ nước, bài học lớn là dựa vào dân, từ Hội nghị “Diên Hồng” đến Quốc dân Đại hội Tân trào... Chúng ta tự hào có Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung... hội tụ cùng hồn thiêng sông núi; tự hào về bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam luôn tỏa sáng vào những thời khắc khó khăn, bước ngoặt lịch sử, tạo nên dáng vóc Việt Nam, nhất định chúng ta sẽ bảo vệ, giữ gìn toàn vẹn giang sơn, gấm vóc trước bất cứ thế lực lớn mạnh, ngang tàng nào.

Thành công của công cuộc đổi mới chứng minh chân lý giản đơn, sức mạnh nội lực là sức mạnh bền vững nhất. Tuy nhiên, với thế giới mở, với sự hội nhập sâu rộng, Việt Nam kết hợp được sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại trong quá trình phát triển. Trong hào khí của kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta xúc động tưởng nhớ đến Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các anh hùng liệt sĩ với sự thành kính, biết ơn, mong muốn và tin tưởng rằng, sẽ có nhiều “Điện Biên Phủ” trong thời kỳ mới, để xây dựng đất nước ta đoàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ hằng mong muốn./.

Theo Đào Ngọc Dũng - Đăng Dương
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm