1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo:

Thám hiểm đường hầm “sinh ra” 12 công nhân lần nữa

Chiều 20/12, một ngày sau khi 12 công nhân bị mắc kẹt do sập hầm thủy điện Đạ Dâng – Đạ Chomo (Lạc Dương, Lâm Đồng) được cứu thoát an toàn, PV Tiền Phong một lần nữa quay lại hiện trường và trực tiếp vào từng đường hầm đã cứu các nạn nhân ra ngoài.

Thám hiểm đường hầm “sinh ra” 12 công nhân lần nữa
Mũi khoan phía hạ du để dẫn nước ra ngoài, đất đã bị nước làm xói mòn rộng 30-45cm. Ảnh: Lê Hữu Việt.
 
Đi ngồi vào hầm
 
Sau khi 12 công nhân được đưa khỏi hầm an toàn, lực lượng cứu hộ cũng rút toàn bộ khỏi hiện trường, chỉ còn vài công nhân được cắt cử ở lại trông coi công trường. Ngay trong tối 19 và ngày 20/12, toàn bộ máy móc, thiết bị, vật dụng (như các thiết bị y tế, lán trại, máy phát điện, máy bơm, máy khoan, gỗ chống hầm…) được đưa tới phục vụ công tác cứu hộ và cấp cứu các nạn nhân cũng đã được di chuyển.

Phía trong hầm, nước đang dâng cao, đoạn sâu nhất là khu vực tiếp giáp vị trí hầm sạt lở nước đã vượt đầu gối, do mọi hoạt động trong hầm đều đã tạm dừng nên các máy bơm nước cũng không còn hoạt động.

Vượt qua vị trí ngập nước là khoảng đất được bồi cao do lực lượng đào hầm đưa ra, khung cảnh lạnh lẽo, ngổn ngang hiện ra mờ mờ nhờ ánh sáng của chiếc bóng đèn cách đó một đoạn xa hắt vào. Phía bên phải vị trí sạt lở là lối vào hầm cứu hộ do lực lượng cứu hộ của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) thực hiện. Ngay cửa, những vật dụng phục cụ công tác đào hầm vẫn còn vứt lại ngổn ngang, gồm những xô chậu xách đất, cuốc xẻng…

Thám hiểm đường hầm “sinh ra” 12 công nhân lần nữa
Cận cảnh đường hầm đã đưa 12 công nhân mắc kẹt ra ngoài do lực lượng công binh thực hiện. Ảnh: L.H.V.

Đường hầm chỉ cao và rộng khoảng 1m, vào hầm phải đi ngồi. Đường hầm quanh co do có nhiều khối đá to nên lực lượng cứu hộ phải đào tránh. Vào sâu khoảng 6-7m, đường hầm được đào hướng lên trên để phòng tránh trường hợp khối nước lớn từ phía trong hầm có thể xô ra gây sạt lở tiếp và gây nguy hiểm cho lực lượng cứu hộ. Thanh gỗ ngang chống mái hầm ngoài được chống đỡ bởi 2 cọc chắc hai bên còn được những thanh sắt dài đóng vào lòng đất đỡ lực.

Hai bên được đóng chặt những thanh ván để cản đất pha cát theo các kẽ hở thanh chống sụt xuống. Một số xô đang đựng đất được bỏ lại dọc hầm cho thấy lực lượng cứu hộ của TKV đã lập tức dừng việc đào hầm, và di chuyển ra để tham gia đưa các công nhân ra ngoài khi hầm của lực lượng Công binh đã được đào thông vào trong để đưa các công nhân mắc kẹt ra ngoài. Tuy vậy, đường hầm này rất ẩm ướt, hiện một số vị trí đất vẫn sạt xuống thành những ụ đất nhỏ và đang có dấu hiệu sạt tiếp.

Bên phía đối diện (phía trái từ cửa hầm vào), đường hầm của lực lượng công binh đào chạy dọc theo tường bê tông gia cố vách hầm của đơn vị thi công đường hầm thủy điện. Đường hầm khá thẳng do không vướng phải những tảng đá lớn như đường hầm lực lượng cứu hộ của TKV thực hiện. Ở độ sâu 6-7m đường hầm cũng đi lên trên như đường hầm phía bên kia.

Càng vào sâu đường hầm càng nhỏ, đoạn cuối chỉ vừa một người bò qua. Cả đoạn hầm dài khoảng 17m (ngắn hơn ước tính ban đầu khoảng 13m), đầu hầm phía trong (đầu thông với khoang hầm những công nhân mắc kẹt) cao hơn nền hầm thủy điện khoảng 1m. Từ đường hầm này, những công nhân mắc kẹt đã được đưa ra ngoài an toàn tuyệt đối.

Xô xách đất vẫn còn vứt lại trong đường hầm.
Xô xách đất vẫn còn vứt lại trong đường hầm.

Huy động 100 công binh tinh nhuệ

Chiều 19/12, trao đổi với PV Tiền Phong ngay sau khi 12 công nhân được cứu, Đại tá Đặng Văn Cát - Trưởng phòng Phòng chống cháy nổ cứu sập (Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn), Cục cứu hộ cứu nạn thuộc Bộ Quốc phòng cho biết: Đường hầm của TKV thực hiện đất rất ẩm, còn đường hầm của lực lượng công binh đào đất khô ráo hơn, dù đào thấp hơn. “Điều này cho thấy mạch nước ngầm gây ra sụt hầm có hướng chảy lệch sang phải, nó gây áp lực lên nền đất phía bên này nên lực lượng của TKV thi công sẽ bị chậm hơn hướng đào của lực lượng công binh. Nhờ nền đất khô, lực lượng công binh chỉ cần moi đất bằng cuốc, xẻng mà không cần dùng khoan”, đại tá Cát phân tích.

Theo đại tá Cát, 100 chiến sĩ công binh tinh nhuệ của Lữ đoàn 293 đã được huy động tham gia đào hầm cứu hộ. “Lực lượng này chuyên thi công các công trình ngầm, và có nhiều kinh nghiệm trong thi công trên nền đất yếu”, đại tá Cát nói. Theo ông, với các công trình kinh tế, vị trí đào hầm đều được khảo sát, khoan thăm dò rất kỹ nên có phần đơn giản hơn vì ít yếu tố bất ngờ. Trong khi đó, với lực lượng công binh đào hầm, khi cần bất kể vị trí nào, địa chất ra sao, dù biết trước hay không đều phải thực hiện được.

Để cứu hộ 12 công nhân mắc kẹt, một mũi khoan ngang từ đoạn hầm phía hạ du đập thủy điện Đạ Dâng – Đạ Chomo cũng được thực hiện. Mũi khoan này rộng khoảng 7cm, dài 60m để thoát nước từ vị trí các công nhân gặp nạn ra ngoài. Chiều 20/12, những công nhân của Cty Cổ phần Sông Đà 10 (đơn vị thi công đường hầm này) cũng đang thu dọn hiện trường. Phần bùn đất từ đoạn hầm các công nhân mắc kẹt chảy ra vẫn đang được máy xúc đưa ra ngoài. Đường ống được đưa vào để dẫn nước ra cũng đã được các công nhân tháo dỡ. Vị trí khoan cách nền hầm 50cm đã bị nước chảy làm xói mòn giờ đã rộng khoảng 30-40cm, và hiện nước vẫn tiếp tục chảy ra.

Theo Lê Hữu Việt

Tiền phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm