Hà Tĩnh:
Thảm cảnh xót xa bên trong nhà máy thép 1.700 tỷ vừa được định giá... 108 tỷ!
(Dân trí) - Chiều ngày 7/4, thời điểm chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là toàn bộ tài sản của Nhà máy thép Vạn Lợi được đưa ra bán đấu giá, PV Dân trí đã "đột nhập" vào bên trong nhà máy hoang phế này. Phía sau cánh cổng được khóa tạm bợ, hoen gỉ là cả một thảm cảnh quá xót xa.
Toàn bộ phần thiết kế nhà máy do Tổng Viện thiết kế Mã Gang (Trung Quốc) đảm nhận. Phần thi công cũng thuộc về một nhà thầu Trung Quốc là Công ty TNHH Xuất Nhập khẩu Kim Môn thuộc Tập đoàn Kinh tế Ngoại thương và Hợp tác Công nghệ Thượng Hải (Trung Quốc). Công ty cổ phần đầu tư xây lắp dầu khí IMICO (Việt Nam) làm thầu phụ.
Chiều ngày 7/4, thời điểm chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa toàn bộ tài sản của Nhà máy thép Vạn Lợi được đưa ra bán đấu giá, PV Dân trí đã "đột nhập" vào bên trong nhà máy hoang phế này. Phía sau cánh cổng được khóa tạm bợ, hoen gỉ là cả một thảm cảnh quá xót xa.
Hầu hết các khu nhà, phân xưởng của nhà máy đều được khởi công xây dựng rồi bỏ dở, trở thành những lô cốt trơ trọi giữa khu đất rộng lớn.
Lò cao có chiều dài hàng chục mét chưa một lần được sử dụng nằm ngay cạnh khu nhà bê tông bỏ dở, ngổn ngang.
Nhưng xót xa nhất vẫn là một lượng thiết bị khổng lồ chưa được lắp ráp, bỏ lăn lóc khắp nơi trong khuôn viên rộng lớn lên đến 35 ha. Tất cả đã gỉ sét, hư hỏng, chỉ còn là những đống phế liệu không hơn không kém.
Cả một công trường ngổn ngang, với vô số máy móc, trang thiết bị đổ vỡ, gỉ sét, hỏng hóc.
Lò luyện gang được lắp đặt gần như hoàn chỉnh, nhưng dây chuyền này chưa một lần hoạt động, nằm im lìm, trở thành đống phế liệu từ đó đến nay.
Nhiều thiết bị của nhà máy bị cỏ cây bao phủ
Một lượng lớn dây dẫn, cáp đã bị phân hủy sau hơn chục năm nằm phơi mưa nắng.
Một thiết bị không được che chắn, bảo vệ, chứa đầy chất bẩn bên trong.
Nhiều thiết bị được phủ bằng các tấm bạt lớn để tránh mưa nắng. Tuy nhiên, theo thời gian, lớp bạt này đã bị rách nát để lộ các thiết bị hư hỏng.
Một lượng lớn thiết bị điện vứt bỏ ngoài trời, theo thời gian đã hư hỏng.
Một lượng lớn các tụ điện hư hỏng, nằm lẫn trong cỏ dại.
Hầu hết các tài sản bị vứt bỏ thành phế liệu này đã được chủ đầu tư cho đánh số để thuận tiện trong việc quản lý, tránh trộm cắp, mất mát.
Theo thuyết trình, nhà máy thép này dự kiến sẽ giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động, nhưng trừ giai đoạn đầu thi công, còn lại nhà máy luôn chỉ có một số bảo vệ trông coi đống tài sản hoang phế.
Ông Nguyễn Hồng Nam, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Kỳ Anh cho biết: Công ty cổ phần giám định và thẩm định Phương Đông (Hà Nội) vừa hoàn tất thẩm định giá trị còn lại của nhà máy thép này. Theo đó, tổng giá trị của "đống phế liệu" của nhà máy thép Vạn Lợi còn lại 108,6 tỷ đồng. Từ ngày 2/4, đơn vị tổ chức đấu giá là Cty Hồng Lĩnh đã bán hồ sơ mời thầu, dự kiến đến ngày 26/4 sẽ tiến hành tổ chức phiên đấu giá tài sản.
Theo một doanh nghiệp chuyên thu mua phế liệu tại Miền Trung, để tháo dỡ, di dời được đống phế liệu khổng lồ này, đơn vị trúng thầu phải cần thời gian đến hàng năm trời mới có thể hoàn thành.
Văn Dũng