1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Tĩnh:

Đau xót nhà máy thép 1.700 tỉ, đấu giá hơn trăm tỉ

(Dân trí) - Gần như trở thành đống sắt vụn sau cả chục năm nằm “trơ gan cùng tuế nguyệt”, Nhà máy thép Vạn Lợi (Khu công nghiệp Vũng Áng, Hà Tĩnh) vừa được đơn vị thi hành án thu hồi nợ đưa ra đấu giá với mức khởi điểm hơn 100 tỉ đồng.

Chết yểu

Dự án Nhà máy gang thép Vạn Lợi được khởi công xây dựng ngày 16/06/2007 với tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng (xã Kỳ Thịnh, Kỳ Anh) do Công ty cổ phần Gang thép Hà Tĩnh với hai cổ đông chính là Công ty TNHH Vạn Lợi (Ba Đình, Hà Nội) và Công ty đầu tư và khoáng sản Hợp Thành (Đống Đa, Hà Nội) làm chủ đầu tư.

Theo dự kiến, nhà máy sẽ chính thức đi vào hoạt động cho sản phẩm đầu tiên vào tháng 12/2008.

Thế nhưng 6 năm sau khi khởi công, dự án này vẫn ì ạch và sau đó thì ngưng lại hoàn toàn. Các thiết bị, máy móc phơi sương, phơi nắng.

Đau xót nhà máy thép 1.700 tỉ, đấu giá hơn trăm tỉ - 1

Nhà máy thép vạn Lợi hoang tàn sau nhiều năm vứt chỏng chơ giữa mưa nắng.

Trước thực trạng trên, ngày 19/5/2015, Ban Quản lý KKT Vũng Áng đã có văn bản thông báo chấm dứt Dự án nhà máy liên hợp gang thép Vạn Lợi và gửi đến các ngân hàng cho vay vốn trong dự án này.

Khi đưa quyết định trên, Ban Quản lý KKT Hà Tĩnh yêu cầu phía chủ đầu tư phải tiến hành thanh lý dự án trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày ban hành quyết định để bàn giao lại mặt bằng. Nếu sau 6 tháng, phía chủ đầu tư không xử lý xong việc thanh lý dự án thì Ban Quản lý KKT Hà Tĩnh sẽ thực hiện các bước theo quy định của pháp luật.

Thế nhưng đến nay đã hơn 12 năm, phía chủ đầu tư vẫn chưa thanh lý xong dự án để hoàn trả mặt bằng.

Theo các số liệu mà cơ quan chức năng tại tỉnh Hà Tĩnh công bố, số tiền mà các nhà đầu tư đã rót vào dự án này là gần 1.000 tỷ đồng, trong đó các ngân hàng cho vay với tổng số tiền hơn 750 tỷ đồng.

Các bà đỡ cho dự án đầy kỳ vọng này gồm: Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Hà Tĩnh (VDB Hà Tĩnh), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Hà Tĩnh (BIDV Hà Tĩnh), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Hà Tĩnh (Vietcombank Hà Tĩnh)... Trong đó VDB Hà Tĩnh là đơn vị cho vay nhiều nhất với số tiền gốc gần 600 tỷ đồng.

Suốt gần 5 năm qua, việc thu hồi lại số nợ này đối với chủ đầu tư của các ngân hàng là vô cùng khó khăn. Các ngân hàng như ngồi trên đống lửa, bởi ngoài các chi phí khác thì hệ thống máy móc, trang thiết bị trị giá hơn 750 tỷ đồng hư hỏng nặng và đã gần như trở thành phế liệu.

Xót xa con số bán thanh lí

Chiều 5/4, theo thông tin mà Dân trí có được, sau một thời gian dài tiếp nhận hồ sơ tranh chấp dân sự giữa chủ đầu tư và các ngân hàng, sau đó trong quá trình thụ lí giữa các bên đạt được thỏa thuận, TAND thị xã Kỳ Anh vừa chuyển toàn bộ hồ sơ cho Chi cục Thi hành án dân sự thị xã để tiến hành thi hành án, đấu giá toàn bộ tài sản thuộc nhà máy thép chết yểu này.

Đau xót nhà máy thép 1.700 tỉ, đấu giá hơn trăm tỉ - 2

Một góc Nhà máy thép Vạn Lợi bị bỏ hoang. Được biết, toàn bộ thiết bị nhà máy thép này được nhập từ Trung Quốc.

Theo ông Nguyễn Hồng Nam, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Kỳ Anh, sau khi tiếp nhận hồ sơ về vụ tranh chấp nhà máy thép Vạn Lợi, đơn vị đã hợp đồng với Công ty cổ phần giám định và thẩm định Phương Đông (Hà Nội) để thẩm định giá trị còn lại của nhà máy thép này.

Theo kết quả thẩm định của doanh nghiệp nêu trên, giá trị còn lại của Nhà máy thép Vạn Lợi là hơn 108,6 tỉ đồng.

Tiếp đó, Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Kỳ Anh đã lựa chọn Công ty TNHH đấu giá Hồng Lĩnh (Cty Hồng Lĩnh) tổ chức bán đấu giá số tài sản này.

Theo lãnh đạo Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Kỳ Anh, bắt đầu từ ngày 2/4 Cty Hồng Lĩnh đã bán hồ sơ mời đấu giá tài sản nhà máy thép Vạn Lợi. Dự kiến đến ngày 26/4 sẽ tiến hành tổ chức đấu giá tài sản nhà máy thép này.

Khi được biết tổng giá trị dự án ngàn tỷ này chỉ còn được định giá hơn 100 tỷ đồng, nhiều người dân trên địa bàn không khỏi xót xa. "Chúng tôi sống trên địa bàn đã từng hi vọng các khó khăn sẽ được chủ đầu tư tháo gỡ, nhưng không ngờ dự án đi vào ngõ cụt. Dự án đổ bể không chỉ chủ đầu tư, ngân hàng, mà địa phương cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Trước mắt người dân mong việc đấu giá thành công, cơ quan chức năng sớm di dời toàn bộ số sắt thép này để tránh gây ô nhiễm"- anh Nguyễn Văn Đức, một người dân tại phường Kỳ Trinh nói. 

Có một điều đáng chú ý, dù dự án gây bức xúc trong dư luận những năm vừa qua, nhưng đến nay những gì liên quan đến nó như trách nhiệm của các ban ngành đang bị lãng quên và chưa thấy ai phải chịu trách nhiệm cho sự việc này.

Hà Phương