Thạc sĩ Thái ngừng tuyệt thực sau 21 ngày
(Dân trí) - Hôm nay 3/5, cô giáo Nguyễn Thị Thái, nhân vật trong bài báo <a href="http://dantri.com.vn/Sukien/2006/4/114217.vip">“Một thạc sỹ tuyệt thực 19 ngày để phản đối sai phạm”</a> đã có thư gửi Ban biên tập báo Dân trí cho biết, kể từ ngày 1/5 cô đã thôi tuyệt thực, sau khi nhận được lời khuyên từ bạn bè và được sự quan tâm của các cơ quan chức năng.
Trong thư, bà Thái cho biết: “Qua báo Dân trí, đã có rất nhiều người gọi điện, gửi thư hoặc tìm đến chia sẻ, nhờ vậy tôi không còn đơn độc trong cuộc đấu tranh này”.
Sau khi báo Dân trí đăng bài báo về trường hợp bà Thái tuyệt thực để phản đối sai phạm, nhiều ý kiến đồng tình đã liên tiếp xuất hiện trên các diễn đàn lớn như mạng Giáo dục Việt Nam, Trái tim Việt Nam Online…
Như quan điểm của chúng tôi trong các bài báo, việc bà Thái chọn phương pháp tuyệt thực là cực đoan và không nên để tiếp diễn. Tuy nhiên, qua tiếp xúc trực tiếp, bà Thái đã thể hiện rõ việc bà tuyệt thực không phải là để “ăn vạ”, đòi quyền lợi đã mất mà nhằm mục đích tố cáo những sai phạm vốn đã bị “khê đọng” từ nhiều năm nay tại trường ĐHKHTN và ĐHQGHN, qua đó tìm kiếm một giải pháp tích cực từ cơ quan chức năng.
“Sau 3 tuần tuyệt thực, nhiều cơ quan liên quan đã bắt đầu xem xét lại vụ việc một cách nghiêm túc hơn, tôi cảm thấy cuộc đấu tranh của mình đã bước đầu có kết quả. Tôi tin tưởng qua các phương tiện thông tin đại chúng, vụ việc của tôi sẽ sớm được giải quyết triệt để và những người cố tình sai phạm sẽ bị đưa ra ánh sáng” - bà Thái phát biểu sau 3 ngày ngừng tuyệt thực.
Trong vụ việc của bà Thái, những sai phạm về thủ tục hành chính bước đầu đã được lãnh đạo ĐHKHTN và Thanh tra ĐHQGHN thừa nhận. Tuy nhiên, theo hồ sơ bà Thái trình bày, vẫn còn những uẩn khúc đằng sau việc xử lý kỷ luật bà từ năm 1999.
Bà Thái phân tích: “Tôi cho rằng có sự mập mờ về các văn bản của trường ĐHKHTN khi xử lý vụ việc của tôi. Có ít nhất 2 công văn cùng số những khác nội dung có dấu hiệu bất thường và 2 công văn cùng một đơn vị, một người ký ban hành cách nhau 8 ngày nhưng số thứ tự công văn lại bị âm 69 số!” (Số công văn ban hành trước lớn hơn số công văn ban hành sau 8 ngày những 69 đơn vị)
Chúng tôi xin phân tích 4 công văn có nhiều điểm bất thường để bạn đọc tiện theo dõi: 2 công văn cùng số 764 ngày 15/6/1999 với 2 nội dung khác nhau: quyết định khiển trách bà Thái và quyết định ngừng đóng bảo hiểm để giải quyết chế độ hưu trí cho bà Thái. Tiếp theo là 2 công văn khác mang các số 1188/TCCB ngày 01/9/1999 đề nghị thu nhận lại bà Thái về ĐHQGHN để giải quyết chế độ hưu 1 lần và công văn số 1119/TCCB ngày 09/9/1999 đề nghị ĐHQG giải quyết chế độ hưu 1 lần. 4 công văn này đều do Hiệu trưởng trường ĐHKHTN, GS TS Nguyễn Văn Mậu ký.
Xét về quy trình công tác tổ chức cán bộ, phải có đề nghị ra quyết định buộc thôi việc và có quyết định buộc thôi việc thì mới có cơ sở để ra công văn số 1188. Và nếu có công văn này thì đương nhiên bà Thái đã bị cắt bảo hiểm xã hội, không cần đến quyết định 764 về việc ngừng đóng bảo hiểm nói trên.
Mặt khác, ngày 1/9/1999, trường ĐHKHTN mới có đề nghị thu nhận lại bà Thái theo công văn số 1188/TCCB. Nhưng tại sao từ ngày 15/6/1999 đã có quyết định ngừng đóng bảo hiểm xã hội cho bà Thái?
Như vậy dù trong bất cứ trường hợp nào thì những quyết định, công văn nói trên đều bộc lộ rõ những điểm bất hợp lý.
Qua những điểm bất thường nêu trên, chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để làm rõ những thắc mắc của dư luận.
Được biết, ngày 11/4, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi Hiệu trưởng Trường ĐH KHTN chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc và báo cáo Bộ trước ngày 27/4. Tuy nhiên, đến thời điểm này (chiều 3/5) bà Thái vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin nào về việc giải quyết vụ việc nói trên.
Trần Đức - Phương Thảo