Một thạc sỹ tuyệt thực 19 ngày để phản đối sai phạm
(Dân trí) - Đến hôm nay 29/4 đã 20 ngày kể từ khi bà Nguyễn Thị Thái ở số 4 Bà Huyện Thanh Quan, Hà Nội tuyệt thực để phản đối việc “bị buộc thôi việc” tại trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học QGHN từ năm 1999. Hiện sức khỏe bà Thái đang trong tình trạng đáng lo ngại. Vậy đâu là nguyên nhân sự việc?
Sai một ly đi nhiều dặm!
Bà Nguyễn Thị Thái sinh năm 1956, nguyên là giảng viên bộ môn Hóa Vô cơ, Khoa Hóa trường Đại học Khoa học tự nhiên (ĐHKHTN). Năm 1997, bà Thái được Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) cho phép đi học Nghiên cứu giáo dục tại Australia từ tháng 4/1997 đến tháng 7/1998, sau đó được phía bạn gia hạn đến 15/11/1998.
Theo đơn tóm tắt sự việc của bà Thái, khoảng 1 tuần sau khi hến thời gian gia hạn, bà đến gặp Chủ nhiệm khoa Hóa để liên hệ đi làm trở lại thì xảy ra to tiếng với vị Chủ nhiệm khoa này. Ngày 22/12/1998, bà Thái viết đơn xin nghỉ công tác và được ông Chủ nhiệm bộ môn Hóa vô cơ và Chủ nhiệm khoa Hóa ký xác nhận đã hoàn thành nhiệm vụ, tuy nhiên bà Thái đã không gửi đơn đó lên trường ĐHKHTN.
Sau đó, lấy lý do bà Thái về nước nhưng không báo cáo kết quả học tập và không làm thủ tục thu nhận với cấp trên nên Hội đồng kỷ luật trường ĐHKHTN đã họp thống nhất đề nghị kỷ luật bà Thái với hình thức “đưa ra khỏi biên chế”. Trong lúc con trai đang bị ốm nặng, gia đình gặp khó khăn và được một số người “vạch đường sẵn”, bà Thái đã miễn cưỡng viết đơn xin nghỉ chế độ hưu.
Điều nghịch lý đã xảy ra, trong khi bà Thái chưa được thu nhận về trường thì ngày 15/6/1999, Hội đồng kỷ luật ĐHKHTN đã họp để xét lại kết quả kỷ luật lần trước. Đồng thời, ngay trong ngày 15/6, Hiệu trưởng trường ĐHKHTN đã ra liên tiếp 2 quyết định cùng mang số 764 với 2 nội dung khác nhau: quyết định khiển trách bà Thái và quyết định ngừng đóng bảo hiểm để giải quyết chế độ hưu trí cho bà.
Trong khi đó, về nguyên tắc phải đến ngày 1/10/1999, ĐHQGHN mới có quyết định thu nhận bà Thái “chuyển về trường ĐHKHTN để giải quyết chế độ hưu trí”!
Như vậy, mặc dù từ khi bà Thái trở về nước chưa được thu nhận lại nhưng trường ĐHKHTN đã “cầm đèn chạy trước ôtô” liên tiếp ra các quyết định xử lý kỷ luật bà Thái trái thẩm quyền. Trên thực tế việc xử lý kỷ luật bà Thái lúc này thuộc thẩm quyền của ĐHQGHN.
ĐHKHTN đã vượt quá thẩm quyền
| |
Tuyệt thực 8 ngày, bà Thái vẫn tỉnh táo cung cấp thông |
Ông Cam xác nhận những điểm xử lý sai đối với bà Thái như: “không thông qua họp kỷ luật cấp cơ sở, xét kỷ luật vắng mặt và không có bản tự kiểm điểm của đương sự, vắng mặt đại diện công đoàn và nữ công đơn vị cơ sở, không tống đạt quyết định kỷ luật đến đương sự, áp dụng sai văn bản pháp luật về xử lý cán bộ…”.
Những sai phạm này cũng từng được Thanh tra ĐHQGHN xác nhận tại Kết luận Thanh tra số 32/KL-TTr ngày 21/5/2002 và Kết luận số 31/KL-TTr ngày 02/6/2003.
Theo kết luận thanh tra số 32 :“Việc kỷ luật khiển trách bà Nguyễn Thị Thái đã tiến hành không đúng trình tự thủ tục quy định tại Nghị định 97/NĐ-CP cho nên hình thức kỷ luật không có hiệu lực thi hành”. “Các sai sót xảy ra trong quá trình tiến hành kỷ luật cần phải được kiểm điểm rút kinh nghiệm và có biện pháp xử lý theo mức độ trách nhiệm của từng cá nhân có liên quan”.
Và như vậy, về một phương diện nào đó, bà Thái vẫn chưa bị kỷ luật (vì việc xử lý sai thẩm quyền) hoặc bị oan sai.
Kết luận thanh tra đã rõ, thế nhưng trường ĐHKHTN vẫn “án binh bất động”. Bà Thái tiếp tục khiếu kiện nhiều năm nhưng vẫn không có hiệu quả đành chọn giải pháp cực đoan là tuyệt thực.
Bà Thái có được khôi phục quyền lợi?
Tìm hiểu vụ việc, chúng tôi thấy rằng, việc bà Thái đi học nước ngoài về không báo cáo ĐHQGHN kịp thời là có thật. Và lỗi này nếu được cơ quan có thẩm quyền xử lý đúng, công bằng và minh bạch thì chắc chắn đã không có việc khiếu kiện kéo dài hơn 6 năm qua của bà Thái.
Mặt khác, bà Thái vẫn có thể tiếp tục được “lập công chuộc tội” như một số cán bộ khác của trường ĐHKHTN đã từng vi phạm nhưng hiện nay vẫn tiếp tục được lên làm quản lý. Ở đây đã có sự thiếu dân chủ và thiếu công bằng đối với một cán bộ giảng viên của ĐHKHTN nói riêng và ĐHQGHN nói chung.
“Trong cùng một thông báo kỷ luật, ông Đặng Đức Cường vi phạm nặng hơn tôi chỉ bị khiển trách, ông Lưu Văn Bôi, vi phạm nặng hơn tôi, cũng bị kết luận đưa ra khỏi biên chế nhưng vẫn đi làm, thậm chí còn được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo khoa Hoá nhiệm kỳ sau. Còn tôi bị buộc thôi việc, phải viết đơn xin nghỉ hưởng chế độ BHXH 1 lần” - thư bà Thái gửi Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển.
Ngày 28/4, chúng tôi đã trực tiếp đến nhà bà Nguyễn Thị Thái tại số 4 Bà Huyện Thanh Quan. Theo bà Thái, đến hôm nay đã 19 ngày bà tuyệt thực để chứng minh nỗi oan sai của mình. Ngày 21/4, bà Thái đã có thư thông báo tuyệt thực đến chết để đấu tranh đòi quyền lợi và chống tiêu cực trong vụ việc của bà. Hiện tại bà Thái đã phải nằm thở ô xy, sinh hoạt tại chỗ trên giường, tuy nhiên vẫn tỉnh táo cung cấp tài liệu cho phóng viên.
Ngày 26/4, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Khiết đã có công văn gửi giám đốc ĐHQGHN đề nghị: “Để cứu lấy tính mạng một con người, Trung ương Hội LHPNVN khẩn thiết đề nghị quý cơ quan có biện pháp khẩn trương giải quyết ngay vụ việc của bà Nguyễn Thị Thái. Nếu đúng bà Thái bị đối xử bất công, oan ức thì có quyết định khôi phục ngay mọi quyền lợi chính đáng cho bà để tránh mọi điều đáng tiếc có thể xảy ra”.
Trần Đức - Phương Thảo