Đôi điều suy tư sau chuyện của thạc sĩ Thái

(Dân trí) - “Vậy là <a href="http://www5.dantri.com.vn/Sukien/2006/4/115158.vip">chuyện của chị</a> cũng đã gần như xong. Ơn trời. Nhưng mà, tôi vẫn bị vấn vương với nó, không phải là với cá nhân chị, mà là vì một cái gì đó, rất khó định thành lời” - Lan HN, một nick name trên diễn đàn Edu.net đã viết.

Xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc bài viết của bạn Lan HN trên diễn đàn Edunet.

1. Tài người ta ghét, dốt người ta khinh

Tuổi của chị, chắc đã phải thi đại học mà không xét dạng "COCC" (con ông cháu cha). Xưa kia, thi cử nghiêm minh, ai đủ điểm đi nước ngoài, lại đi Nga rồi được học trường Lomonosov. Vậy là tới hai lần hơn người khác.

Tới thời điểm chị được đi du học Úc, chị chắc chắn phải thi ngoại ngữ, tiếng Anh, IELTS, ít nhất 6.5 mới được chấp nhận học sau đại học. Một nhà giáo dạy khoa học cơ bản ở cái thời điểm đó, có hai ngoại ngữ "ngon lành". Lại hơn nhiều người khác thêm một lần nữa.

Câu hỏi của tôi với mình: làm sao chị không được học tiếp chuyên ngành hoá học mà lại phải chuyển "ga" sang "quản lí giáo dục"?

Một người có khả năng như thế, lại không được tuyển chọn đi học tiếp sau đại học đúng chuyên ngành. Thực sự chế độ tuyển chọn người đi đào tạo ở ĐHKHTN có vấn đề (?).

2. Chờ được vạ thì...

Một người, vốn có khả năng chuyên môn tốt, đã gần chục năm xa rời chuyên môn chính (Hoá vô cơ). Nay quay trở lại khoa, liệu chị còn có đủ khả năng để dạy chuyên môn của mình hay không?

Đó là chưa kể, cái bằng của chị ở Lomonosov, mặc dù ở nhà mình một số người coi nó là "tương đương thạc sĩ", nhưng được biết, ở chính nước Nga, nó (hệ đại học 5 năm trước đây) chỉ có giá trị duy nhất là: được học chuyển tiếp thẳng lên trình độ tiến sĩ. Với những người học hệ 4 năm, vẫn phải học qua "đận" thạc sĩ. Chỉ có một đặc lợi duy nhất thế thôi. Vậy, cho tới giờ, nếu theo hệ thống bằng cấp của Nga, chị vẫn chỉ là người có trình độ đại học.

Khi chị sang Úc, mới học một năm, chắc chị mới chỉ học xong phần Diploma mà chưa có được học vị Master. Liệu rồi chị còn đủ tiêu chuẩn để làm giảng viên đại học không? 7 năm đã biến chị từ một người có khả năng, thành một người thua thiệt trong chuyên môn so với đồng nghiệp của mình. Tai hại quá. Cái này ai chịu trách nhiệm???

Nếu đặt một trường hợp khác, khả dĩ hơn, chị đi dạy tiếng Anh cho tổ Ngoại ngữ, chuyên ngành hoá học, thì đây sẽ là một giáo viên tiếng Anh chuyên ngành đầy tiềm năng (cái "khoản" này ở nước mình đang thiếu thậm tệ). Chị chắc chắn có khả năng hơn hẳn nhiều giáo viên ngoại ngữ vốn chủ yếu được đào tạo 4 kĩ năng: nghe-nói-đọc-viết gần suốt cả quá trình học chuyên ngữ ở đại học, rồi (nếu) được đào tạo tiếp ở nước ngoài thuần tuý là chuyên ngành TESOL (Phương pháp giảng dạy tiếng Anh).

Nhưng liệu rồi, chị, vốn ngầm hiểu vượt trội hơn nhiều người khác, có được "chính danh" để dạy cái chuyên ngành mới? Và rồi các "giảng viên Anh ngữ "xịn" kia có chịu chấp nhận chị như một người vượt trội (là vì chị vừa có chuyên môn, vừa có ngoại ngữ), hay mãi mãi chị vẫn chỉ khổ sở mang cái danh là "công dân hạng hai", là nghề tay trái", là "kẻ lấn sân"?

3. Bài học

Xem ra, vẫn nên biết sống "hoà mình" với cộng đồng bạc nhược, vốn thường bị "quản giáo" tài tình qua cái "hầu bao" bởi các nhà quản lí. Đấu tranh như chị Xuân Khải (ĐH KHXH&NV), hay chị Thái (ĐH KHTN) rút cục vẫn chỉ là thua thiệt cho mình. Lại còn suýt nữa thì mất mạng.

Ba chục năm sau, lứa du học sinh lần hai hiện nay (tới các nước phát triển) sẽ thế nào? Liệu sẽ có ai đó về nước sau này, có bao giờ nghĩ tới cảnh mình cũng sẽ một lần phải đội đơn đi kiện nữa không?

Lan HN (Edunet)