1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Thả nổi giá xăng không có nghĩa là bỏ quản lý nhà nước

(Dân trí) - “Doanh nghiệp được quyết định giá xăng dầu theo thị trường không có nghĩa là từ bỏ trách nhiệm quản lý của nhà nước trong quản lý giá. Nhà nước vẫn có quyền kiểm soát giá nếu doanh nghiệp làm không đúng” - Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển khẳng định như vậy trong buổi đối thoại trực tuyến về cơ chế kinh doanh xăng dầu mới.

Dân trí xin trích đăng nội dung buổi đối thoại trực tuyến sáng nay 20/4:

Bộ trưởng có thể nói rõ về nội dung trong cuộc họp ngày hôm qua về giá và thuế khi giao cho doanh nghiệp quyết định giá xăng dầu?

Cuộc họp hôm qua chúng tôi thống nhất giữa liên bộ và các doanh nghiệp và tất cả các doanh nghiệp đều thống nhất được điều đấy, việc dành quyền định giá cho doanh nghiệp kinh doanh phải bảo đảm không gây ra biến động lớn trong thị trường.

Tất nhiên giá cả có thể thay đổi và muốn bảo đảm không có biến động lớn doanh nghiệp đấy phải áp dụng biện pháp không phải giá thế giới lên thì tức thời lên theo và khi giá thế giới giảm thì cũng tức thời giảm xuống.

Tuy nhiên chúng tôi chỉ khống chế mức tăng trung bình năm của giá xăng năm nay ở mức hợp lý, không được quá lớn để tác động đến chỉ số tăng giá chung mà Quốc hội đã quyết định không quá mức 7%.

Nghị định là một bước chuyển đổi cơ bản về cơ chế kinh doanh xăng dầu nhằm khắc phục những hạn chế của cơ chế cũ phù hợp với sự phát triển nền kinh tế thị trường của Việt Nam và hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.

 

Nghị định này cũng đồng thời kích thích sự phát triển lành mạnh của các doanh nghiệp trong nước.

 

(Bộ trưởng Trương Đình Tuyển)

Giá xăng dầu tăng năm nay phải làm thế nào để không tác động đến mức giá chung, đây là vấn đề quan trọng. Doanh nghiệp trước khi tăng giá phải đăng ký với liên bộ (Tài chính - Thương mại), nếu không hợp lý thì liên bộ không đồng ý.

Về thuế, trên cơ sở nguyên tắc là phải đảm bảo mức thu thuế theo yêu cầu mức thu tổng thuế của Nhà nước. Các năm trước đây mức thu thuế xăng dầu là 2,5%. Năm 2006 giá xăng dầu biến động nhiều nên Thủ tướng đã không thu thuế xăng dầu. Nhưng trong năm nay nếu như không có gì đột biến, cao hoặc thấp quá thì nhà nước phải điều chỉnh để tăng thu.

Nếu không còn bù lỗ xăng dầu thì các doanh nghiệp sẽ không chuyển hàng lên vùng sâu, vùng xa. Xin Bộ trưởng cho biết giải quyết vấn đề này như thế nào?

Nói chung bất cứ một người nào sống ở vùng nào thì người ta đều được hưởng quyền lợi cũng như những “thiệt thòi” ở vùng ấy. Bất cứ người dân nào miền núi cũng phải mua cá biển đắt, ngược lại miền xuôi phải mua hoa quả đắt, tuy vậy có những mặt hàng đặc thù thiết yếu ở miền núi thì nhà nước phải trợ giá. Về lâu dài phải phát triển miền núi.

Trở về câu chuyện xăng dầu, dùng cơ chế tạo điều kiện kinh doanh bình đẳng cạnh tranh, bây giờ chúng ta để các doanh nghiệp quyết định giá thì giá xăng dầu ở miền núi sẽ đắt hơn miền xuôi. Cuộc sống là như thế, chúng ta hiện nay chưa cân bằng, chưa xoá bỏ được chênh lệch giữa miền núi và miễn xuôi, giữa thành thị và nông thôn.

Bộ trưởng nói về đầu mối kinh doanh xăng dầu theo kinh tế thị trường, ngoài 11 đầu mối, tương lai doanh nghiệp tư nhân có thể kinh doanh nhập khẩu xăng dầu được không?

Hiện nay ta có 11 đầu mối, trong Nghị định 55 không quy định bao nhiêu đầu mối, chỉ quy định ai có đủ điều kiện thì có thể tham gia kinh doanh xăng dầu, có quyền nhập khẩu nếu họ có khả năng tài chính.

Chính phủ không quy định đầu mối nhập khẩu bao nhiêu, trước đây quy định là 60% nhưng tôi yêu cầu không quá cứng nhắc, doanh nghiệp nào có khả năng cạnh tranh tốt thì tạo điều kiện cho doanh nghiệp đó phát triển.

Nếu doanh nghiệp có khả năng chiếm lĩnh thị trường thì nên tạo điều kiện cho họ cạnh tranh với nhau và phát triển. Không phải lúc nào cũng kinh doanh xăng dầu theo Nhà nước, cơ chế xăng dầu hiện nay không phải là một cơ chế xăng dầu hoàn hảo.

Về vấn đề khi nào thì tư nhân tham gia, chúng tôi không hạn chế nhưng cần cân nhắc, vì hiện tại nhà nước vẫn phải bù lỗ. Tại thời điểm này chưa cho tư nhân tham gia, nếu nhà nước có vốn dự trữ lớn thì sẽ tạo điều kiện.

Thưa Bộ trưởng, thuế nhập khẩu xăng dầu và giá xăng dầu sẽ cố định trong bao lâu?

Giá và thuế nhập khẩu xăng dầu phải linh hoạt theo biến động thị trường. Điều đấy không có nghĩa là chạy theo thị trường. Phải ổn định tương đối và để doanh nghiệp có thể quyết định giá hợp lý. Quản lý mức tăng giá xăng dầu để quản lý giá nói chung. Mức thuế xăng dầu năm nay khoảng 10%, cố gắng không có biến động lớn thì giữ ở mức đó.

Với thị phần bán lẻ xăng dầu chiếm gần 60% sản lượng của Tổng công ty xăng dầu VN, khi Nghị định 55/2007/ND-CP có hiệu lực, có phải là tạo thế độc quyền cho Petrolimex?

Nghị định 55 có tạo vị thế độc quyền của Petrolimex không? Trước hết vị thế độc quyền của Petrolimex gắn với cơ chế tập trung. Trước đây là Việt Nam chỉ có một doanh nghiệp duy nhất là Tổng Công ty xăng dầu Việt Nam họ thống lĩnh độc quyền 100% nhưng  nay chúng ta đã hạn chế mức này. Chúng ta quy định mức nhập khẩu tối thiếu của Tổng Công ty này 60% vì các doanh nghiệp khác chưa đủ lớn để bù đắp.

Nhưng nhà nước không hạn chế mức nhập khẩu của các doanh nghiệp khác, các doanh nghiệp có quyền nhập khẩu mức nhiều hơn tùy ý, chính quy định mức tối thiếu đã bảo đảm quy định cung cầu và bảo đảm các doanh nghiệp khác làm tốt hơn. Đây cũng là cách để chúng ta giảm dần dần mức độc quyền của Tổng Công ty xăng dầu Việt Nam.

Thưa Bộ trưởng, theo như tôi được biết thì tiền hoa hồng các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chi cho các đại lý là 300 đồng/lít. Tôi nghĩ con số này là quá lớn bởi lượng xăng tiêu thụ hằng ngày ở các đại lý là rất lớn.

Mức hoa hồng tùy thuộc vào doanh nghiệp tôi không thể quy định được. Ông đầu mối cây xăng ông mua đất hay thuê đất của dân mà cao thì hoa hồng phải cao, ông bán hàng trả tiền sau thì tiền hoa hồng khác, ông đại lý cây xăng thì mức hoa hồng khác...

Không có mức quy định nào về hoa hồng cố định mà do đại lý và do doanh nghiệp tự quyết định. Nếu ông giao mức hoa hồng quá lớn thì lợi nhuận của đầu mối nhỏ, ngược lại nếu hoa hồng quá thấp thì thì đại lý không chịu làm.

Khi giá xăng sắp tăng, doanh nghiệp dầu mối hạn chế cung hàng hoặc cắt giảm hoa hồng của các đại lý, như vậy rất khó cho các đại lý trong thời điểm này?

Bộ Thương mại đã lường hết tình hình có thể xảy ra, cho nên ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Nghị định ngày 6/4/2007, cá nhân tôi với tư cách là Bộ trưởng Thương mại đã điện chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối và các chi cục quản lý thị trường và Sở Thương mại kiểm tra hoạt động cây xăng để bảo đảm nhu cầu của thị trường.

Chúng ta sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra. Trong buổi hôm nay tôi chính thức yêu cầu Chi Cục quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, đánh giá tiến độ cung ứng từ thời điểm ký Nghị định đến thời điểm Nghị định có hiệu lực, xem các doanh nghiệp cung ứng có hợp lý không và có những cảnh báo cần thiết.

Nghị định 55/2007 quy định chỉ có doanh nghiệp nhà nước mới được tham gia kinh doanh xăng dầu. Vậy khi nào thì thị trường chính thức mở cửa cho thương nhân nước ngoài?

Trong cam kết gia nhập WTO, Việt Nam không cam kết mở cửa thị trường xăng dầu. Nhưng không có nghĩa là Việt Nam mãi mãi cấm doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực xăng dầu mà đến một lúc nào đó thấy có lợi cho phát triển kinh tế - xã hội thì Chính phủ sẽ quyết định mở cửa thị trường này.

P.V
(Nguồn: Website Chính phủ)