1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thà hy sinh tính mạng, quyết giữ Đền thờ Bác Hồ giữa lòng địch

(Dân trí) - Dáng người nhỏ nhắn, bước chân khập khiễng vì di chứng thương tật bởi đạn bom chiến tranh, ông Bảy Khoa từng là một người lính với tinh thần “thà hy sinh tính mạng, quyết giữ Đền thờ Bác Hồ” vài chục năm về trước.

Quyết tử để giữ gìn Đền thờ Bác

Cứ đến ngày lễ 2/9, ông Bảy Khoa (tên thân mật mà người dân địa phương gọi ông Nguyễn Văn Khoa, thương binh 4/4) lại bận bịu với việc coi sóc Đền thờ Bác Hồ (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) vì khách đến thăm viếng rất đông.

Ông Bảy Khoa được xem là “nhân chứng sống” của việc xây dựng một trong những ngôi Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh đầu tiên ở khu vực ĐBSCL sau ngày Bác mất.

Người thương binh gần 50 năm coi sóc Đền thờ Bác Hồ.

Tiếp chuyện chúng tôi, ông Bảy Khoa nhớ lại, ngày 3/9/1969, khi hay tin Bác Hồ mất, Đảng bộ, chính quyền, quân dân xã Châu Thới hết sức bàng hoàng, đau xót. Nhiều người từ già đến trẻ đều khóc trước sự ra đi của Bác khi đất nước chưa thống nhất và mong muốn vào thăm miền Nam của Người chưa thực hiện được.

“Trước lòng kính yêu vô bờ bến đối với Bác Hồ, Đảng bộ và quân dân xã Châu Thới đã quyết định lập một Đền thờ để có nơi khói hương cho Bác”, ông Khoa bồi hồi nhớ lại.

Sau khi được sự thống nhất của cấp trên, xã Châu Thới người góp sức, người góp của đã xây dựng lên Đền thờ Bác bằng cây lá đơn sơ trên một khu đất của người dân địa phương ở ấp Bà Chăng. Đúng ngày sinh nhật Bác (19/5/1970), lễ khánh thành Đền thờ được tổ chức trong niềm hân hoan nhưng cũng nhiều xúc động của đông đảo bà con nhân dân.

Thà hy sinh tính mạng, quyết giữ Đền thờ Bác Hồ giữa lòng địch - 1

Ông Nguyễn Văn Khoa (Bảy Khoa) là thương binh 4/4. Ông đã có hàng chục năm làm nhiệm vụ bảo vệ, coi sóc Đền thờ Bác Hồ ở xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.

Để bảo vệ Đền thờ Bác Hồ trong những năm tháng còn chiến tranh, xã Châu Thới cho thành lập một đội bảo vệ gồm 7 người, trong đó ông Bảy Khoa làm Đội trưởng.

“Những năm đó chiến tranh còn ác liệt lắm, xung quanh Đền thờ Bác có nhiều đồn bót của địch, bọn chúng ngày đêm càn quét tìm cách phá hoại nên việc bảo vệ nơi thờ cúng Bác cũng không dễ dàng. Đội bảo vệ đã phải tuyên thệ, thà hy sinh tính mạng, quyết giữ cho bằng được Đền thờ Bác”, ông Bảy Khoa chia sẻ.

Nhiều lần bọn Mỹ - Ngụy biết quân dân xã Châu Thới ngày đêm xây dựng Đền thờ Bác, bọn chúng đã bắt dân phải phá bỏ, nhưng với sự kiên cường, mưu trí của mình, quân dân địa phương đã giữ được Đền thờ.

Thà hy sinh tính mạng, quyết giữ Đền thờ Bác Hồ giữa lòng địch - 2
Thà hy sinh tính mạng, quyết giữ Đền thờ Bác Hồ giữa lòng địch - 3

Dáng người nhỏ nhắn, nhưng ông Bảy Khoa từng là một người lính kiên cường, gan dạ.

Thắp xong nén nhang cho Bác, ông Bảy Khoa nhìn ra hướng con sông, rồi cánh ruộng đồng phía trước và sau Đền thờ, ông kể lại một trận đánh mà ông và đồng đội của mình không bao giờ quên được.

Đó là trận đánh vào một ngày tháng 3/1973, lúc đó phía địch dùng đến 4 máy bay bay xuống khu vực xã Châu Thới nhằm tìm diệt Đền thờ Bác. Lúc này, trước tình thế cam go, nguy hiểm, là Đội trưởng đội bảo vệ, ông Bảy Khoa đã phân công 4 đồng đội cầm súng chạy ra phía đồng ruộng “dụ” máy bay địch theo 4 hướng. Cả 4 máy bay của địch bị cuốn theo 4 chiến sĩ của ta nên Đền thờ Bác được bảo vệ an toàn.

“Lúc đó, nói thật là mình và anh em trong Đội bảo vệ không biết sợ là gì cả. Cứ một lòng quyết tâm là làm sao để giữ cho được Đền thờ Bác mà thôi, nên trước máy bay, súng đạn của địch, anh em đã chống trả quyết liệt khiến bọn chúng cũng mất tinh thần”, ông Bảy Khoa hồi tưởng.

Sau trận đó, trong một trận đánh bảo vệ Đền thờ Bác và Xã ủy Châu Thới vào tháng 10/1973, ông Bảy Khoa không may đạp phải trái pháo khiến ông bị thương tật vĩnh viễn ở chân và nhiều nơi trên cơ thể, khiến sức khỏe phần nào bị ảnh hưởng. Sau đó, ông Khoa được làm chế độ thương binh 4/4 cho đến nay.

Thà hy sinh tính mạng, quyết giữ Đền thờ Bác Hồ giữa lòng địch - 4

Người thương binh này đã có gần 50 năm coi sóc Đền thờ Bác Hồ. Ông xem nơi đây đã là sự thiêng liêng, đã ngấm vào máu thịt mình.

Chỉ mong luôn khỏe để phục vụ lâu dài hơn

Trò chuyện với chúng tôi, ông Bảy Khoa cho biết, ông làm nhiệm vụ bảo vệ, coi sóc Đền thờ Bác Hồ từ năm 1972 cho đến nay cũng đã gần 50 năm. Từng ấy năm, ông đã chứng kiến biết bao thay đổi trong việc xây dựng, trùng tu, sửa chữa Đền thờ Bác từ thời còn đơn sơ đến khang trang như ngày nay.

Với ông, hơn nửa đời người gắn bó, gần gũi với Đền thờ Bác, được ngày đêm cận kề, tiếp xúc với những tư liệu, hình ảnh về Bác và những chiến công của quân dân xã Châu Thới anh hùng, ông xem đó là những điều quý báu nhất để sống một cuộc đời noi theo tấm gương Bác.

Thà hy sinh tính mạng, quyết giữ Đền thờ Bác Hồ giữa lòng địch - 5

Ông Bảy Khoa chia sẻ, bản thân ông được là người đại diện nhân dân xã Châu Thới quê hương mình bảo vệ Đền thờ Bác từ khi còn chiến tranh đến ngày thống đất nước, ông tự hào lắm.

“Bảo vệ Đền thờ Bác không chỉ là vấn đề an ninh trật tự mà còn là khi khách đến thăm viếng, muốn tìm hiểu rõ hơn về ngôi Đền thờ, mình phải thuật tường tận cho khách biết. Không chỉ vậy, phải để khu Đền thờ luôn được sạch, đẹp, khách thấy thoải mái khi đến đây viếng Bác vào những ngày thường cũng như dịp lễ, tết. Làm sao để khách đến vui vẻ, khách đi nhớ mãi”, ông Bảy Khoa nói.

Thà hy sinh tính mạng, quyết giữ Đền thờ Bác Hồ giữa lòng địch - 6

Ông Bảy Khoa nói phải để Đền thờ Bác luôn được khang trang, sạch đẹp.

Người thương binh già tâm sự, nhà ông cách Đền thờ Bác khoảng 3 cây số, trước đây khi chưa bệnh, ông thường ngủ luôn tại Đền thờ để tiện cho việc coi sóc hơn. Từ khi ông có bệnh thì đi về hàng ngày và ở nhà, vợ ông cũng bị tai biến đã mười mấy năm nay. Với ông, việc tư không bỏ, nhưng việc công cũng không thể lơ là.

Vào năm 2017, ông Bảy Khoa bệnh mổ cột sống, bác sĩ nói nếu không mổ thì di chứng thương tật có thể khiến chân bị liệt. Rồi năm 2018, ông lại phải trải qua một ca mổ tim.

Thời chiến tranh, đạn bom ác liệt, ông gan dạ chiến đấu cùng đồng đội bảo vệ quê hương, bảo vệ Đền thờ Bác. Nay hòa bình, dù bệnh tật hành hạ nhưng với khí chất của người lính, ông vẫn kiên cường vượt qua để có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao, bởi với ông, Đền thờ Bác là nơi thiêng liêng, đã ngấm vào máu thịt mình.

Thà hy sinh tính mạng, quyết giữ Đền thờ Bác Hồ giữa lòng địch - 7
Thà hy sinh tính mạng, quyết giữ Đền thờ Bác Hồ giữa lòng địch - 8

Người thương binh này hàng ngày thắp những nén nhang lên Bác để Đền thờ luôn có hương khói ấm áp.

Có một điều ông Bảy Khoa chia sẻ, chúng tôi rất xúc động và nể phục, ông nói ông không đòi hỏi bất cứ gì quyền lợi cho mình, nhà nước hỗ trợ thế nào ông nhận thế đó. Hiện nay, ngoài hưởng chế độ thương binh, ông còn nhận “lương” khoảng 2,7 triệu đồng cho việc coi sóc Đền thờ Bác. Với số tiền này, vợ chồng ông dè xẻn cũng tạm sống qua ngày, vì còn con cái hỗ trợ thêm những khi đau yếu.

“Cả nước này biết bao nhiêu thương binh. Nếu mình đòi hỏi gì được quyền lợi cho mình thì người khác cũng làm được, như thế thì nhà nước lại tốn biết bao nữa. Vì vậy, mình cứ sống sao để không hổ thẹn với bản thân, với gia đình, bà con cô bác”, ông Bảy Khoa trải lòng.

Nói về mong muốn của mình khi đã ở vào cái tuổi “thấp thập cổ lai hy”, người thương binh 4/4 Nguyễn Văn Khoa nói, ông chỉ mong sao luôn được khỏe mạnh, để có thể được phục vụ coi sóc Đền thờ Bác lâu dài hơn nữa.

Tháng 12/2018, ông Nguyễn Văn Khoa là một trong những cá nhân tiêu biểu, xuất sắc được Tỉnh ủy Bạc Liêu tuyên dương trong phong trào Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. 

Ông Khoa được tuyên dương vì đã có nhiều đóng góp trong việc bảo vệ, giữ gìn Đền thờ Bác Hồ trong kháng chiến cũng như thời bình.

Công việc hằng ngày của ông hiện nay là thắp hương, làu chùi, quét dọn; giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; giới thiệu, hướng dẫn khách tham quan đến thăm viếng Đền thờ;…

Huỳnh Hải