Thả 10 con khỉ ở Lào Cai vào Vườn quốc gia Bái Tử Long

Phạm Ngọc Triển

(Dân trí) - Ngày 22/6, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai và UBND huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) đã tổ chức thả 10 con khỉ sau khi được cứu hộ ở Sa Pa vào một khu rừng trong Vườn quốc gia Bái Tử Long (Quảng Ninh).

Thả 10 con khỉ ở Lào Cai vào Vườn quốc gia Bái Tử Long - 1

Ông Nguyễn Hồng Điệp, Phó chi cục trưởng kiểm lâm tỉnh Lào Cai cùng đại diện UBND huyện Vân Đồn và Vườn quốc gia Bái Tử Long đưa 10 con khỉ thả vào rừng Mùn (Ảnh: Báo Lào Cai).

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai, đây là 10 con khỉ được Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên (Sa Pa) thuộc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Hoàng Liên (tỉnh Lào Cai) tiếp nhận, cứu hộ và chăm sóc chu đáo trong các năm qua, nay đủ sức khỏe tái thả ra môi trường tự nhiên của Vườn quốc gia Bái Tử Long theo chấp thuận của UBND tỉnh Quảng Ninh, tái thả về tự nhiên theo quy định Công ước quốc tế CITES, nhằm bảo vệ các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Đại diện Vườn quốc gia Hoàng Liên cho biết, 10 con khỉ này thuộc 4 loài: Khỉ đuôi dài, khỉ vàng, khỉ mốc và khỉ mặt đỏ đã được cứu hộ tại Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên (Sa Pa) từ những năm trước, nay đã rất khỏe, không có bệnh truyền nhiễm, không bị thương tật, thích nghi được môi trường tự nhiên và có khả năng sinh sản, ghép đàn.

Trong các năm qua, Vườn Quốc gia Bái Tử Long đã tiếp nhận và thả ra môi trường tự nhiên trên 200 cá thể động vật các loại và các cá thể này đang sinh trưởng và phát triển tốt, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và các nguồn gen động vật quý hiếm tại rừng danh thắng kỳ quan du lịch quốc tế Hạ Long.

Thả 10 con khỉ ở Lào Cai vào Vườn quốc gia Bái Tử Long - 2

10 cá thể khỉ được cứu hộ ở Vườn quốc gia Hoàng Liên (Lào Cai) (Ảnh: Báo Lào Cai).

Trước đó, ngày 19/6 Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên vừa tiếp nhận 9 cá thể cầy vòi mốc là động vật hoang dã có tên khoa học là Paguma larvata với tổng trọng lượng 28,7 kg từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên bàn giao về chăm sóc, cứu hộ. 

Đây là loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIB theo quy định tại Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 21/01/2019 của Chính phủ.

Tại thời điểm tiếp nhận, các cá thể cầy vòi mốc đều có biểu hiện suy giảm tập tính hoang dã, sức khỏe yếu do bị tách khỏi môi trường tự nhiên, trong đó có 5 cá thể bị thương ở chân đang trong giai đoạn hoại tử phải tiến hành phẫu thuật tháo khớp khủyu chân.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên (Vườn quốc gia Hoàng Liên) đã tiếp nhận 22 vụ với 71 cá thể thuộc 16 loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm; trong đó phần lớn là do các cơ quan chức năng bàn giao cho Trung tâm để chăm sóc, cứu hộ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm